Để hình thành một thói quen, con người cần khoảng 21 ngày liên tục thực hiện một hành vi. Thực tế, khoa học cho biết đây chỉ là khoảng thời gian tính trung bình và số ngày để bạn nuôi dưỡng một thói quen dao động rất lớn, từ 18 cho đến 254 ngày. Có vô số thói quen phổ biến ai cũng nghĩ là tốt như một lẽ đương nhiên, nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược.
1. Đặt chuông báo thức
Tiếng ồn từ chuông báo thức sẽ đánh thức bạn dậy một cách đột ngột và điều này không hề tốt cho sức khỏe tim mạch. Nó có thể làm tăng huyết áp và tạo stress do tăng hormone adrenaline. Việc phải thức dậy một cách đột ngột cũng dẫn đến tình trạng uể oải, mệt mỏi, ảnh hưởng đến cả tinh thần và thể chất.
Việc đặt báo thức đã quá quen thuộc với nhiều người, nếu từ bỏ thói quen này thì chúng ta nên làm gì để dậy đúng giờ? Theo các chuyên gia, cách tuyệt vời nhất là hãy tự tạo cho mình một quy trình ngủ tự nhiên mỗi ngày, đi ngủ và thức dậy cùng một khung giờ.
Tất nhiên, việc tạo đồng hồ sinh học tự nhiên không hề dễ dàng. Để bắt đầu, bạn nên tập cách thức dậy nhờ ánh sáng tự nhiên. Hãy kê giường ở gần cửa sổ, mở rèm cửa để ánh sáng tự nhiên buổi sớm làm "đồng hồ báo thức". Còn nếu bắt buộc phải dùng đồng hồ, hãy đặt chuông âm thanh nhẹ nhàng hay dùng loại đồng hồ báo thức bằng ánh sáng.
2. Để nhà quá sạch sẽ
Nghe ngược đời nhưng việc để không gian sống sạch sẽ thái quá lại không hề tốt cho sức khỏe. Sạch sẽ tuyệt đối là trạng thái cần trong một số môi trường đặc thù như bệnh viện. Còn ở nhà, nếu môi trường hoàn toàn vô trùng sẽ khiến con người có nguy cơ mắc một số bệnh như hen suyễn, dị ứng và không tốt cho hệ miễn dịch. Tất nhiên, bạn chỉ không nên để nhà quá sạch, vô trùng nhưng vẫn phải đảm bảo vệ sinh.
Các nhà khoa học đã làm nghiên cứu và chỉ ra rằng những đứa trẻ lớn lên ở vùng nông thôn, tiếp xúc với nhiều vi khuẩn, phấn hoa và lông động vật lại thường có hệ miễn dịch mạnh hơn trẻ thành phố sống trong nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Việc tiếp xúc với một số vi sinh có lợi cho cơ thể không gây hại mà còn tốt cho chức năng sinh lý, trao đổi chất và não bộ.
3. Uống nhiều vitamin và chất bổ sung
Con người uống vitamin và các chất bổ sung vì nghĩ chúng sẽ giúp bồi bổ sức khỏe. Thế nhưng sự thật bất ngờ là theo nghiên cứu, uống những loại thực phẩm bổ trợ này không giúp ích gì cho lắm mà chỉ làm tốn tiền của bạn. Chúng không có khả năng làm giảm bệnh tim hay ung thư, càng không ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ hay bệnh tinh thần. Dẫu vậy, vẫn có một số chất bổ sung được chứng minh có tác dụng, đó là thuốc uống trước hoặc trong khi mang thai của bà bầu sẽ giúp ngăn các khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo về việc uống vitamin tan nhiều. Bạn không nên uống quá nhiều vitamin C tan trong nước vì có thể làm sỏi thận. Vitamin A tan trong chất béo cũng làm ảnh hưởng tới gan.
4. Ăn nhanh
Trong nhịp sống hiện đại, chúng ta bận rộn nên thích làm mọi việc nhanh hơn, bao gồm cả việc ăn 3 bữa mỗi ngày. Dù tiết kiệm thời gian nhưng ăn quá nhanh có tác hại cực lớn là làm tăng cân. Theo một nghiên cứu, 60% trẻ ăn uống vội vàng có cân nặng vượt quá mức chuẩn.
Những người có thói quen ăn nhanh có nguy cơ và tỷ lệ cao hơn bị béo phì quanh vòng eo, huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và có chất béo xấu. Ăn nhanh còn thường kéo theo thói quen ăn miếng lớn, nhai ít làm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.
5. Cắt lớp da trên móng tay
Khi làm móng, chị em đều trải qua công đoạn cắt bỏ những lớp da biểu bì thừa bao quanh móng tay để móng trông đẹp hơn. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc bạn vừa cắt bỏ một lớp bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Đoạn da này không hề thừa mà là "lá chắn" giúp bảo vệ móng tay khỏi vi khuẩn. Cắt phần da bảo vệ đi có thể khiến da bị khô hoặc nhiễm khuẩn dễ hơn.
6. Lột da
Lột da chết là một cách loại bỏ các phần da thừa của cơ thể, là quá trình tự chữa lành, là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cố gắng loại bỏ các tế bào bị tổn thương. Thế nhưng đừng dại mà tự tay lột da khi mới chỉ bong tróc. Hãy để da tự bong ra, đừng nôn nóng tự lột da vì như vậy là đang hại làn da của chính bạn. Trong lúc chờ da bong tự nhiên, hãy thường xuyên cấp ẩm và bảo vệ che chắn vùng da khi ra ngoài.
7. Chọn thực phẩm ít béo và có vẻ lành mạnh
Các thương hiệu thực phẩm gắn mác tốt cho sức khỏe đang đánh lừa bạn rằng tất cả các sản phẩm ít chất béo hoặc không chứa gluten đều tốt cho sức khỏe. Thực tế đáng buồn là có khi, những thực phẩm chế biến sẵn này có thể còn chứa nhiều đường hơn so với những thực phẩm không ăn kiêng.
Để tránh bị đánh lừa, người tiêu dùng hãy kiểm tra phần thông tin dinh dưỡng kỹ càng trước khi mua. Hãy so sánh hàm lượng dinh dưỡng với các sản phẩm tương tự của các thương hiệu khác để biết nó có thực sự ít béo, lành mạnh như quảng cáo không.
Nguồn: Bright Side