Việc ai đó mắc sai lầm ở độ tuổi 20 và 30 là điều bình thường, đặc biệt là những sai lầm về sử dụng tiền nong. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho sự thành công về mặt kinh tế, bạn nên tránh những sai lầm tài chính phổ biến mà nhiều người trẻ mắc phải càng sớm càng tốt.
Bằng cách đó, bạn có thể giảm chi phí sinh hoạt, đa dạng hóa nguồn thu nhập và thiết lập thói quen tài chính lành mạnh. Đây là cách giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính trong ngắn hạn và dài hạn, đồng thời xây dựng sự giàu có của mình.
1. Sống phụ thuộc vào thẻ tín dụng
Chi tiêu bằng thẻ tín dụng có thể giúp bạn xây dựng hồ sơ tín dụng đẹp, cũng như dễ dàng tiếp cận các nguồn vay. Tuy nhiên, nếu không được sử dụng một cách có trách nhiệm và có kiến thức, thẻ tín dụng có thể "làm hỏng" bạn, khiến bạn rơi vào cảnh nợ nần, buộc bạn phải đi theo vòng xoáy trả nợ lãi suất cao.
Biện pháp: Hãy đặt mục tiêu chỉ sử dụng 30% hạn mức của thẻ tín dụng, hoàn trả đầy đủ số dư trước ngày đáo hạn để đảm bảo phương thức thanh toán này mang lại hiệu quả tài chính nhất cho bạn. Khi đó, bạn vừa tận dụng được đòn bẩy tài chính, mà còn xây dựng điểm tín dụng tốt mà không lệ thuộc vào nó.
2. Chi nhiều hơn số tiền kiếm được
Đây là một trong những sai lầm tài chính tồi tệ nhất mà nhiều người trẻ đang mắc phải. Thói quen không lành mạnh này có thẻ dẫn bạn đến nợ nần, tiêu hết sạch tiền tiết kiệm, đẩy bạn rơi vào vòng luẩn quẩn "vừa nhận lương tháng này đã tiêu hết sạch tiền".
Biện pháp: Theo dõi cách chi tiêu theo từng đồng tiền kiếm được là biện pháp dễ dàng để đảm bảo bạn không tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Nhờ đó, bạn có được bức tranh tổng thể về tình hình tài chính, biết bản thân cần điều chỉnh ở chỗ nào, chẳng hạn cắt giảm chi phí hoặc gia tăng chi tiêu ở khoản thu nào.
3. Không có ngân sách tài chính
Thiết lập ngân sách tài chính là một bước quan trọng để xây dựng sự giàu có bền vững, đạt được tự do tài chính. Bởi nó cho phép bạn kiểm soát tiền của bạn sẽ đi đâu về đâu.
Đừng chi tiêu xa hoa mà không có kế hoạch rõ ràng để bạn cân bằng giữa thu nhập với chi phí sinh hoạt. Điều này có thể khiến bạn chi tiêu quá mức so với khả năng kiếm tiền, từ đó gây nguy hiểm cho sức khỏe tài chính của bạn.
Biện pháp: Nếu muốn có một tương lai ổn định về mặt tài chính, bạn nên biết cách lập và bám sát ngân sách chi tiêu. Hiện nay, có khá nhiều ứng dụng hỗ trợ lập ngân sách tài chính trực tuyến có giao diện thân thiện với người dùng. Hoặc bạn có thể tự mình lập bảng ngân sách tài chính cho cá nhân, dựa vào sự chia nhỏ thu nhập hàng tháng của bạn vào các khoản tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư.
4. Không đặt mục tiêu tài chính
Thật khó để xây dựng cuộc sống giàu có nếu bạn còn không biết đích đến của mình là gì, tại sao bạn lại hành xử với tiền nong như vậy.
Biện pháp: Đặt ra các mục tiêu tài chính trong ngắn hạn và dài hạn mà có thể đạt được cho bản thân. Làm như vậy sẽ giúp bạn đi đúng hướng trong hành trình tài chính, đồng thời cho phép bạn đánh giá xem liệu bản thân có đạt được tiến bộ tích cực về tiền mặt tiền nong hay không.
