*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Tôn Hồng Hạ, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Năm tôi 57 tuổi, chồng tôi qua đời vì một cơn đau tim. Tôi sống một mình cho đến khi con gái và con rể đón tôi về nhà ăn để dưỡng già và tiện chăm cháu, năm đó tôi đã 60 tuổi. Điều này khiến tôi có chút vui mừng vì tôi rất thích trẻ con. Thay vì phải sống đơn độc, cô quạnh một mình, tôi đã có con cháu bên cạnh bầu bạn. Không những thế, mối quan hệ giữa tôi và con rể từ trước đến nay vốn khá lạnh nhạt, giờ cũng trở nên gắn kết hơn.
Sau khi chuyển đến đây, cuộc sống của tôi dù bận rộn hơn trước nhưng vẫn khá thoải mái. Mỗi ngày tôi đều đưa đón cháu trai đến trường, sau đó đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp, … Những công việc này dần trở thành nếp sống mới của tôi. Bà thông gia thỉnh thoảng cũng tới thăm và cùng tôi trò chuyện hay đi dạo. Cuối tuần, con rể luôn cố gắng sắp xếp công việc để đưa cả gia đình đi chơi, thư giãn khiến cho ấn tượng của tôi về người con này càng trở nên tốt đẹp. Tôi không ngại dành lời khen cho con rể mỗi khi kể về chuyện gia đình mình cho bạn bè. Dường như mọi thứ rất yên bình, bản thân tôi cũng rất hài lòng với cuộc sống hưu trí như vậy.
Tất nhiên, không có chuyện gì trong cuộc sống là thuận buồm xuôi gió được mãi. Đầu năm nay, một tai nạn nhỏ khi đang đi chợ đã đưa tôi từ trong mộng tưởng quay về với thực tại. Cũng từ đây, tôi biết được rằng hóa ra lòng hiếu thảo của con rể mà mình hết mực yêu quý không phải là điều xuất phát từ trái tim.
“Thức tỉnh” trước sự hiếu thảo của con rể
Hôm đó khi tôi đang đi chợ mua rau, do không chú ý quan sát nên chiếc xe đạp của tôi đã lao vào lề đường và bị lật khiến tôi ngã nhào. Do phần đầu bị va đập khá mạnh nên tôi mất ý thức rồi ngất đi. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đã ở trong bệnh viện, toàn thân đau điếng. Lúc đó, tôi loáng thoáng nghe thấy cuộc đối thoại giữa con rể và con gái.
Con rể nói: "Nếu mẹ không thể tỉnh dậy, hoặc nếu tỉnh dậy nhưng bị liệt, chúng ta chỉ có thể gửi mẹ vào viện dưỡng lão. Cả hai chúng ta đều rất bận rộn, không thể chăm sóc một người bị bệnh nặng ở trong nhà. Anh nghĩ đây là cách duy nhất." Con gái tôi nghe xong thì trách chồng không nói lời tử tế nhưng con rể lại tiếp lời ngay:
"Anh nghĩ chúng ta nên chuẩn bị trước cho tình huống xấu nhất. Em nghĩ mà xem, cho dù mẹ có tỉnh lại, đầu không sao nhưng chân bị gãy thì vẫn cần người chăm sóc. Hai chúng ta là bận công việc không chăm được con giờ lại còn phải chăm thêm cả mẹ. Bây giờ nếu không để mẹ vào viện dưỡng lão thì chỉ có thể thuê người giúp việc về. Nhưng tiền lương cũng đã hơn 4000 NDT/tháng, vợ chồng chúng ta còn phải lo cho con ăn học, chi phí sinh hoạt cũng bị đội lên.
Nếu vậy thì chỉ còn cách đợi lúc mẹ tỉnh dậy, khuyên mẹ cho chúng ta tiền tiết kiệm và bán căn nhà ở quê đi để trang trải”.
