653 tiến sĩ, 4.018 thạc sĩ nghỉ việc ở khu vực công

Anh Văn |

Bộ trưởng Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, có 653 tiến sĩ và 4.018 thạc sĩ thôi việc, nghỉ việc tại khu vực công.

Theo báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Bộ trưởng Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.

653 tiến sĩ, 4.018 thạc sĩ nghỉ việc ở khu vực công - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Trong đó ở bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người, chiếm 78,81%). Ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).

Về sắp xếp theo trình độ đào tạo, báo cáo nêu có 653 tiến sĩ nghỉ việc, thôi việc, chiếm 1,65%. Bác sĩ chuyên khoa II có 133 người, chiếm 0,33%. Thạc sĩ có 4.018 người, chiếm 10,16%; bác sĩ chuyên khoa I có 1.066 người, chiếm 2,70%. Đại học có 19.637 người, chiếm 49,65%; cao đẳng có 6.027 người, chiếm 15,24%...

Theo độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống, báo cáo nêu có 25.617 người, chiếm 64,77%; Từ 41-50 tuổi có 7.861 người, chiếm 19,87%...

Cũng theo thống kê, tỷ lệ nghỉ việc ở địa phương lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%) tập trung ở hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế.

Cụ thể, ngành Giáo dục có 16.427 người nghỉ việc, chiếm 41,53% (ở bộ, ngành là 2.087 người và địa phương là 14.340 người). Ngành Y tế có 12.198 người nghỉ việc, chiếm tỷ lệ 30,84% (ở bộ, ngành là 1.015 người và địa phương là 11.183 người).

" Cơ chế tự chủ và xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp và dịch vụ công cũng tạo điều kiện để viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều cơ hội để thay đổi việc làm, việc lao động "ra, vào" giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập sẽ trở nên thường xuyên, tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo quan hệ cung - cầu lao động giữa khu vực công và khu vực tư. Hiện tượng này cũng đang diễn ra ở các nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Singapore ", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định.

Song người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng cho rằng, cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý công chức, viên chức để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc.

Trước mắt, Bộ Nội vụ kiến nghị các cơ quan, tổ chức cần làm tốt công tác tư tưởng, động viên công chức, viên chức làm việc ở những vị trí có cường độ lao động cao, áp lực lớn yên tâm công tác; đồng thời có biện pháp tổ chức lao động khoa học để bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho họ và quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện cho công chức, viên chức yên tâm công tác.

Về lâu dài, Bộ Nội vụ đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức.

Gắn liền với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức là tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại