Phụ cấp thâm niên vượt khung
Phụ cấp thâm niên là chế độ khuyến khích mà Nhà nước đưa ra cho lực lượng vũ trang trong quá trình công tác tại đơn vị. Phụ cấp thâm niên áp dụng cho những đối tượng được xếp lương theo các bảng lương căn cứ theo nghiệp vụ và chuyên môn làm việc phục vụ trong lực lượng vũ trang.
Đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung khi đạt đến bậc cao nhất của khung lương cấp bậc hoặc chức vụ yên tâm làm việc tích lũy và phát huy kiến thức, kinh nghiệm công tác để tiếp tục làm tốt hơn nhiệm vụ và chức trách được giao.
Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo
Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo áp dụng đối với các đối tượng đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị, đồng thời được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.
Mức phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo cũng chỉ hưởng một mức phụ cấp.
Phụ cấp khu vực
Phụ cấp khu vực áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu. Phụ cấp gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung.
Đối với hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc lực lượng vũ trang, phụ cấp khu vực được tính so với mức phụ cấp quân hàm binh nhì.
Phụ cấp đặc biệt
Phụ cấp đặc biệt áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở đảo xa đất liền và vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.
Phụ cấp gồm 3 mức: 30%; 50% và 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang.
Phụ cấp thu hút
Phụ cấp thu hút áp dụng đối với người đến làm việc ở những vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.
Phụ cấp gồm 4 mức: 20%; 30%; 50% và 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian hưởng phụ cấp từ 3 đến 5 năm.
Phụ cấp lưu động
Phụ cấp lưu động áp dụng đối với người làm việc ở một số nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở. Phụ cấp gồm 3 mức: 0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương tối thiểu chung.
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm áp dụng đối với người làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương. Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu chung.
Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc
Gồm có: Phụ cấp thâm niên nghề; Phụ cấp ưu đãi theo nghề; Phụ cấp trách nhiệm theo nghề; Phụ cấp trách nhiệm công việc; Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh.
Mới đây, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương lực lượng vũ trang và cơ yếu đã tổ chức hội nghị xây dựng các bảng lương mới và chế độ phụ cấp đặc thù của lực lượng vũ trang và cơ yếu.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất về quan điểm xây dựng các bảng lương của lực lượng vũ trang phải phù hợp với tổ chức, biên chế và tính chất đặc thù của lực lượng vũ trang.
Tiền lương phải gắn theo vị trí việc làm, yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong lực lượng vũ trang.
Cải cách chính sách tiền lương phải gắn với việc thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, gắn với vị trí công tác, thể hiện được thứ bậc trong lãnh đạo, chỉ huy và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật của chức vụ, chức danh đảm nhiệm; giữ vững ổn định chính trị, tư tưởng trong lực lượng vũ trang.