Lựu pháo M777 của Ukraine có thể bắn đạn chùm 155mm.
Alexei Podberezkin hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị-Quân sự tại MGIMO (Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moskva) cho biết, kế hoạch của Mỹ gửi bom, đạn chùm đến Ukraine được giải thích là vì lợi ích của chính họ, cũng như do tình trạng thiếu đạn trầm trọng của quân đội Ukraine.
"Những loại vũ khí này thực sự khá cũ, rất nguy hiểm cho những người sử dụng. Tôi phải nói quân đội Ukraine nói chung có rất ít đạn dược, vũ khí và thiết bị quân sự cỡ lớn, họ bắt đầu gặp phải tình trạng thiếu hụt trầm trọng đạn pháo, và không có nơi nào để có được những quả đạn này.
Vì sẽ mất ít nhất vài tháng để sản xuất, nhưng ngay cả sau thời gian này, những quả đạn sẽ không có sẵn ở quy mô mà quân đội hiện đang tiêu thụ. Do đó, người Mỹ thực hiện rất đơn giản - họ luôn kết hợp nguyên tắc hữu ích về chính trị và quân sự với hiệu quả kinh tế.
Và theo nghĩa này, việc sử dụng bom, đạn chùm hoàn toàn phù hợp với việc áp dụng các nguyên tắc đó", chuyên gia Alexei Podberezkin nói và cho biết thêm rằng, Mỹ dự định cung cấp chủ yếu cho Ukraine các loại bom, đạn chùm cũ vì khả năng phải loại bỏ chúng khỏi trang bị.
"Cần lưu ý rằng để phá hủy những loại đạn dược này, thứ gây nguy hiểm cho chính Mỹ thì cần phải có tiền. Việc vận chuyển chúng rẻ hơn nhiều. Người Mỹ ít quan tâm nhất đến hiệu quả của chúng ở Ukraine và bao nhiêu người Ukraine sẽ thiệt mạng khi sử dụng chúng.
Người Mỹ chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để giải quyết ở đó kho đạn đã hết hạn sử dụng. Họ sẽ chuyển giao giống như những phương tiện cũ kỹ khác đang cháy đượm trên chiến trường. Điều này sẽ tiếp tục, bởi vì thực sự có lợi cho Mỹ", Alexei Podberezkin nhấn mạnh.
Trước đó, Nhà Trắng cho biết Mỹ "đang xem xét tích cực" khả năng viện trợ đạn chùm. Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cũng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden "đang xem xét" chuyển Đạn dược Thông thường Cải tiến Lưỡng dụng (DPICM) cho Ukraine, song chỉ chọn loại có tỷ lệ để lại đạn con không phát nổ dưới 2,35%.
DPICM là đạn pháo hoặc đầu đạn tên lửa được thiết kế nhằm phát tán bom con, đạn con để bao phủ khu vực rộng lớn. Bom con và đạn con thường dùng để chống lại tăng thiết giáp và gây sát thương, do đó được gọi là lưỡng dụng. Mỹ bắt đầu phát triển DPICM từ những năm 1950.
Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Nga và Ukraine, Laura Cooper ngày 22/6 nhận định DPICM sẽ có ích cho Ukraine, đặc biệt trong đối phó với chiến hào của Nga trên chiến trường. Tuy nhiên, Mỹ chưa phê duyệt chuyển loại đạn này cho Kiev do hạn chế từ quốc hội và lo ngại giữa các đồng minh.
Một số tài liệu ngân sách Mỹ cho biết quân đội nước này đang chi hơn 6 triệu USD mỗi năm để dừng sử dụng đạn chùm của pháo 155 mm và các loại đạn cũ khác. Truyền thông Mỹ nhận định chuyển DCIPM cho Ukraine sẽ giúp giảm mức tiêu hao đạn pháo 155 mm thông thường, vốn được Washington viện trợ với số lượng lớn.
Ukraine từng kêu gọi các nghị sĩ Mỹ gây sức ép để chính quyền Tổng thống Joe Biden phê duyệt cung cấp DPICM. Tuy nhiên, những người phản đối cung cấp DPICM cho Ukraine cảnh báo khi đạn chùm hoặc bom chùm phân tán, chúng có thể khiến dân thường thương tật hoặc thiệt mạng. Chúng có thể không phát nổ khi tiếp đất, tạo rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải như mìn.