Cấp 3 là một cột mốc rất quan trọng trong cuộc đời của học sinh, đánh dấu ngưỡng cửa trưởng thành của mỗi người. Từ là "đàn anh đàn chị" hồi cấp 2, giờ lại bỗng trở thành "em út" của trường THPT, loay hoay tìm cách thích nghi với trường mới, thầy cô mới, môn học mới, hẳn ai cũng không tránh khỏi cảm xúc chênh vênh.
Dẫu vậy, đây cũng chính là cột mốc chuyển giao rất đáng mong chờ - được gặp gỡ bạn bè mới, tự do hơn, có nhiều cơ hội để khám phá bản thân hơn. Nếu biết tận dụng những cơ hội này, các bạn sẽ ngày càng trưởng thành hơn đấy!
Ảnh minh họa
01.
Có kế hoạch học tập chi tiết
Lên cấp 3, các bạn học sinh sẽ vô cùng bận rộn để cân bằng giữa hàng tá việc từ học hành, bạn bè, thi cử đến tham gia câu lạc bộ ngoại khóa, vui chơi nghỉ ngơi. Lúc này, một cuốn sổ tay sẽ ghi lại thời gian biểu của bản thân sẽ vô cùng quan trọng. Tất cả các deadline đều "nhét" vào cuốn sổ này để tiện theo dõi bạn nhé!
Ngoài ra, chúng ta cũng nên viết ra những mục tiêu ngắn, trung và dài hạn trong cuốn sổ tay đó, rồi lên một kế hoạch thật chi tiết để hoàn thành chúng. Lưu ý là càng chia nhỏ từng hạng mục đầu việc cho từng mục tiêu thì càng tốt, vì như thế nó sẽ giúp chúng ta dễ dàng thực hiện hơn chẳng hạn như: Học 5 từ vựng một, đọc 1 bài thơ vào buổi tôi, làm 3 bài toán trước khi lên lớp...
Nhớ là lên cả kế hoạch nghỉ ngơi, tham gia hoạt động thể dục thể thao cho bản thânnữa bạn nhé, vì có sức khỏe là có tất cả mà.
02.
Duy trì thành tích học tập tốt
Hiện nay có nhiều trường thực hiện việc xét học bạ của học sinh để vào các trường cao đẳng, đại học. Điểm số GPA càng cao, thì cơ hội để vào các trường đại học top đầu càng lớn. Vậy nên, ngay từ năm lớp 10, chúng ta phải để ý đến điểm trung bình môn nhé. Loại bỏ ngay tâm lý "chờ đến năm cuối cấp rồi cải thiện điểm số cũng chưa muộn", bởi khi ấy sẽ rất khó kéo lại điểm nếu như trước đó GPA không cao.
Biết là kiến thức cấp 3 sẽ khó hơn "sương sương" so với kiến thức cấp 2 bởi nó còn cài cắm thêm một vài kiến thức chuyên sâu ở các môn học quan trọng. Do vậy, học sinh có thể gặp khó khăn đôi chút và cảm thấy hơi "choáng ngợp", nhưng đây cũng sẽ là cơ hội để bạn chứng minh bản thân đấy!
03.
Xây dựng mạng lưới mối quan hệ
Tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với thầy cô là một điều vô cùng quan trọng nhưng để làm được điều đó phải có kỹ năng. Đừng ngại đặt câu hỏi, và biết nói lời cảm ơn thầy cô sau mỗi buổi học. Cố gắng kết nối và xây dựng mối quan hệ với thầy cô bên ngoài giờ học. Nếu xây dựng được mối quan hệ tốt với thầy cô giáo, họ không chỉ có thể chỉ dạy cho bạn nhiều điều hay lẽ phải, định hướng nghề nghiệp mà còn giải đáp những khúc mắc trong cuộc sống.
Ngoài ra, xây dựng mối quan hệ với bạn bè cũng cần thiết bởi nó sẽ khiến cho trải nghiệm trung học của mọi người trở thành những năm tháng đáng nhớ hơn bao giờ hết. Bạn bè là những người cùng đi qua những niềm vui, nỗi buồn của thời học sinh. Hãy kết bạn, tìm kiếm những người có cùng chung sở thích để cùng nhau phát triển nhé.
Tuy nhiên, chúng ta phải biết cách xây dựng và chọn lọc những mối quan hệ lành mạnh, ý nghĩa. Tóm lại, thành tích học tập đương nhiên quan trọng, nhưng những mối quan hệ bạn bè, thầy cô cũng quan trọng không kém.
04.
Tham gia câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa
Các trường cấp 3 thường có nhiều hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ đội nhóm. Đây chính là cơ hội để các bạn học sinh được thử những cái mới, tự khám phá xem bản thân mình có sở thích gì, năng khiếu gì. Đừng ngại thử những mình chưa từng làm trước đó, dù là tham gia một câu lạc bộ, một bộ môn thể thao, hay một hoạt động tình nguyện.
Mọi hoạt động ngoại khóa, dù phi học thuật, như các câu lạc bộ, đội thể thao, dịch vụ cộng đồng, đến học thuật đều sẽ ít nhiều giúp bạn phát triển bản thân ở khía cạnh nào đó. Nên có cơ hội hãy tham gia ngay nhé!
04.
Ôn luyện cho các kỳ thi chuẩn hóa
Các kỳ thi chuẩn hóa như SAT, ACT, IELTS hay TOEFL là chiếc "chìa khóa vàng" giúp bạn đỗ vào các trường đại học mà không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT cực khắc nghiệt. Vậy nên, hãy dành thời gian chuẩn bị và ôn luyện cho các kỳ thi này càng sớm càng tốt bạn nhé. Càng có thời gian ôn tập, cơ hội được điểm cao của mọi người sẽ càng lớn hơn.
Ảnh minh họa
05.
Đừng so sánh bản thân với người khác
So sánh điểm số, thành tích học tập hay kiến thức của mình với người khác luôn luôn là điều chúng ta không nên làm. Mỗi người sở hữu những thế mạnh và điểm yếu khác nhau, do vậy đừng vội lo lắng nếu thành tích của bạn không được hoàn hảo, "xịn xò" giống như người khác.
Tương tự, đừng vội nản lòng nếu bản thân gặp khó khăn trong một môn học, một kiến thức nào đó. Học sinh nào cũng có những môn học mà mình học chưa giỏi, nhưng điều này hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách học tập ôn luyện hàng ngày. Chúng ta có thể tận dụng thời gian trung học của mình một cách tối ưu nhất, nếu biết tập trung vào những kiến thức, những người, hoạt động mà mình yêu thích, thay vì mất thời gian so sánh, tị nạnh với người khác.
06.
Đừng ngại xin lời khuyên
Một người thông minh là người biết tận dụng mọi nguồn tài nguyên xung quanh mình để phát triển bản thân. Hãy xây dựng mối quan hệ tốt với thầy cô và bạn bè, kết nối với những người đi trước, các anh chị cựu học sinh… Đây đều sẽ là những người có thể sẵn sàng hỗ trợ bạn khi có bất kỳ thắc mắc nào, dù hiện tại em có thể chưa có nhu cầu.
Bên cạnh đó, đừng ngại chủ động hỏi xin giúp đỡ khi cần. Đừng "há miệng chờ sung" chờ người khác đến giúp đỡ, không ai tự nhiên làm điều đó cả trừ phi bạn mở lời trước. Hãy cho mọi người biết bạn đang lo lắng, bận tâm điều gì để "cầu cứu" những mối quan hệ mà mình từng gây dựng trước đó.
Ảnh minh họa