NGÀY TRỞ VỀ
Sáng muộn 22/12/1972, tức là 72 ngày các cầu thủ đội bóng Old Christans mắc kẹt trên dãy núi Andes, sương mù đã tan phần nào. Đội trực thăng lập tức đáp xuống thung lũng nhỏ ở Los Maitenes để đón cầu thủ Nando Parrado làm hoa tiêu dẫn họ tới khu vực máy bay gặp nạn.
Cuộc tìm kiếm không mấy dễ dàng do ảnh hưởng thời tiết xấu nhưng đoàn cứu hộ vẫn tìm được vị trí của chiếc Fairchild cùng với 14 nạn nhân vào lúc 13 giờ chiều.
Ở phía dưới, các chàng trai, đang vô cùng hồi hộp, họ nghe thấy tiếng động cơ từ xa và dần dần xuất hiện trên bầu trời là những chiếc trực thăng.
Tuy nhiên gió mạnh và băng tuyết đang tan chảy khiến máy bay không thể hạ cánh. Nếu cố làm liều, họ có thể gây ra một vụ lở tuyết, đe dọa tới những người bên dưới.
Sau một hồi nghĩ cách, chiếc trực thăng đầu tiên hạ thấp độ cao đủ cho một chuyên gia leo núi cùng một nhân viên y tế nhảy xuống phía dưới. Với sự trợ giúp của Parrado, Daniel Fernández và Alvaro Mangino trèo ngay lên máy bay.
Những chiếc trực thăng còn lại cũng bay lơ lửng tương tự, cho phép hai nhà leo núi khác nhảy xuống và đưa Eduardo Strauch, Carlos Páez, José Luis Inciarte và Pedro Algorta lên máy bay.
Alvaro Mangino được dìu đi do thể trạng quá yếu.
Do điều kiện thời tiết và địa hình không khả quan nên trưởng nhóm cứu nạn quyết định để tám người còn lại ở trên núi thêm một ngày nữa, tất nhiên là với sự trợ giúp của ba chuyên gia leo núi và một nhân viên y tế.
Khi nhóm sáu người đầu tiên về tới Los Maitenes, niềm vui hân hoan đã lan tỏa khắp thung lũng nhỏ bé. Vài giờ sau, họ được đưa tới bệnh viện St John ở San Fernando, Chile để điều trị.
Sáng hôm sau, nhóm thứ hai cũng được giải cứu và đưa về Los Maitenes. Các vận động viên to khỏe lực lưỡng là vậy, nhưng trải qua hơn 2 tháng chiến đấu với tử thần trên núi cao khắc nghiệt, tất cả đều sụt cân và suy kiệt sức lực.
Parrado đã bị giảm 44 kg, một nửa trọng lượng cơ thể trong chuỗi ngày dài này. Nhiều người khác chỉ còn lớp da bọc xương.
Đối mặt với sự thật
Đối với 16 người may mắn sống sót, ngày trở về quê hương Uruguay không chỉ chứa đựng niềm vui đoàn tụ với gia đình và bạn bè, mà còn là thời điểm họ phải giải thích với toàn xã hội, đặc biệt là đối với người thân thích của những đồng đội đã chết, điều gì đã xảy ra trên đỉnh núi đó.
Lúc tin tức có người còn sống trong vụ máy bay Fairchild lan truyền đi, niềm hy vọng của các thân nhân liên quan lại được sống dậy. Khi bản danh sách này được công bố, nhiều gia đình đã vỡ òa hạnh phúc, số đông hơn thế lại một lần nữa rơi vào nỗi buồn sâu lắng.
Roy Harley gặp lại cha mẹ.
Mấy ngày đầu, các chàng trai cố gắng giấu nhẹm chuyện ăn thịt bạn bè quá cố đi vì nó là nỗi xấu hổ ê chề mà họ tin rằng cả thế giới sẽ không chấp nhận nổi.
Họ chỉ giải thích qua loa rằng đã mang theo một lượng pho mát trên chuyến bay và ăn chúng để duy trì sự sống. Sự thật chỉ được tiết lộ kín đáo với gia đình.
Tuy nhiên khi những bức ảnh chụp tại hiện trường với những xác người bị mổ xẻ được công bố trên nhiều mặt báo Chile, 16 người buộc phải lên tiếng.
Sau dịp Giáng sinh, đa số các thành viên đội bóng bầu dục Uruguay đã hồi phục sức khỏe nên họ quyết định trở về Montevideo để nói ra sự thật.
Ngày 28/12, họ về đến quê nhà. Khi máy bay vừa hạ cánh, tất cả các hành khách đều hát vang bài Quốc ca Uruguay. Đám đông chào đón họ tại sân bay Carraso không ngừng reo hò còn thân nhân thì chạy tới ôm chầm sau bao ngày cách trở.
Khoảng 9 giờ tối, nhóm người sống sót đứng ra tổ chức một cuộc họp báo tại trường thể thao Stella Maris ở thủ đô Montevideo để kể hết với công chúng các biến cố thăng trầm đã xảy ra trong 72 ngày khốn khổ.
Ngay khi cuộc họp được thông báo bắt đầu diễn ra, tất cả hội trường lập tức im lặng như tờ. Các vận động viên, từng người một, kể lại câu chuyện của riêng mình về một thời điểm mà họ ghi nhớ sâu đậm nhất.
Tại thời điểm đó, không chỉ báo chí Chile mà còn trên nhiều phương tiện truyền thông khác đã đề cập xôn xao tới khả năng “họ đã ăn thịt người” và những lời bàn tán này đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ tại xã hội Uruguay.
Một mặt, nhiều người ủng hộ hành động của các chàng trai đã buộc phải làm vì mục tiêu sinh tồn, mặt khác, có những người lại khó chấp nhận. Bởi lẽ ở Montevideo, từ “ăn thịt người” bị xem là một từ cấm kị, người ta còn tránh nhắc tới nó như thể đây là một phạm trù không hề tồn tại.
Nền văn hóa của họ xem đây là một hành động “vi phạm đạo đức” nhưng thực tế, không ai có thể chỉ trích các chàng trai mà không xem xét đến tình trạng nguy cấp lúc đó.
Roberto Canessa từng thổn thức nói với mẹ mình: “Chúng con đã phải ăn thịt bạn bè đã chết” để rồi nhận được câu trả lời rất đỗi dịu dàng rằng: “Không sao. Không sao đâu, con yêu”.
Canessa mới đây đã chia sẻ với tạp chí People về khoảnh khắc rối bời năm đó như sau: “Điều duy nhất tôi muốn làm là tới nhà bạn bè đã chết của mình và kể cho họ chuyện gì đã xảy ra. Tôi không mong họ thấu hiểu nhưng họ cần phải biết sự thật”.
May mắn, gia đình các nạn nhân quá cố đều tiếp nhận thông tin trên một cách ủng hộ và xem đó như là việc mà nhóm thanh niên cần phải làm.
Ngày 18/1/1973, tức 27 ngày sau khi giải cứu số hành khách máy bay Urguguay còn sống sót, một nhóm nhà cứu hộ cùng với một vị linh mục người Chile đã quay trở lại hiện trường vụ tai nạn.
Họ thu thập các phần thân thể còn sót lại quanh đó cũng như của các nạn nhân bị văng ra khỏi phi cơ trong lúc va chạm.
Các thi thể được chôn cất tại một ngôi mộ tập thể, nằm cách xác máy bay khoảng 80 mét, được chất đá và dựng một cây thánh giá lớn phía trên để đánh dấu. Đống tàn tích của máy bay bị tẩm xăng, châm lửa đốt.