Ví dụ, ruột thừa không phải là một phần cơ thể cần thiết (dù một số nghiên cứu cho rằng nó có thể là nơi chứa các vi khuẩn tốt). Trong một số trường hợp, ruột thừa bị viêm hoặc vỡ, và bạn cần phẫu thuật để cắt bỏ cơ quan này.
Nhiều bộ phận cơ thể khác từng đóng vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn của con người, nhưng ngày nay chúng đã trở nên vô dụng. Một số có thể được cắt bỏ, và sự vắng mặt của chúng không khiến chất lượng cuộc sống của chúng ta giảm đi là bao.
Theo Dorsa Amir, một nhà nhân chủng học tiến hóa tại Đại học Boston, những bộ phận cơ thể như vậy gọi là "những phần thừa thải của tiến hóa". Amir nói rằng nếu một đặc điểm nào đó không còn hữu dụng nữa, nhưng lại vô hại với con người, thì nó sẽ tiếp tục tồn tại trong quá trình tiến hóa.
Dưới đây là 9 bộ phận vẫn còn sót lại trên cơ thể chúng ta dù bản thân chúng đã "ngồi chơi xơi nước" từ hàng triệu năm qua.
Ruột thừa có lẽ là bộ phận vô dụng nổi tiếng nhất
Rất nhiều năm về trước, ruột thừa có lẽ từng giúp con người tiêu hóa các loại thực vật vốn giàu cellulose. Dù hiện nay các loài động vật có xương sống ăn thực vật vẫn dựa vào ruột thừa để xử lý thức ăn, bộ phận này lại không phải là một phần của hệ tiêu hóa của con người.
"Khi chúng ta bắt đầu chuyển sang ăn những bữa ăn đa dạng hơn và có thịt, chúng ta không còn cần những đoạn ruột siêu dài và phức tạp nữa" - Amir nói.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ruột thừa có chứa một số vi khuẩn ruột hữu dụng, nhưng vẫn chưa rõ liệu "đó đã luôn là chức năng của nó đối với con người, hay nó đã thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới" - Amir nói.
Cơ palmaris longus chạy từ cổ tay đến khuỷu tay. Khoảng 10% loài người không có cơ này.
Nếu bạn để ngửa cổ tay lên bàn và chụm ngón cái với ngón út, bạn có thể sẽ thấy một dải cơ nổi lên trên cổ tay. Đây là một loại cơ còn sót lại của quá trình tiến hóa, có tên là palmaris longus. Amir cho biết cơ này nằm ở đó bởi nó từng giúp tổ tiên của chúng ta trèo cây.
Theo từ điển bách khoa Britannica, cơ palmaris longus nhiều khả năng còn giúp con người cổ đại cầm nắm. Nhưng chúng ta đã bắt đầu bước đi bằng hai chân từ khoảng 3,2 triệu năm về trước, do đó cơ này đã trở nên vô dụng.
"Nó đã từng hữu dụng từ khá lâu rồi" - Amir nói.
Tuy nhiên, hiện nay, lực nắm của con người là như nhau dù có hay không có cơ này. "Chọn lọc tự nhiên không phải là một hệ thống hướng đến tính hiệu quả một cách hoàn hảo" - Amir nói.
Con người không còn cần bộ hàm siêu khỏe bởi chúng ta đã chuyển sang chế độ ăn đồ mềm và các loại hạt nấu chín. Hàm của chúng ta cũng trở nên nhỏ hơn, do đó không phải ai cũng có chỗ cho răng khôn mọc bình thường.
"Xét việc chúng ta ngày nay ăn những món đồ khá mềm, và răng hàm thường được dùng để xé thức ăn, chúng ta không thực sự cần đến chúng nữa" - Amir nói.
Arrector pili là những sợi cơ gây ra hiện tượng nổi da gà khi chúng co lại. Tổ tiên của chúng ta, vốn có khá nhiều lông trên cơ thể, đã tận dụng những sợi cơ này, nhưng ngay nay chúng ta lại chẳng cần đến chúng nữa.
