Có những bộ phim không chỉ xem để giải trí mà còn xem để học. Đó là điều tôi nhận ra sau khi xem phim Sex Education. Những câu chuyện về giới tính, tính yêu, bạn bè, gia đình, nhà trường,... khiến tôi rút ra nhiều bài học để dạy dỗ cô con gái mới thi đỗ lớp 10 năm nay.
Một trong những nhân vật khiến tôi ấn tượng nhất trong phim là cô Hiệu trưởng Hope Haddon. Đây là một người có vẻ ngoài hiện đại, tự tin, nhưng lại ẩn chứa nhiều vấn đề và cách tiếp cận đầy mâu thuẫn trong việc quản lý học sinh.
Thay vì đối thoại và thấu hiểu, cô Hiệu trưởng này lại áp đặt hàng loạt quy định hà khắc như đồng phục bắt buộc, hạn chế tự do ngôn luận, và loại bỏ mọi điều gì cô coi là "không phù hợp". Cô coi trường học như một "doanh nghiệp" cần cải tổ để khôi phục danh tiếng.
Là một Hiệu trưởng, cô Hope đáng lẽ phải giáo dục học sinh về sự phát triển và nhận thức bản thân một cách lành mạnh. Tuy nhiên, cô lại kiểm soát và áp chế mọi biểu hiện của tình dục và cá tính trong trường học. Thay vì chấp nhận và hướng dẫn học sinh, cô kỳ thị và coi đó là điều xấu hổ. Và còn rất nhiều điều hà khắc, cứng nhắc, thiếu tinh tế, đồng cảm ở nhân vật này, dẫn đến việc về sau cô Hope mất đi sự tín nhiệm của cả học sinh và phụ huynh.
Con gái tôi từng có một cô giáo chủ nhiệm giống như cô Hope
Nhân vật cô Hope khiến tôi nhớ lại cô giáo chủ nhiệm lớp con gái mình 2 năm trước. Nói thêm một chút, con tôi đã thi đỗ vào một trường THPT nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu trước đây, tôi khăng khăng không nghe lời chồng thì có lẽ bây giờ, con tôi chẳng những trượt cấp 3 mà còn có nguy cơ trở thành một đứa trẻ trầm cảm.
Đầu năm lớp 8, con tôi là đứa trẻ nhút nhát nhưng rất ham học, sáng tạo. Thế nhưng, có một thời gian cháu uể oải, mất tự tin, không còn vui vẻ như trước. Sau nhiều lần trò chuyện và gặng hỏi, con mới tâm sự rằng cô giáo chủ nhiệm năm nay nghiêm khắc, bảo thủ. Với cô, học sinh chỉ có "học và điểm số", các tiết học rất khô khan, nặng nề, không vui vẻ như năm lớp 7.
Nếu trong lớp có bạn nào phạm lỗi, dù là có lý do chính đáng thì cô đều phê bình trước lớp. Bạn nào mà có bài kiểm tra thấp hơn lần trước cũng bị cô nói nặng lời. Con tôi kể, có lần thuyết trình bài tập nhóm, con vì hồi hộp nên giọng hơi run.
"Cô chẳng động viên, khích lệ mà còn bảo: "Nói trước mặt toàn người quen mà còn run. Kém tự tin thế này thì sau làm được gì?", con ấm ức kể lại.
Câu nói ấy ám ảnh con một thời gian dài. Con bắt đầu sợ đến trường, sợ phát biểu, sợ cả việc thể hiện bản thân. Chồng tôi khi biết chuyện đã lập tức đến trường gặp cô giáo để chia sẻ. Lúc ấy, cô giáo nói rằng:
"Tôi làm vậy là vì tốt cho cháu, phụ huynh không hiểu đâu. Tuổi này các cháu cần kỷ luật thép thì sau mới thành tài được. Nhiều người thương con quá đâm ra hại con".
Chồng tôi khi về đã nhất quyết đòi xin chuyển lớp cho con. Tôi lúc đó rất phân vân, không thực sự ủng hộ chồng. Thú thật, như nhiều người, tôi cũng suy nghĩ rằng "không nên chiều con quá, nghiêm một chút thì sau mới ăn trái ngọt".
Khi tôi tâm sự với một số phụ huynh trong lớp, có người cũng lo lắng, thể hiện thái độ không đồng tình với sự nghiêm khắc quá mức của cô giáo, nhưng cũng có người bảo tôi "cô giáo như thế mới tốt, chuyển lớp là thiệt cho con".
Tuy nhiên chồng tôi tuyên bố: "Đúng là dạy trẻ phải nghiêm khắc nhưng cũng cần lắng nghe, cởi mở, tinh tế. Không phải cứ trấn áp như thế!".
Cuối cùng, tôi phải thuận theo ý chồng vì anh quá cương quyết. Lúc đầu, tôi cứ sợ con mình được cô nghiêm khắc dạy mà lực học còn bình thường, học cô dễ hơn khéo "chạm đáy". Nhưng thực tế lại khác hoàn toàn.
Sau khi chuyển lớp, con tôi về nhà vui vẻ hơn. Con kể, cô giáo mới cũng nghiêm khắc nhưng cô "linh hoạt", biết lắng nghe, hiểu tâm lý học sinh. "Khi bọn con mắc lỗi, cô sẽ không phạt luôn mà hỏi rõ nguyên do, cô cũng chỉ ra phải sửa đổi như nào. Nếu bạn nào sửa đổi, cô sẽ tuyên dương. Có bạn nào sai cô phạt, phê bình nhưng phê bình kín, không nói trước lớp", con tôi kể.
Cũng vì vậy, một số bạn trong lớp bị phạt, nhưng không bạn nào bị tâm lý nặng nề mà chỉ thấy mình phải sửa đổi. Tâm trạng vui vẻ khiến điểm số của con tôi được cải thiện rõ rệt và kết quả là con thi đỗ lớp 10 trường top.
Giờ đây, ngồi xem phim Sex Education và nhìn vào nhân vật Hope Haddon, tôi thấy quyết định của chồng mình ngày ấy hoàn toàn đúng đắn. Tôi đã phải thủ thỉ cảm ơn chồng rất nhiều.
Hope Haddon cũng giống như cô giáo cũ của con tôi: Bề ngoài có vẻ cởi mở, hiện đại, nhưng bên trong lại cực đoan và thiếu sự kết nối với học trò. Cách làm giáo dục của cô không giúp học sinh phát triển mà chỉ kìm hãm, ép các em vào khuôn khổ khắt khe.
Tuy nhiên, chính tôi cũng từng rất sai lầm. Không chỉ tôi mà cả những bậc phụ huynh khác cần đủ tỉnh táo và mạnh mẽ để bảo vệ con cái khi chúng rơi vào môi trường giáo dục không phù hợp. Đôi khi, thay đổi môi trường hay đứng lên vì con cái không phải là bao bọc, mà chính là giúp con được là chính mình và có cơ hội phát triển tốt hơn.
Giáo dục cần sự thấu hiểu, tôn trọng và chia sẻ chứ không phải những lời chỉ trích, áp đặt hay hình phạt công khai. Thế giới đã thay đổi rất nhiều, và các bậc cha mẹ cũng cần phải thay đổi cách nhìn nhận và đồng hành cùng con cái trên con đường học tập.