5. Không tranh thủ kiếm tiền khi rảnh rỗi
Một sai lầm lớn khác mà giới trẻ thường mắc phải là không đa dạng hóa nguồn thu nhập. Mặc dù một công việc toàn thời gian có thể giúp bạn đủ để trang trải chi phí hàng ngày và những mong muốn hiện tại, song chỉ sống dựa vào một công việc đó có thể khiến bạn dễ bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về tài chính.
Ví dụ, nếu bạn bất ngờ bị sa thải, việc có từ 2 nguồn thu nhập trở lên sẽ giúp ích cho bạn vì đã 1 khoản dự phòng tài chính trong thời gian tìm kiếm công việc khác. Do đó, vào thời gian rảnh rỗi, hãy cân nhắc tìm một công việc tay trái mà bạn thích nhưng vẫn kiếm được tiền nhé.
6. Không chú trọng xây dựng điểm tín dụng tốt
Có hồ sơ điểm tín dụng tốt giúp bạn dễ dàng tiếp cận với các khoản vay có lãi suất thấp. Khi đã thiết lập được điểm tín dụng cao, bạn có thể truy cập và tận hưởng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mà bản thân cần dễ dàng hơn. Thật không may, nhiều người trẻ vẫn chưa quen với việc xây dựng và duy trì điểm tín dụng của mình ở những năm của tuổi 20, 30.
Nếu muốn bắt đầu đạt được tự do tài chính, bạn nên xây dựng hồ sư tín dụng bằng cách tuân theo các thói quen lành mạnh, chẳng hạn như thanh toán toàn bộ số dư hàng tháng trên thẻ tín dụng thay vì chỉ thanh toán số dư tối thiểu.
7. Mua sắm số lượng lớn và không cần thiết
Việc mua sắm quá tay có thể rất thú vị về mặt tinh thần, đặc biệt đối với những thanh niên mới bắt đầu tận hưởng sự độc lập về tài chính.
Tuy nhiên, nếu bạn liên tục chi quá tay để mua những mặt hàng có giá trị lớn nhưng không thực sự cần thiết, bạn đang tự đặt mình rơi vào tình huống có thể tiêu sạch hết số tiền kiếm được, tệ hơn là mang nợ.
Biện pháp: Trước khi mua bất cứ thứ gì có giá trăm ngàn đồng trở lên, hãy tự trả lời những câu hỏi sau đây: Bạn có thật sự cần chúng hay không? Liệu bạn có đủ khả năng để tự trả tiền mua chúng? Liệu bạn có thể tìm thấy những lựa chọn rẻ hơn thay vì bỏ tiền sở hữu chúng? Và nếu bạn muốn mua một mặt hàng xa xỉ, bạn nên có một kế hoạch thông minh là tiết kiệm dần dần, thay vì vay nợ hoặc quẹt quá tay thẻ tín dụng.
8. Không có quỹ khẩn cấp
Bạn không bao giờ biết khi nào mình sẽ gặp phải khó khăn do trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như mất việc hoặc cần trả số tiền lớn khi đi viện. Nếu không có quỹ khẩn cấp, những sự kiện không may này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tài chính của bạn, làm gián đoạn việc phân bổ thu nhập và có thể dẫn đến nợ nần.
Không có quy định nghiêm ngặt nào về số tiền bạn nên tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp. Nhưng tôi luôn khuyên bạn nên chuẩn bị quỹ này bằng đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt ít nhất từ 3-6 tháng.
9. Không tiết kiệm cho kế hoạch nghỉ hưu
Ở độ tuổi 20 và 30, việc nghỉ hưu có vẻ xa vời đến mức bạn có thể chưa cân nhắc đến điều đó. Tuy nhiên, cần nhớ việc tiết kiệm sớm cho giai đoạn này của cuộc đời là rất quan trọng nếu bạn muốn nghỉ hưu trong thoải mái, không căng thẳng về chuyện tiền nong.
Biện pháp: Hãy bắt đầu tiết kiệm từ khi còn trẻ và càng sớm càng tốt. Sau đó, bạn hãy khai thác sức mạnh của lãi suất kép để gửi gắm tiền tiết kiệm, song song với việc tích luỹ tiền bạc, tài sản hàng ngày. Hãy nhớ, bạn có thể tăng cơ hội được nghỉ hưu càng sớm càng tốt, dựa vào số tiền mà bạn tiết kiệm được hơn là vào độ tuổi của bạn.