Dám cá rằng, dù ai cũng biết thói quen tiêu dùng không tốt của mình nhưng thực sự rất khó để thay đổi. Những năm gần đây, thuật ngữ “nghèo khó tinh tế” được dùng để mô tả những người có “thu nhập thấp nhưng ham muốn vật chất cao". Cụ thể hơn, đâyvốn là một từ thông dụng trên mạng, ám chỉ những người không chỉ sống phóng khoáng, mà còn vay mượn tiền để mua giày mua túi, phô bày một cuộc sống sang chảnh nhưng thật ra lại nghèo khó.
Nhiều người trẻ hiện đại cho biết họ sẵn sàng mua những món đồ hiệu xa xỉ, mỹ phẩm đắt tiền, điện thoại cao cấp… - trong khi những thứ đó đều vượt xa thu nhập hàng tháng. (Ảnh minh hoạ)
Thói quen 1: Nghĩ rằng tiết kiệm tiền là khổ mình
Bởi vì nhiều người thường chăm chăm nhìn vào cuộc sống của người khác, và như vậy dễ nảy sinh cảm giác ghen tị. Họ cảm thấy bản thân làm việc chăm chỉ chỉ để tiêu tiền, để hưởng thụ, nên số tiền họ làm việc chăm chỉ hàng tháng được dùng để mua mỹ phẩm, quần áo, đồ ăn, đồ uống và đi du lịch. Cứ như vậy cho đến một ngày họ sẽ phát hiện ra rằng, tiền của mình đã vô tình biến thành thứ vô dụng như: Những thỏi son không dùng đến, những bộ quần áo còn nguyên tem mác nằm yên trong xó tủ hay đủ các loại đồ ăn vặt không tốt cho cơ thể chất đầy trong nhà...
Khi đó, bạn tưởng chừng như mình đang sống một cuộc sống tốt đẹp, nhưng cuối cùng lại chẳng có gì cả.
Thói quen 2: Cảm thấy tiết kiệm một khoản tiền nhỏ là vô ích
Đây hẳn là tâm lý của phần đa người trẻ bây giờ - những đối tượng gần như chưa hiểu hết được vai trò và giá trị của việc tiết kiệm.
Đồng ý rằng, đôi khi số tiền bạn tiết kiệm trong cả chục năm cũng có thể chưa mua được nhà hay tậu được xe nhưng tất cả số tiền lớn đều phải bắt đầu từ số tiền nhỏ. Chỉ bằng cách tiết kiệm số tiền nhỏ, bạn mới có nhiều lựa chọn hơn. Khi bạn tích lũy tiền gửi và tìm được phương thức đầu tư phù hợp, bạn sẽ bắt đầu thấy rằng tốc độ tăng tiền trở nên nhanh hơn.
Thói quen 3: Khi thu nhập tăng lên, chất lượng cuộc sống cũng bắt buộc phải được cải thiện
Giả dụ, khi bạn kiếm được 20 triệu/tháng, bạn có thể tiêu 15 triệu. Khi kiếm được 50 triệu, bạn lại có suy nghĩ mình có thể tiêu 45 triệu... Như vậy, dù thu nhập đã tăng tới hơn 50% nhưng số tiền tiết kiệm hàng tháng vẫn không đổi.
Nguyên nhân là do, bạn nghĩ rằng, khi thu nhập tăng lên, bạn cho phép mình được cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua chi phí bữa ăn, việc đi lại hàng ngày đến thay đổi 1 loạt các sản phẩm trang điểm, chăm sóc da,... chỉ để làm sao cho người ngoài thấy rằng, mình hiện giờ đã thực sự là 1 người có tiền.
Và vì thế, đến cuối cùng số tiền tiết kiệm được không hề tăng lên chút nào trong khi áp lực cuộc sống dường như lớn hơn. Đương nhiên rồi, thu nhập tăng cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của bạn tăng lên. Nó tỷ lệ thuận trực tiếp với áp lực. Và nếu bạn không tính đến bài toán tiết kiệm, thì đến cuối cùng thứ bạn nhận về chỉ là sự mệt mỏi và áp lực trong công việc dồn nén bạn mỗi ngày. Còn tiền thì không!
