Quách Gia
Quách Gia được mệnh danh là "quỷ tài" và được cho là đệ nhất mưu sĩ của Tào Tháo. Ảnh: Sohu
Quách Gia (170 - 207), tự Phụng Hiếu, là một nhà chiến lược và mưu sĩ trọng yếu của Tào Tháo trong thời kỳ cuối của nhà Đông Hán và thời kỳ đầu của Tam Quốc tại Trung Quốc. Trong 11 năm phục vụ cho Tào Tháo, ông giữ chức Tư không Quân tế tửu, tương tự chức Đại đô đốc của Chu Du và Quân sư Trung lang tướng của Gia Cát Lượng bấy giờ.
Tài năng của Quách Gia đã giúp Tào Tháo giành chiến thắng trước các lãnh chúa kẻ thù như Lã Bố và Viên Thiệu, cũng như thủ lĩnh của bộ lạc Ô Hoàn là Đạp Đốn, giúp Tào Tháo thống nhất Hà Bắc một cõi rộng lớn.
Chính vì thế, ông là một trong những bộ hạ được tin tưởng và yêu quý nhất của Tào Tháo. Quách Gia thường được xem là một trong những mưu sĩ giỏi nhất của Tào Tháo nói riêng và thời Tam Quốc nói chung.
Dương Tu
Tuy thông minh kiệt xuất nhưng Dương Tu không được lòng Tào Tháo. Ảnh: Sohu
Dương Tu (175 - 219), biểu tự Đức Tổ, là một mưu sĩ của Tào Ngụy, phục vụ dưới trướng của Tào Tháo, về sau đi theo trợ giúp con thứ tư của Tào Tháo là Tào Thực trong giai đoạn tranh ngôi vị Thế tử giữa anh em Tào Phi cùng Tào Xung và Tào Chương.
Ông nổi tiếng là một người thông minh và đoán được ý nghĩ của Tào Tháo, trở thành một nhân vật đầy quyền thế đồng thời nhận nhiều sự căm ghét của các nhân vật lớn lúc bấy giờ, trong đó có Tào Tháo. Cuối cùng, việc này cũng đã dẫn đến cái chết của ông.
Tư Mã Huy
Tư Mã Huy có ảnh hưởng lớn tới cả thời đại Tam Quốc, cũng là đầu mối trong rất nhiều mối quan hệ phức tạp giữa các anh hùng. Ảnh: Sohu
Tư Mã Huy, tự Đức Tháo, hiệu Thủy Kính, còn gọi là "Thủy Kính tiên sinh", người Dĩnh Xuyên, không rõ năm sinh năm mất, là một nhân vật lịch sử cuối thời Đông Hán. Tương truyền ông là danh sĩ có tài kinh bang tế thế, kiến thức hơn người. Trước tình cảnh chính trị nhà Hán thối nát, đất nước bị chia cắt, nhân dân lầm than, ông đành bất lực chọn cuộc sống mai danh ẩn tích.
Tư Mã Huy nổi tiếng với câu nói trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa: "Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai có thể an thiên hạ".
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng là vị quân sư kiệt xuất, chiến lược gia tài ba. Ảnh: Sohu
Gia Cát Lượng (181 – 234), biểu tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long, là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, nhà giáo dục, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Quý Hán (Thục Hán) thời Tam Quốc.
Gia Cát Lượng đã giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc Tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy. Ông được cho là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử.
Không chỉ có tài năng hơn người, ông còn nổi tiếng với tấm lòng tận trung báo quốc, "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi".
Bàng Thống
Bàng Thống được cho là không kém tài Khổng Minh. Ảnh: Sohu
Bàng Thống (178-214), tự là Sĩ Nguyên, hiệu là Phụng Sồ, là mưu sĩ của Lưu Bị thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông thường được người đời sau so sánh là tài năng ngang với Khổng Minh, người sống cùng thời với ông.
Bàng Thống được La Quán Trung miêu tả trong Tam quốc diễn nghĩa là "người mày rậm, mũi gồ, mặt đen, râu ngắn, hình dung xấu xí". Tư Mã Huy (Thủy Kính tiên sinh) từng nhận xét về Bàng Thống như sau: "Nếu được một trong hai người Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phụng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể an được thiên hạ".
Chu Du
Liệu có thật Chu Du chết vì căm ghét, đố kỵ với Gia Cát Lượng? Ảnh: Sohu
Chu Du (175-210), tự Công Cẩn, đương thời gọi là Chu Lang, là danh tướng và khai quốc công thần của nước Đông Ngô thời Tam Quốc.
Chu Du nổi tiếng với chiến thắng ở Xích Bích trước đại quân của Tào Tháo. Trận Xích Bích là trận chiến lớn bậc nhất thời đó, một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giúp phân định cục diện Tam Quốc, nhờ vậy mà tên tuổi của ông mãi đi vào lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đó thì ông qua đời ở tuổi 36.
Trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, nhân vật Chu Du được mô tả là vị tướng tài trí, có uy tín trong toàn quân, nhưng có nhược điểm là đố kị, vì thua trí kém tài Gia Cát Lượng nên luôn tìm cách hãm hại nhân vật này, cuối cùng bị Gia Cát Lượng bày kế chọc tức 3 lần, khiến vết thương tái phát mà chết.
Tuy nhiên, đây chỉ là tình tiết hư cấu của nhà văn, không hề có trong sử sách. Mặc dù vậy, do sự nổi tiếng của tác phẩm văn học này, danh tiếng và hình tượng Chu Du trong văn hóa dân gian từ đó bị các tình tiết hư cấu này làm cho xấu đi, và câu nói "Trời sinh Du sao còn sinh Lượng" vẫn được nhiều người nhắc tới dù không có thật.
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý nổi tiếng là người đa mưu túc kế, giúp nhà Tào Ngụy giữ vững vị thế thời Tam quốc. Ảnh: Sohu
Tư Mã Ý (179 – 7 tháng 9, 251), biểu tự Trọng Đạt, là nhà chính trị, nhà quân sự phục vụ nước Tào Ngụy thời kỳ Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là người đặt nền móng cho nhà Tây Tấn thay thế nhà Nguỵ.
Ông có công lớn bảo vệ được Tào Ngụy trước các cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng. Sau một khoảng thời gian dài nhẫn nhịn Tào Sảng để chờ thời cơ, ông đã tiến hành một cuộc lật đổ ngoạn mục vào năm 249, khiến hoàng đế Ngụy chỉ còn tồn tại trên lý thuyết. Từ đó vị trí quyền lực nhất của ông trong triều đình nhà Ngụy đã tiếp tục được chuyển giao cho hai con ông là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu, tạo tiền đề cho cháu của ông là Tư Mã Viêm soán ngôi nhà Ngụy, thành lập nhà Tấn, thống nhất Trung Hoa, chấm dứt thời kỳ Tam Quốc.
Sau khi nhà Tấn thành lập, Tư Mã Ý đã được cháu mình truy tôn thụy hiệu là Tuyên hoàng đế, miếu hiệu là Cao Tổ, nên còn được gọi là Tấn Cao Tổ hay Tấn Tuyên Đế.