Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 2 đã thu về 52 triệu USD, giảm 11% so với tháng 1 do trùng với Tết nguyên đán. Lũy kế 2 tháng đầu năm, cá ngừ thu về hơn 131 triệu USD, tăng 21% so với 2T/2023.
Xét về thị trường, Mỹ là thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt với 45 triệu USD, tăng 23%.
Đứng thứ 2 là châu Âu với 29 triệu USD, tăng 28%. Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu cá ngừ sang Đức và Hà Lan giảm, xuất khẩu cá ngừ Italy hay Ba Lan lại đang tăng mạnh so với cùng kỳ.
Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với 13 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá ngừ sang các nước trong khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đang tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đáng chú ý tại khối thị trường này, xuất khẩu cá ngừ sang Canada và Chile đang tăng phi mã trong tháng 2, lần lượt là 146% và 116%.
Xét theo mặt hàng, các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam tính đến hết tháng 2 đều tăng so với cùng kỳ, trừ thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS03034 và loin cá ngừ hấp đông lạnh. Tuy nhiên, nhóm sản phẩm này chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ, lần lượt 1% và 3%.
Trong khi đó, xuất nhóm mặt hàng cá ngừ đóng hộp lại tăng mạnh 53%. Tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam cũng ngày càng tăng, ở mức gần tương đương so với các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh.
Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ ngay từ đầu năm. Trong 2 tháng đầu năm, các sản phẩm cá ngừ đã xuất được sang hơn 80 thị trường, trong khi năm ngoái là 70 thị trường.
Theo VASEP, dự kiến xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ tiếp tục tăng trong quý đầu năm do tác động của ưu đãi thuế quan theo Hiệp đinh EVFTA. Tuy nhiên, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm nhiệt, tuy nhiên căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao sẽ khiến cho giá cá ngừ thành phẩm vẫn sẽ cao sẽ kìm hãm nhu cầu tại các thị trường.
Ngoài ra, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất...
Điểm tích cực đối với cá ngừ xuất khẩu là trong tháng 3 và tháng 4 diễn ra các Hội chợ thủy sản Quốc tế lớn tại Boston, Mỹ và Barcelona, Tây Ban Nha, kỳ vọng sẽ có những kết quả khả quan hơn cho các doanh nghiệp cá ngừ sau những hội chợ này.
Từ năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã cán đích 1 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021 và đưa cá ngừ trở thành 'bảo bối' tỷ đô mới của Việt Nam. Tuy nhiên trong năm 2023, trước những khó khăn và biến động của thị trường, ngành cá ngừ Việt Nam thu về 845 triệu USD, giảm 17% so với năm 2022.