Thói quen tiêu dùng rò rỉ tiền là phổ biến ở tất cả người nghèo: Họ nghĩ rằng, khi thu nhập của họ tăng lên thì chất lượng cuộc sống cũng bắt buộc phải được cải thiện chỉ để thể hiện cho người ngoài thấy, họ hiện giờ đã là người có tiền. Không phải thay đổi vì để nhu cầu bản thân thật sự cần. (Ảnh/Getty image)
Thói quen 4: Quá lười lập ngân sách và tiêu tiền tùy theo tâm trạng
Người nghèo tinh tế cảm thấy dù sao thì họ cũng phải mua những gì họ nên mua, và ngân sách cũng vô dụng. Tốt hơn hết là nên chi bao nhiêu tùy thích và tiết kiệm bao nhiêu tùy muốn vào cuối tháng. Đặc điểm của sự nghèo khó tột cùng là hãy tiết kiệm số tiền còn lại.
Cách tiết kiệm tiền đúng đắn là hãy khấu trừ ngay số tiền bạn muốn tiết kiệm trước, sau đó mới tiêu phần còn lại. Đặt mục tiêu và tự động khấu trừ tiền có thể cải thiện cảm giác rò rỉ tiền và giảm thói quen chi tiêu không kiểm soát của bạn đó.
Thói quen 5: Luôn tìm cớ để tiêu tiền
Để mua một thứ gì đó, bạn sẽ tìm ra nhiều lý do khác nhau, ví dụ như nếu bạn chia một món đồ đắt tiền thành 365 ngày rồi tính toán mức chi phí sử dụng của nó trong một ngày là bao nhiêu thì có thể rất rẻ, nhưng bạn sẽ không sử dụng món đồ đó hàng ngày.
Nhiều người sẽ nói rằng có tiêu tiền thì mới có động lực kiếm tiền. Tuy vậy, điều này chỉ đúng 1 nửa, nó chỉ dành cho những người biết kiểm soát bản thân và lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Còn nếu bạn nằm trong số ngược lại, chi tiêu bốc đồng, cảm xúc và không có thói quen lập kế hoạch thì rò rỉ tiền là chuyện tất yếu.
Dù bạn kiếm được nhiều tiền đến đâu, cũng hãy cân nhắc trước mỗi khoản chi tiêu để tránh lâm vào cảnh rò rỉ tiền nhé. (Ảnh minh hoạ)
Thói quen 6: Tin rằng tiêu tiền có thể thay đổi chính mình
Đây là cách tiền dần dần biến mất mà đến cả bạn cũng không hiểu tại sao.
Đơn cử, một số người muốn uống nhiều nước hơn để tốt cho sức khỏe nên lần đầu tiên họ lên mạng và mua một chiếc cốc có lượt bán cao, không cần biết giá thành là bao nhiêu. Một số khác vì muốn tập yoga để có thân hình đẹp như diễn viên điện ảnh nên liền sắm ngay rất nhiều đồ tập, thảm tập yoga trước khi tập luyện.
Trong khi đó, cũng có không ít người thấy bạn bè, đồng nghiệp và những người nổi tiếng trên mạng rồi mua 1 chiếc túi xách đắt tiền mà không cần biết nó có phù hợp với mình hay không, tần suất sử dụng là bao nhiêu... Họ tin rằng, tiêu thật nhiều tiền vào bản thân là cách họ thể hiện sự yêu mình. Tiền phải tiêu đi thì mới có thể kiếm về.
Bạn kiếm được tiền, không có nghĩa là bạn không được phép tiêu tiền, cũng không có nghĩa là bạn phải sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Nhưng bạn chỉ nên chi tiêu vừa phải, trong khả năng của mình thôi, bởi nó có thể làm tổn hại đến ví tiền của bạn. Nếu bạn chưa quá dư dả, hãy thật sự cân nhắc trước mỗi khoản chi tiêu.