Với các loài động vật với bộ lông dày, arrector pili có thể giúp bảo vệ cơ thể chúng khỏi nhiệt. Những sợi cơ này còn làm các loài động vật trông lớn hơn - ví dụ nhím là một trong những loài vật tận dụng hiện tượng này.
Trong phôi thai con người phát triển nên một cái đuôi từ giữa tuần thứ 5 đến tuần thứ 8 sau khi hình thành. Cái đuôi này biến mất khi con người sinh ra, và đốt sống còn sót lại này sẽ tạo ra xương cụt, hay xương đuôi.
Xương đuôi giúp tổ tiên của chúng ta linh động và thăng bằng tốt hơn, nhưng cái đuôi này co lại khi loài người học được cách đứng thẳng lưng. Xương cụt nay không còn đóng vai trò nào nữa trên cơ thể con người.
"Tổ tiên của chúng ta, những người có đột biến nhằm loại bỏ cái đuôi, dường như đã đi lại tốt hơn, và do đó cái đuôi của chúng ta đã biến mất từ nhiều thế hệ trước" - Amir nói.
Trẻ sơ sinh thường hiếm khi sinh ra có đuôi, nhưng không có nghĩa trường hợp này không xảy ra. Các bác sỹ có thể loại bỏ cái đuôi thông qua phẫu thuật mà không gặp vấn đề to tát nào cả.
Cơ tai (auricular) dùng để điều khiển phần lộ ra bên ngoài của tai, nhưng con người đã mất khả năng sử dụng các cơ này. Các loài động vật có vú khác sử dụng cơ này để phát hiện con mồi và những kẻ săn mồi.
Cơ auricular giúp các loài động vật có vú lắng nghe âm thanh và bày tỏ cảm xúc. Không như con người, các loài động vật như mèo phải di chuyển đôi tai để có thể nghe tốt. Nhưng Amir cho biết vì chúng ta có một chiếc cổ dẻo dai, chúng ta không còn cần di chuyển tai hướng về phía có âm thanh nữa.
Một số người có thể ngọ nguậy đôi tai, nhưng chỉ có thế mà thôi.
Cơ pyramidalis, vốn nằm ở bụng dưới, có hình tam giác. Chúng ta có từ... 0 đến 2 cơ này, nhưng chúng vô dụng.
Cơ pyramidalis có thể giúp làm đường trắng ở bụng (linea alba) co lại, nhưng điều này lại không liên quan đến chức năng của các cơ bụng.
Khoảng 20% số người không có bất kỳ cơ pyramidalis nào.
Bào thai nam và nữ ban đầu phát triển như nhau, và sau này testosterone mới kích thích quá trình hình thành các cơ quan tình dục của nam giới. Tuy nhiên, trước khi các hormone này được sản sinh, núm vú đã bắt đầu phát triển từ trước.
Thông thường, nam giới không thể tiết sữa, nhưng nếu mức độ prolactin - hormone giúp sản xuất sữa - tăng cao, nam giới có thể làm được điều này. Sự tiết sữa là một tác dụng phụ của digoxin, một loại thuốc điều trị tim mạch.
Dù nhiều động vật có vú giống đực có thể tiết sữa dưới những điều kiện hết sức hiếm hoi, chỉ có loài dơi ăn trái cây Dayak - có thể tìm thấy ở Đông Nam Á - là tiết sữa tự phát mà thôi.
Plica semilunaris, hay là mí mắt thứ ba, là một nếp gấp của mô ở bên trong góc mắt. Nó giống như những lớp màng mà một số loài động vật sử dụng để bảo vệ mắt.
Chim, bò sát, và một số động vật có vú có thể kéo những lớp màng này phủ kín mắt để giữ mắt luôn ẩm ướt và không bám bụi.
Tuy nhiên, plica ssemilunaris là một phần còn sót lại của những lớp màng này, dù con người hiện không thể điều khiển lớp mô này được.
"Không rõ tại sao loài người không có chúng (lớp màng) nữa, nhưng xét việc chúng thực sự rất hiếm trên các loài linh trưởng, loài người hẳn đã không còn chúng từ rất lâu rồi."