Mỗi lần đi du lịch nước ngoài, chúng ta rất hay tìm kiếm ngay danh sách những món ăn ngon nhất của đất nước đấy. Như đi Nhật thì tìm sushi, đi Hàn thì tìm bánh gạo,... thì bạn bè quốc tế cũng y hệt như vậy. Ai cũng có một list ẩm thực để thưởng thức khi đến Việt Nam, và sau đây là những "gương mặt vàng" ấy.
Gỏi cuốn
Không chỉ với người Việt, mà cả trong mắt những du khách nước ngoài, gỏi cuốn được xem là món nhanh - gọn - rẻ, lại dễ ăn, thậm chí với những người bình thường không ăn rau được thì vẫn có thể ăn gỏi cuốn.
Ảnh: @vicky.pham
Từ Bắc vào Nam, có nhiều cách làm gỏi cuốn khác nhau. Dễ thấy nhất là gỏi cuốn được làm từ những nguyên liệu như thịt heo, tôm, các loại rau tươi, bún gạo, hẹ,… Tất cả sẽ được cuốn trong một lớp bánh tráng mỏng. Tuy nhiên, nguyên liệu của gỏi cuốn không cố định, mà sẽ phụ thuộc vào từng vùng miền và sở thích của người ăn. Nhân bên trong có thể thay đổi từ rau củ đến thịt cá. Chẳng hạn như có nơi dùng tôm, có nơi dùng gà, có nơi dùng bún, có nơi lại không,... Ở miền Nam, món ăn này còn có thể được biến tấu gồm thịt lợn nướng dải cuốn chuối xanh và khế chua, sau đó chấm với nước sốt đậu phộng ngọt. Nếu sau một tuần ăn uống "thả ga" và bạn đang muốn chuyển sang một món nhẹ nhàng hơn thì gỏi cuốn chính là lựa chọn hợp lí đấy.
Ảnh: @expatvietnam
Bánh mì
Chẳng cần phải giới thiệu gì dài dòng nữa vì bánh mì từ lâu đã trở thành món ăn đường phố đắt khách rần rần ở khắp mọi miền Tổ quốc rồi. Thậm chí, vào những ngày "xẹp ví" nhất, bạn vẫn dư sức mua một ổ bánh mì đầy ụ nhân để làm đầy cái bụng.
Một ổ bánh mì thông thường sẽ có các loại nhân truyền thống như thịt nguội, chả, trứng ốp la, thịt heo, thịt gà, pate. Không những vậy, bánh mì còn được sáng tạo thêm 1001 loại nhân bắt miệng như xíu mại khô, khô bò đen, trứng non, phá lấu, hến,…
Ảnh: @foodisafourletterword, @chubehanoi, @foodholicvn, @cook.court
Hiện tại, bánh mì Việt Nam đã có mặt khắp thế giới, từ London (Anh) đến New York (Mỹ). Ngay từ khi những cửa hàng đầu tiên được "xuất ngoại", bạn bè quốc tế đã đón nhận nồng nhiệt món ăn này, check in tràn ngập trên các trang mạng xã hội. Nhiêu đó cũng đủ biết sức hấp dẫn của bánh mì lớn đến đâu rồi.
Bánh xèo
Đến Sài Gòn hay các tỉnh miền Tây, nếu chưa từng thử qua món bánh xèo thì chắc hẳn bạn đã bỏ qua một món ăn kì cựu rồi đó. Bạn sẽ không tìm đâu ra một chiếc bánh to bự, chỉ vài chục nghìn và bên trong còn đầy ắp nhân như bánh xèo đâu.
Ảnh: @_theladyeats, @foodykiller
Một chiếc bánh xèo "đúng bài" miền Nam nhất thiết phải có nhân tôm, thịt, đậu xanh và giá đỗ. Phần vỏ bánh phải mỏng, giòn rụm, không bị nát, cháy và có màu vàng nghệ đẹp mắt. Khi ăn bánh xèo phải cuốn bánh kèm với cải xanh, rau thơm các loại, chấm đúng cái nước mắm được pha vừa chua vừa ngọt thì đảm bảo luôn là ngon "nuốt lưỡi".
Tuy nhiên, tuỳ vào từng khu vực và cách chế biến của những người bán mà bánh xèo cũng sẽ khác đi đôi chút. Thế nhưng dù có được biến tấu ra sao thì hương vị thơm béo của vỏ bánh xen lẫn với vị mằn mặn của phần nhân vẫn luôn giữ được sức mạnh thần kì. Không chỉ cuốn hút người dân bản địa mà bánh xèo còn khiến những du khách không thể quên được sau lần đầu nếm thử. Bạn có thể tìm thấy bánh xèo tại nhiều hàng quán ở Sài Gòn, món ăn này cũng tương đối gọn nhẹ, dễ mang theo cho những chuyến đi dài.
