Chỉ trong năm 2020, người Mỹ mất khoảng 19,7 tỉ USD vì những cuộc gọi lừa đảo. Trong số 50 triệu cuộc gọi được thực hiện, 40% cho biết họ đã bị trộm tiền từ chúng. Và có một thực tế là vì nhiều người tin tưởng việc gọi điện hơn các loại hình liên lạc khác, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng niềm tin này để trục lợi.
Bởi vậy, cảnh giác không bao giờ là thừa. Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang bị lừa đảo khi nhận được một cuộc gọi bất thường.
1. Doạ bị bắt nếu không trả tiền
Kẻ xấu sẽ ra thông báo đại loại như: "Chúng tôi sẽ buộc phải bắt anh nếu không trả khoản tiền phạt là xxx đồng"
Đây là một trong những cách lừa đảo phổ biến nhất qua điện thoại. Theo đó, người gọi cho bạn sẽ cất lời đe dọa liên quan đến luật pháp - thường là bạn sẽ bị triệu tập lên đâu đó. Tuy nhiên, kèm theo sẽ là giải pháp khác "nhẹ nhàng" hơn, đó là nếu bạn chịu đóng tiền, mọi thứ sẽ ổn thỏa. Ngoài ra, các thông tin như số thẻ căn cước, số thẻ tín dụng hoặc số an sinh xã hội (bên nước ngoài) có thể bị trộm mất nếu như bạn cung cấp cho chúng.
Trong các trường hợp như vậy, cách đơn giản nhất là... gác máy. Nhìn chung, đừng cố gắng gặng hỏi bằng chứng hoặc tham gia vào câu chuyện, bởi trong quá trình ấy bạn hoàn toàn có thể để lộ các thông tin cá nhân của mình. Sau đó, cân nhắc trình báo sự việc cho cơ quan chức năng.
2. Easy money - tiền... có phí!
Chúc mừng bạn đã trúng thưởng xxx đồng, nhưng phải chuyển khoản phí bảo hiểm trước mới được nhận
Đây cũng là một mánh khóe khá thông dụng: kẻ lừa đảo sẽ gọi tới, thông báo rằng bạn đã trúng một giải thưởng rất có giá trị. Chúng có quy trình rất chi tiết, bao gồm yêu cầu bạn cung cấp số tài khoản ngân hàng, nhưng kèm theo đó là đóng góp một khoản phí "nho nhỏ" so với giá trị của giải thưởng.
Vậy phải làm gì trong tình huống này? Cần nhớ rằng không có bữa sáng nào miễn phí đâu, và trong trường hợp này thì thậm chí là chẳng có bữa sáng nào kể cả bạn có trả phí. Bạn có thể trêu lại chúng bằng cách yêu cầu trừ đi khoản phí trong giải thưởng rồi chuyển phần còn lại cho bạn. Yên tâm đi, bạn sẽ không có cơ hội nói chuyện tiếp với chúng đâu, vì chúng sẽ gác máy ngay.
3. Tin nhắn xác thực từ ngân hàng
Các tin nhắn từ ngân hàng có thể bị giả mạo, như việc cảnh báo tài khoản bị khóa và đòi hỏi bạn truy cập đường link lạ
Một mánh khóe khá phổ biến trong thời gian gần đây. Theo đó, bạn sẽ nhận được một tin nhắn từ ngân hàng, nhưng thực ra là do kẻ xấu sử dụng các phương pháp kỹ thuật để đồng bộ tin nhắn hiển thị mà thôi. Điểm khác biệt là tin nhắn sẽ yêu cầu bạn bấm vào một đường link để xác thực tài khoản, và chỉ cần một cú click thôi, điện thoại và tài khoản của bạn có thể đã gặp nguy hiểm.
Khi gặp những trường hợp như vậy, hãy lập tức gọi cho ngân hàng để xác thực xem điều đó có đúng hay không. Nếu là giả mạo, họ sẽ có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn. Nhìn chung là phải thật tỉnh táo, nếu không muốn mất tiền oan.
