Sự chiều chuộng của bố mẹ
Ông Lý Hồng Hạ (Trung Quốc) năm nay 71 tuổi. Trước kia, ông là nhân viên bình thường của một doanh nghiệp nhà nước. Vợ ông là một giáo viên dạy toán ở tiểu học. Mãi đến 40 tuổi, gia đình họ mới sinh được 1 người con trai. Vậy nên ông bà chăm và cưng chiều con hết mực.
Từ nhỏ, ông bà không bắt con trai làm bất cứ một công việc nhà nào, chỉ cần chăm chỉ học hành để sau này có một tương lai xán lạn. Sau khi hoàn thành đại học, con trai họ đã được nhận vào một công ty lớn, điều này càng khiến họ trở nên phấn khích. Ông chủ cũng rất hài lòng nên đã giới thiệu cho anh một cô cháu gái trong gia đình.
Khi nghe tin gia đình người yêu con có điều kiện tốt, đôi vợ chồng già vừa mừng vừa lo. Thế nhưng con trai họ lại đặc biệt thích cô gái này nên đã quyết định đi đến hôn nhân.
Ban đầu, hai vợ chồng nghĩ căn nhà rộng 100m vuông ở ngoại thành là đủ để cả gia đình 4 người chung sống. Thế nhưng con dâu họ nhất quyết không đồng ý và cô ấy muốn mua một căn nhà khác trong thành phố.
Vậy là vợ chồng ông Lý phải gom góp hơn 300.000 NDT (1 tỷ đồng) tiền tiết kiệm và vay thêm 300.000 NDT (1 tỷ đồng) từ người thân, bạn bè để mua cho con trai một căn nhà, kết hôn và tổ chức tiệc. Thế nhưng, sau khi kết hôn, nhiều mâu thuẫn mới xảy ra. Trước khi về làm dâu, ông Lý thấy con dâu là người ngoan ngoãn lễ phép. Thế nhưng từ sau khi lấy chồng, cô ấy như trở thành một người khác. Cô luôn thờ ơ và có thái độ không tốt với nhà chồng.
Để tránh gây ra những xích mích không đáng có, sau khi con dâu sinh em bé, vợ chồng ông Lý ít tới thăm nhà. Họ nghĩ rằng con dâu luôn coi thường và không muốn liên quan đến bố mẹ.
Những mâu thuẫn khó giải quyết
Sau thời gian sinh con, con dâu lại cho rằng việc bà nội chăm sóc cháu là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, ông Lý hiểu sức khỏe của vợ mình không tốt nên ông là người đảm nhận việc này.
Mặc dù rất vui nhưng ông cũng lo lắng không hòa hợp được với con dâu. Ông luôn cố gắng làm việc chăm chỉ, dọn dẹp nhà cửa với hy vọng con trai và con dâu có một cuộc sống thoải mái.
Thời gian sau, cháu trai đã được đi học mẫu giáo nhưng vẫn cần người đưa đón nên con trai ông Lý đã đề nghị bán căn nhà ở dưới quê và cùng chung sống ở thành phố.
Nhưng căn nhà hiện tại khá nhỏ, nên họ muốn bố mẹ mua một căn nhà khác để 4 người sống cho tiện. Nhưng vợ chồng ông Lý sợ sẽ xảy ra xích mích nên đã quyết định vay mượn để mua một căn nhà khác dưới tầng.
Cuộc sống của ông bà và con cái từ đó có nhiều thay đổi. Vì muốn nuôi con theo phương pháp hiện đại, cộng thêm việc con dâu là bác sĩ nên đôi khi quan điểm với bố mẹ chồng về việc chăm sóc cháu cũng gặp nhiều trục trặc. Cô hay nhờ bố mẹ mua thực phẩm nhưng lại quên đưa tiền, điều này cũng khiến chi tiêu của ông bà phải hạn chế hơn vì lương hưu ít ỏi.
Dù vô cùng mệt mỏi nhưng hai vợ chồng lại nể con nên họ vẫn cố gắng chịu đựng.
Sự tiếc nuối muộn màng
Vợ chồng ông Lý cũng muốn gia đình con trai thỉnh thoảng đưa họ đi du lịch, nhưng họ luôn bận rộn và quên mất yêu cầu của cha mẹ. Điều này khiến họ thấy rất tủi thân và chạnh lòng.
Dù rất muốn quay lại căn nhà cũ ở quê để sinh sống nhưng với họ bây giờ, điều đó là không thể. Họ cảm thấy tiếc nuối vì đã mù quáng chiều theo con trai mà không đặt ra quy tắc ngay từ đầu.
Chúng ta nên hiểu rằng, nhà của cha mẹ là nhà của con cái, nhưng nhà của con cái chưa chắc đã là nhà của cha mẹ. Chúng ta dành mọi điều tốt nhất cho con là đúng nhưng phải học cách giáo dục trẻ về lòng hiếu thảo và biết ơn đấng sinh thành. Đôi khi sự yêu chiều và chiều chuộng quá mức sẽ khiến trẻ nghĩ rằng mình là trọng tâm và luôn mặc định cha mẹ phải phục vụ mình.
Khi con cái đã lập gia đình, thì tốt nhất bố mẹ và các con nên có cuộc sống riêng. Ông bà không có trách nhiệm phải nuôi cháu, nếu họ hỗ trợ được thì bạn nên trân trọng và biết ơn.