Ảnh: @chakriyaskitchen
Bún chả
Nhắc đến bún chả, người ta thường sẽ ghép đôi với hai từ "Hà Nội", bởi đây là món đặc sản trứ danh của thủ đô. Món ăn này phổ biến đến mức bạn có thể tìm thấy ở các quán ăn trên khắp thành phố hay kể cả ngoài vỉa hè.
Bún chả bao gồm thịt lợn được nướng trên lò than nóng hổi, thơm phức. Phần thịt nướng này sẽ hơi giống thịt viên hoặc thịt dùng trong bánh mì kẹp. Sau đó ăn kèm bún, rau thơm, nước dùng và tất nhiên không thể thiếu nguyên liệu chính là bún. Ngoài ra, món bún chả nổi tiếng này còn thường được ăn kèm với nem cua bể.
Ảnh: @bachuaviahe, @cookat_vietnam
Phở
Phở vốn là một món ăn đã quá đỗi quen thuộc với mỗi người Việt Nam. Không biết rõ phở có từ khi nào, do ai sáng tạo ra, chỉ biết nó có nguồn gốc từ đất Bắc. Thế nhưng món ăn này đã gắn bó với nhiều thế hệ người Việt trong suốt hành trình dài. Ngay cả với những du khách nước ngoài, khi đến Việt Nam, họ đều phải nếm qua phở một lần.
Phở có thể ăn vào bất kì lúc nào trong ngày, nhưng người ta lại thường ăn vào buổi sáng hơn. Một tô phở sẽ bao gồm nước dùng đậm vị ninh hàng giờ từ xương bò, có chút vị gừng, ăn cùng bánh phở sợi to và hành lá. Sau đó, những miếng thịt gà hoặc thịt bò sẽ được thêm vào. Khi thưởng thức, hãy vắt một miếng chanh và thêm một chút ớt bào để tạo nên một tô phở "đỉnh của chóp" nhé.
Ảnh: @tep_2002, @ngoafood_
Cao lầu
Miền Trung là điểm đến sở hữu nhiều món ăn ngon. Hễ có ai hỏi đến miền Trung hay phố cổ Hội An ăn gì, người ta lại nhắc đến cao lầu như một niềm tự hào rất riêng của người dân phố Hội. Đây thực chất là một món mì đặc sản với sợi mì màu vàng, có độ giòn, dẻo khô đặc trưng. Cao lầu thường ăn với thịt xá xíu, tóp mỡ, tôm, giá đỗ, các loại rau sống, phía trên rưới một loại sốt dành riêng cho cao lầu. Nước dùng của cao lầu thường sẽ ít phở hay bún. Đôi khi, người ta còn có thể cho thêm những miếng da heo hoặc cao lầu khô thái vuông chiên giòn để món ăn trông "nịnh mắt" hơn.
Ảnh: @llickthespoon, @lindseyeatspnw
Mì Quảng
Mì Quảng là một món ăn đặc trưng của Quảng Nam và được ví như linh hồn của vùng đất này. Mì Quảng thường được làm từ những sợi mì có màu vàng tươi bắt mắt, khi ăn thì giòn, dai. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà, trứng cút cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Ngoài ra, người ta còn bỏ thêm đậu phộng rang giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ.
Mì Quảng giản dị lắm, thế mà lúc nào nó cũng đưa người ta đi qua đủ đầy những hương vị. Gắp một đũa mì cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận sợi mì dai dai đang quyện với nước dùng béo ngon. Mì Quảng khi ăn lại phải đi kèm các thứ rau sống tươi xanh, thêm chút lạc rang, bánh tráng giòn rụm rồi cắn một miếng ớt thật cay thì mới thật sự gọi là trọn vị.
Ảnh: @bachuaviahe, @valeri_n
Cơm tấm
Nếu muốn tìm một món ăn ngon, chắc bụng, no lâu, có thể ăn sáng, trưa, chiều, tối thì cơm tấm chính là chân ái. Sự ưa chuộng của mọi người dành cho món ăn này chỉ có ngày một nhiều chứ không hề vơi bớt. Các du khách nước ngoài khi đến đây du lịch cũng có không ít người đã trót u mê món ăn này rồi đấy.
Chỉ từ những hạt gạo bể còn sót lại, người Việt đã tìm cách biến nó thành món ăn nổi tiếng. Đa phần cơm tấm sườn ở Sài Gòn đều có miếng sườn to đùng phủ gần như kín cả cơm bên dưới, chính vì thế, món này một khi đã ăn thì chỉ có no căng bụng. Ngoài thịt sườn ra, cơm tấm còn được ăn kèm nhiều món ăn khác như chả, bì, trứng, dưa leo, cà chua, dưa chua và nước mắm tỏi ớt. Món ăn "số dzách" thế này thì bất cứ người nào cũng phải mê tít thôi.
Ảnh: @bubufoodshow, @bachuaviahe