Bộ trưởng Nội vụ: Tăng lương sẽ tạo động lực mới, giảm hiện trạng xin nghỉ việc

Luân Dũng |

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 đồng/tháng là rất hợp lý, tạo động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc.

Bộ trưởng Nội vụ: Tăng lương sẽ tạo động lực mới, giảm hiện trạng xin nghỉ việc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Như Ý

Hôm nay (22/10), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội thảo luận ở tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) băn khoăn trước tình trạng vừa nghe rục rịch tăng lương, giá cả bên ngoài tăng trước nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, theo bà Trang, cần linh hoạt bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, hàng thiết yếu.., để đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng mức sống của người dân.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Vĩnh Long cũng lưu ý khắc phục nhanh nhất tình trạng cán bộ y tế khu vực công nghỉ việc, thôi việc .

“Báo cáo cho thấy trên 39 nghìn người khu vực công, nhiều nhất là y tế, giáo dục nghỉ việc. Cần quan tâm giải quyết căn cơ, đồng thời xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ở một số bệnh viện. Vấn đề này, Bộ Y tế đã quan tâm xử lý khá tốt nhưng chưa dứt điểm, cần quan tâm hơn”, đại biểu Trang nêu.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cũng đề nghị quan tâm, có giải pháp mạnh hơn nữa trong xác định hệ thống vị trí việc làm trong bộ máy. Theo đại biểu, báo cáo đánh giá còn khá chung chung trong khi thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề.

Liên quan đến vấn đề tiền lương, theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt trong chính sách phát triển kinh tế- xã hội, là nguồn lực và là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt được nhiệm vụ.

Bộ trưởng Nội vụ cũng cho rằng, vấn đề bất cập là từ năm 2019 vẫn chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương. Nguyên nhân, vì 3 năm qua, do tác động của nền kinh tế, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên chưa điều chỉnh mức lương cơ sở, chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương.

Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng "rất hợp lý"

Theo Bộ trưởng Nội vụ, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 đồng/tháng là rất hợp lý, tạo được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc. Mức điều chỉnh khoảng 20,8% đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương. Tiếp đến, trong những năm tới, nếu tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, thì có thể triển khai cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27.

Liên quan đến tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, với 39.552 người trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Nội vụ, chủ yếu là viên chức với 35.523 người, còn công chức chỉ hơn 4.000 người, chủ yếu rơi vào hai ngành giáo dục và y tế. Cụ thể, với giáo dục, trong 2,5 năm qua, số người xin thôi việc là 16.427 người; còn với y tế là 12.198 người.

"Số liệu báo cáo trong 2,5 năm nhưng trên thực tế, số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều rơi vào 6 tháng cuối năm 2021 và đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022”, bà Trà lý giải.

Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Nội vụ, do tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến áp lực công việc rất lớn, đặc biệt nhân viên y tế phải làm việc trong bối cảnh cực kỳ nguy hiểm, rủi ro nhưng hỗ trợ cho đời sống chưa đáp ứng được. Tương tự, với nhân viên ngành giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến cũng dẫn đến áp lực rất lớn… Khi đại dịch Covid-19 được khống chế, các dịch vụ như y tế, giáo dục ngoài công lập có điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn nên đã thu hút nguồn nhân lực rất lớn từ công sang tư, bởi có chế độ ưu đãi tốt hơn.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, cần tập trung để nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở chính là một cách để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đồng thời, xem xét lại tổng thể, công tâm, khách quan về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức; xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến…

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trên thế giới, tình trạng này cũng diễn ra rất phổ biến. Bà ví dụ Singapore, một đất nước có nền công vụ rất tốt, thế nhưng tỷ lệ công chức, viên chức nghỉ việc chiếm khoảng hơn 9%; hay như Hoa Kỳ, các nước trong khối ASEAN, số lượng công chức, viên chức ở khu vực công chuyển sang khu vực tư cũng rất lớn. Theo Bộ trưởng, đó là một xu thế để đảm bảo được cân bằng trong thị trường lao động. Chính vì vậy phải tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và khu vực tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại