Một số người được khen là có kỹ năng giao tiếp xuất sắc vì họ có kỹ năng lắng nghe tốt, biết cách gợi mở cuộc trò chuyện và biết áp dụng một số quy tắc nói chuyện để đối phương cảm thấy được tôn trọng.
Những người này hiểu rằng những hành vi giao tiếp bất lịch sự, thiếu tinh tế đôi khi có thể kéo chất lượng cuộc trò chuyện đi xuống.
Nhưng làm sao để biết đâu là những hành vi giao tiếp thiếu tinh tế? Dưới đây là một số lỗi giao tiếp cơ bản mà nhiều người trong chúng ta mắc phải:
1. Ngắt lời
Ngắt lời người khác là một trong những hành vi giao tiếp nhiều người mắc phải nhất, đồng thời cũng gây mất thiện cảm nhất.
Hẳn ai cũng một lần trong đời từng bị ngắt lời, cảm giác chắc chắn không dễ chịu gì lắm. Khi bị ngắt lời, ta có cảm giác không được tôn trọng, giống như đối phương không thực sự quan tâm đến lời mình nói mà chỉ muốn thể hiện quan điểm cá nhân. Tất nhiên, họ có thể không hề có ý đó mà chỉ ngắt lời do thói quen mà thôi.
Ngay cả chính bạn cũng có lúc ngắt lời người khác, có thể là do bạn không đồng tình với đối phương, do bạn quá muốn thể hiện mình, hoặc do bạn muốn xen vào ngay vì sợ lát nữa sẽ quên ý cần nói. Nếu muốn người khác sẵn sàng lắng nghe bạn, hãy để họ trình bày xong xuôi quan điểm rồi mới nói.
2. So sánh chuyện của mình với chuyện người khác
Khi một người chia sẻ câu chuyện của họ, một số người khác sẽ thấy trải nghiệm của mình tồi tệ hay mãnh liệt hơn, và kết quả là họ bắt đầu dồn trọng tâm vấn đề sang họ. Cuộc trò chuyện bỗng chốc trở thành một cuộc chiến xem ai quan trọng hơn ai.
Ví dụ, khi A kể về một tai nạn mình gặp gần đây trên đường, B sẽ nhớ lại trải một trải nghiệm tương tự, B kể về trải nghiệm của mình bằng một cảm xúc mãnh liệt, rồi so sánh tai nạn của A chưa là gì so với tai nạn B gặp phải.
Có thể khi so sánh, mục đích của bạn là giúp đối phương cảm thấy nhẹ lòng hơn, hoặc thấy được an ủi, vì “ít ra còn có người khổ hơn mình”, nhưng có thể họ sẽ cảm thấy bị coi nhẹ trải nghiệm.
Bạn nên cân nhắc xem đối với trải nghiệm nào của đối phương thì bạn có thể kể chuyện tương tự để “góp vui”, trải nghiệm nào thì chỉ nên lắng nghe, đồng cảm.
3. Khuyến khích nhìn vào mặt tích cực của vấn đề
Đúng là sự lạc quan và thái độ tích cực có thể giúp ta vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, thế nhưng sự lạc quan có thể trở nên “độc hại” nếu ta chỉ mải nhìn vào khía cạnh tươi sáng mà phớt lờ mọi cảm giác tiêu cực. Sự tuyệt vọng có thể lớn dần và bào mòn bạn từ bên trong bởi vì bạn đã quen với việc không giao tiếp với nỗi buồn.
Theo nhà tâm lý học Dave Smallen, nếu ta quan tâm đến những cảm xúc khó khăn của người khác, ta có thể giúp họ đối phó với căng thẳng tốt hơn.
Không phải lúc nào cũng chỉ nên nhìn vào mặt tích cực của vấn đề
4. Luôn cho rằng quan điểm của mình là hợp lý
Kinh nghiệm, hoàn cảnh và lối sống của mỗi người là không giống nhau. Nếu bạn đúc rút được một kinh nghiệm sống phù hợp với bạn, thì không có nghĩa là kinh nghiệm đó áp dụng được với người khác. Vì thế, bạn không nên thất vọng, bực bội hay nổi giận vì mãi mà người kia không chịu lắng nghe lời khuyên của mình.
Hãy nhớ rằng, một cuộc nói chuyện có ý nghĩa là khi cả hai cùng tìm ra những điểm kết nối có giá trị, hoặc tìm được sự đồng cảm, chứ không phải tìm ra quan điểm của ai đặc biệt hơn.
Trong một thế giới phức tạp, mỗi người sẽ có một quan điểm của riêng mình. Ngay cả khi không đồng ý, ta vẫn nên học cách tôn trọng và không áp đặt tư duy của nhau.
5. Quá mải mê chia sẻ về lĩnh vực sở trường
Mỗi người sẽ có đam mê tìm hiểu về một lĩnh vực nào đó và sẵn sàng nói rất sâu về chủ đề này mỗi khi có ai đó hỏi. Ví dụ, bạn rất đam mê và có kiến thức sâu rộng về nước hoa. Khi ai đó nhờ bạn tư vấn về nước hoa, bạn có thể “tung” ra rất nhiều kiến thức về các loại mùi, cách dùng nước hoa đúng cách, cho dù người kia không hiểu chút nào.
Đôi khi chúng ta vô tình nói quá nhiều về một vấn đề yêu thích mà quên mất việc kết nối với người nghe. Bởi suy cho cùng, kiến thức mà bạn nói sẽ vô giá trị nếu người nghe không hiểu hoặc không muốn nghe.
Vì thế, trước khi bắt đầu một chủ đề hãy kiểm tra xem người bạn đang nói chuyện cùng am hiểu chủ đề đến đâu, và bạn có thể giúp họ bổ sung kiến thức bằng cách nào. Đừng chỉ quan tâm nói những gì mình muốn nghe, hãy nói những gì mà cả hai đều muốn nghe.
6. Cố trở thành chuyên gia tư vấn
Đôi khi mọi người cởi mở với chúng ta vì họ thực sự muốn nghe những lời gợi ý, chia sẻ của chúng ta. Nhưng hãy chú ý xem họ cần lời khuyên hay cần bạn đồng cảm, lắng nghe. Nếu họ cần bạn lắng nghe, hoặc giúp họ sắp xếp suy nghĩ để cùng nhau phân tích vấn đề, thì hãy tập trung vào vấn đề của họ, đừng nhầm lẫn sang việc đưa ra lời khuyên hoặc bảo họ phải làm gì..
Đừng bị áp lực phải hoàn hảo
Tất nhiên là các thói quen “không tốt” ở trên chỉ mang tính tương đối. Chúng ta có thói quen ngắt lời không có nghĩa là ta không phải người bạn tốt. Và đưa ra lời khuyên cho người khác dù không được hỏi thì cũng không phải vấn đề gì quá lớn. Điều quan trọng là bạn cần nắm bắt được tính cách người mình đang trò chuyện, hiểu được mối quan hệ của cả hai mà sẽ có những cách ứng xử phù hợp.