4. Tin nhắn quà tặng
Bạn đã được tặng 1 chiếc du thuyền miễn phí. Bấm số 1 để nhận - những tin nhắn như vậy hoàn toàn có thể là lừa đảo
Cách thức như sau: sẽ có một tin nhắn thoại để "mồi" bạn, rằng bạn đã nhận được một món quà cực kỳ giá trị hoặc được mua bảo hiểm với mức giá không tưởng, nhưng đòi hỏi bạn phải bấm số để nghe tiếp.
Sau khi bấm, sẽ có một người nói chuyện với bạn. Yên tâm đi, người này sẽ cực kỳ kiên nhẫn trong việc thuyết phục bạn mua một sản phẩm nào đó. Và vì họ đã biết số của bạn, nên ngày nào bạn cũng sẽ bị làm phiền.
Cách tốt nhất là hãy gác máy ngay khi nghe thấy âm thanh tự động khi nhận cuộc gọi.
Nhưng trong trường hợp bạn muốn tiếp chuyện, chí ít hãy hỏi họ gọi tới từ tổ chức nào, sau đó gác máy và thử tìm kiếm số điện thoại đó trên mạng. Nhiều khả năng đó là một số chẳng liên quan đến tổ chức hay đoàn thể nào cả, và như thế có nghĩa là lừa đảo.
5. Yêu cầu cung cấp mã PIN thẻ ngân hàng
Cẩn trọng với các tin nhắn: "Tài khoản của bạn đã bị hack. Hãy cung cấp mã PIN để giải quyết"
Cũng là một dạng lừa đảo khá phổ biến thời gian gần đây. Theo đó, đầu dây bên kia sẽ cho biết họ đang làm việc với cảnh sát, và phát hiện tài khoản của bạn có dấu hiệu lừa đảo. Họ sẽ yêu cầu bạn cung cấp các thông tin chi tiết hơn, bao gồm cả mã PIN thẻ ATM để giải quyết. Thậm chí, bên kia còn ngang nhiên yêu cầu bạn gửi thẻ (có tiền bên trong) cho chúng.
Nhưng nên nhớ, cảnh sát hay ngân hàng cũng chẳng bao giờ yêu cầu bạn cung cấp mã PIN cả. Vậy nên đây là một yêu cầu rất đáng ngờ, và bạn nên gác máy ngay lập tức và báo cáo lại cho cơ quan chức năng.
6. Nháy máy
Chỉ cần gọi điện lại, bạn có thể sẽ mắc bẫy
Bạn thấy một cuộc gọi nhỡ và gọi lại. Tuy nhiên cần phải chú ý, vì đó có thể là đầu số từ nước ngoài và bạn sẽ bị tính tiền cước rất đắt. Số tiền ấy cũng chẳng đi đâu xa, sẽ chui thẳng vào túi kẻ lừa bạn.
Nhìn chung, hãy tránh gọi lại cho một số máy lạ, nếu họ chỉ để chuông reo 1 lần. Nếu như nó kèm theo một tin nhắn tự động, bạn có thể cân nhắc trình báo số này lên cơ quan chức năng. Ngoài ra nếu có lỡ gọi lại, hãy kiểm tra tiền trong tài khoản để đề phòng những khoản phí bất thường.
7. Đóng giả người thân xin tiền
"Ông ơi cháu đang ở bệnh viện, chuyển tiền gấp cho cháu nhé" - mẫu câu lừa đảo quen thuộc
Một cú lừa kinh điển: Bạn nhận được cuộc gọi từ người thân, đề nghị giúp đỡ bằng một khoản tiền nho nhỏ vì đang gặp rắc rối. Vấn đề là người gọi không phải người thân của bạn, và chỉ cần chuyển thôi là mất trắng.
Dĩ nhiên để lừa được, đầu dây bên kia sẽ tạo cảm giác tình huống đang cực kỳ khẩn cấp - như gặp tai nạn hoặc rắc rối nào đó và khiến bạn mất cảnh giác nhanh chóng.
Vậy phải làm gì lúc này? Hãy gác máy và gọi thẳng cho người thân của bạn để xác nhận thông tin. Sẽ có trường hợp người đó không thể nghe máy (kẻ xấu có thể sẽ theo dõi để biết được khoảng thời điểm đó và ra tay), lúc đó hãy gọi cho người có khả năng nắm rõ thông tin nhất. Và khi đã xác nhận được hành vi lừa đảo, hãy báo cáo cho cơ quan chức năng.