Ảnh minh họa: Toutiao
Nghe đến đây, con gái tôi cũng chỉ biết khóc lóc chứ không nói gì thêm, còn tôi thì lặng người, nằm thờ thẫn trên giường bệnh. Bác sĩ cho biết trình trạng của tôi không quá nghiêm trọng, chỉ là chân bị gãy nên cần phải bó bột trong thời gian khá dài. Ở viện thêm vài ngày để cơ thể khỏe hơn là có thể xuất viện.
Một tuần sau khi từ bệnh viện về, con rể cũng chủ động nói ra suy nghĩ của mình, bày tỏ muốn tôi bán nhà và rút tiền tiết kiệm để thuê người giúp việc về chăm sóc. Tôi không đồng ý cũng chẳng từ chối ngay mà chỉ bảo cần thêm thời gian để xem xét. Sau đó, nhân lúc con rể không ở nhà, tôi hỏi con gái mấy câu để xem thái độ của con ra sao.
Sau một lúc nói chuyện, con gái tôi thừa nhận chuyện ngày trước con rể đón tôi về ở cùng là có mục đích. Theo đó khi thấy tôi sống cô đơn một mình, con rể rước tôi đến ở cùng còn ngôi nhà cũ của tôi và chồng sẽ đem bán đi. Có như vậy, gia đình con gái tôi sẽ có tiền để mua một ngôi nhà lớn hơn để sống. Tuy nhiên vì mấy năm nay chưa tìm được căn nào ưng ý, hơn nữa giá có nhiều thứ phải chi tiêu nên việc mua nhà vẫn đang trì hoãn. Con gái tôi cũng đồng ý với “kế hoạch” trên bởi không muốn tôi sống một mình, có con cháu bên cạnh cuộc sống tuổi già cũng thuận tiện hơn.
Tuổi già tự túc là hạnh phúc
Đến bây giờ, cuối cùng tôi cũng đã hiểu “tấm lòng” của các con mình. Tuy nhiên, tôi cũng không trách móc gì chúng mà chỉ thấy buồn cho tuổi xế chiều của mình. Là một người có suy nghĩ truyền thống, mong tuổi già được bên cạnh con cháu nên khi nghe đến việc phải đến ở viện dưỡng lão, tôi không hề muốn chút nào.
Ảnh minh họa: Toutiao
Hơn nữa, khi đã biết được thái độ thực sự của con rể đối với mình, tôi không còn muốn sống chung nữa vì cảm thấy không khí trong gia đình sẽ không còn như trước được nữa. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi quyết định sẽ trở về ngôi nhà cũ để sống ngay khi đôi chân có thể đi lại được. Tôi cũng nhờ con gái rút toàn bộ tiền tiết kiệm, một nửa tôi “góp tiền” mua nhà mới cho các con, nửa còn lại tôi giữ để trang trải nốt cuộc sống sau này.
Cuộc sống về già khi ở một mình cũng không quá tốn kém. Nhà tôi còn có mảnh vườn nhỏ, tôi có thể trồng trọt ở đó để có cái ăn, cái bán hàng ngày. Sống ở quê dù một mình nhưng may mắn tôi vẫn có họ hàng và bạn bè nên cũng không quá cô đơn. Nếu có ốm đau bệnh tật, tôi mới chọn cách cuối cùng là bán nhà để vào viện dưỡng lão sinh sống.
Tôi chọn cách tận hưởng cuộc sống khi về hưu một mình nhưng vẫn không quên chuẩn bị và chừa cho mình một đường lui để không lâm vào tình huống bị động bất ngờ xảy đến. Sau những chuyện đã xảy ra, tôi cũng nhận ra một điều quan trọng rằng thay vì thụ động chờ đợi tuổi già ập đến và sống phụ thuộc vào con cháu, mỗi người nên chuẩn bị cho mình một kế hoạch cụ thể. Có như thế, chúng ta vừa được sống thoải mái, vừa bớt gánh nặng cho các con.