Cách đây 218 năm, một cuộc đối đầu kịch liệt xảy ra trên vịnh biển Ai Cập đã khiến Napoleon Bonaparte phải ôm "giấc mộng không thành" trong kế hoạch xâm chiếm Ai Cập từ tay Anh.
Với mục đích đẩy Anh ra khỏi các cuộc chiến tranh cách mạng Pháp, Napoleon lên kế hoạch "dài hơi" bắt đầu từ việc xâm chiếm Ai Cập, vốn là một mắt xích tạo nên các liên kết thương mại giữa Anh và Trung Đông.
Được các sử gia đánh già là trận đánh đỉnh cao của một chiến dịch hải quân, hải chiến sông Nile nổ ra tại vịnh Aboukir trong 3 ngày đầu tháng 8/1798 là cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai chỉ huy là Phó Đô đốc François-Paul Brueys (Pháp) và Đô đốc Horatio Nelson (Anh).
Bối cảnh trận hải chiến ác liệt. Ảnh: George Arnald, 1827, Bảo tàng Hàng hải quốc gia Anh.
Sự chuẩn bị "dài hơi" của Napoleon trước trận hải chiến ác liệt
Cho rằng Anh sẽ "bận rộn" trong cuộc nổi dậy sắp xảy ra ở Ireland mà lơ là tình hình ở Trung Đông, Napoleon đã lên kế hoạch tiến đánh rồi xâm chiếm Ai Cập.
Hai năm sau ngày ấp ủ kế hoạch với việc tập hợp 35 vạn binh sĩ ở Địa Trung Hải (chủ yếu ở các vùng thuộc Pháp và Ý) cùng một hạm đội Armada hùng hậu tại thành phố cảng Toulon và một đội quân mật thám ngay trong lòng địch, ngày 19/5/1798, Napoleon hạ lệnh cho hạm đội lên đường.
Sau khi nhận được tin tình báo, Hải quân Anh cử một hạm đội dưới sự chỉ huy của Chuẩn đô đốc Sir Horatio Nelson đuổi theo khống chế.
Biết được quân mình đang bị hạm đội của Tử tước Nelson mải miết đuổi theo suốt hàng tháng ròng nhằm mục đích thám hiểm và tấn công, Napoleon giữ kín hải trình đến phút chót.
Nhờ đó, hạm đội Armada đã đến và chiếm được Malta trước khi đổ bộ thành công lên Ai Cập, neo tại vịnh Aboukir*, nơi sắp xảy ra trận hải chiến sông Nile ác liệt trong lịch sử châu Âu thời cận đại.
(*) Vịnh Aboukir là một chỗ thụt vào ở ven biển dài 30 km, nơi một trong những cửa của con sông Nile chảy vào Địa Trung Hải.
Vịnh Aboukir, nơi chứng kiến cuộc đối đầu khét tiếng trong lịch sử nhân loại. Ảnh: Desaix.
Tư lệnh hải quân của Napoleon là Phó đô đốc François-Paul Brueys DAigalliers, người trực tiếp chỉ huy trận đánh, vỗ ngực tự tin vào chiến lược thiết lập vành đai phòng thủ bất chiến bại tại Aboukir trước sự săn lùng ráo riết của quân Anh.
Ở phía Tây của vịnh Aboukir, quân Pháp thiết lập một pháo đài nhỏ làm đồn trú của binh lính cùng 4 khẩu pháo và 2 khẩu cối hạng nặng. Ngoài ra, Phó đô đốc François-Paul Brueys còn tăng cường các tàu phóng bom và pháo hạm để hỗ trợ cho tàu đứng đầu đội hình của Pháp.
Ở phía Nam của vịnh Aboukir, François-Paul Brueys hạ lệnh cho 13 tàu chiến lập thành một tuyến phòng thủ ghê gớm, cho phép các tàu chiến lấy nguồn cung cấp vũ khí từ bến cảng.
Với soái hạm Phương Đông ở trung tâm cùng 2 tàu lớn neo ở hai bên cùng dàn tàu chiến kéo dài hơn 2.600m, quân Pháp đứng ở vị thế sẵn sàng nghênh chiến với hạm đội hải quân Anh.
Phó đô đốc François-Paul Brueys tin chắc rằng, với đội hình thiết lập như thế, quân Pháp sẽ khiến quân Anh mắc cạn vào các bãi cát ngầm khi tấn công đội hình trung tâm của Pháp.
Trận hải chiến diễn ra 72 giờ ác liệt trên vịnh Aboukir
Vào ngày 1/8/1798, hạm đội Anh do Tử tước Nelson dẫn đầu đã đến Ai Cập. Không may thay cho quân Pháp, Tử tước Nelson nhanh chóng phát hiện tuyến phòng thủ của François-Paul Brueys. Ông lập tức hạ lệnh tấn công với chiến lược gọng kìm bao vây toàn bộ tàu chiến của quân Pháp.
Bị mắc kẹt giữa chiến tuyến, các tàu chiến đứng đầu của Pháp bị quân Anh tấn công dữ dội trong một trận đánh nghẹt thở kéo dài đến 3 giờ đồng hồ.
Vào lúc 22 giờ đêm, soái hạm Phương Đông của Pháp phát nổ long trời sau đợt tấn công ồ ạt của quân tiếp viện Anh vào trung tâm.
Khoảnh khắc soái hạm Phương Đông phát nổ. Ảnh: Britishbattles.
Giới sử gia hiện đại về sau đã nhận thấy lỗ hổng sai lầm không thể tha thứ của Phó đô đốc François-Paul Brueys (Pháp) khi dàn xếp các tàu chiến cách nhau quá xa (150m) trong đội hình tàu chiến kéo dài hơn 2.600m.
Điều này vô hình chung giúp cho tàu quân Anh dễ dàng xuyên qua và phá vỡ đội hình tuyến của Pháp.
Sau khi soái hạm Phương Đông phát nổ, Phó đô đốc François-Paul Brueys tử trận. Đội trung quân của Pháp như rắn mất đầu, nhanh chóng thất bại theo. Hạm đội phía sau thì loay hoay cố gắng thoát chạy khỏi vịnh. Nhưng chỉ 2 trong số 17 tàu ở hậu tuyến thoát chạy thành công.
Mặc dù tự tin chuẩn bị chiến tuyến nhưng người Pháp vẫn nhận thất bại cay đắng trước lối đánh thần tốc của người Anh. Chính việc nhìn ra chiến lược của đối phương rồi tốc chiến và nhắm đánh vào kẽ hở của dàn tàu chiến Pháp mà quân Anh đã dành chiến thắng bất ngờ.
Cũng nhờ vào việc triển khai hàng loạt tàu chiến có khối lượng nhẹ nên phía Anh di chuyển linh động hơn so với dàn tàu chiến nặng nề của quân Pháp.
Chiến thắng của quân Anh đã đảo ngược tình thế tại Địa Trung Hải, cho phép hải quân Anh nắm thế thượng phong tại vùng biển chiến lược này.
Quân đội của Napoleon mắc kẹt và thất bại tại Ai Cập vài tháng trước khi ông ra lệnh trở về châu Âu vào năm 1799.
Kết cục trận chiến...
Con số thương vong của Anh không nhiều so với quân Pháp: Khoảng gần 900 người thương vong, trong đó có 218 người chết. Tử tước Nelson bị thương nhưng về sau được tuyên bố như một người hùng trên khắp châu Âu.
Tử tước Nelson. Ảnh: Britishbattles.
Trong khi đó quân Pháp chịu thiệt hại về người và tàu chiến rất cao: Ước tính có đến gần 5.000 người thương vong, trong đó có gần 2.000 người chết (một nửa trong số đó chết trên chiếc soái hạm Phương Đông.
Ngoài ra, có nhiều tàu tiền tuyến, tàu khu trục và tàu chiến khác bị phá hủy, đánh chìm và bắt giữ.
Bài viết sử dụng các nguồn: Historytoday.com, Britishbattles, Wikipedia