50.000 người biểu tình chống Nga, Gruzia hỗn loạn: Bất ngờ phát hiện "dấu vết Ukraine"; Mỹ báo động

Nhật Minh |

50.000 người kéo xuống trung tâm thủ đô Tbilisi để trút phẫn nộ vào cái mà họ gọi là "luật Nga". Trước đó, RIA Novosti ghi nhận, cờ Nga đã bị những người quá khích đốt và xé.

50.000 người phẫn nộ với Nga và "luật Nga"

Hãng thông tấn AFP đưa tin, khoảng 50.000 người biểu tình đã tuần hành qua trung tâm thủ đô Tbilisi tối ngày 11/5 nhằm chống lại một dự luật gây tranh cãi mà họ gọi là "luật Nga", đồng thời phản đối chính phủ tìm cách xích lại gần Moscow.

Trước đó, trong tháng 4, Đảng cầm quyền tại Gruzia đã tái giới thiệu kế hoạch thông qua đạo luật mới, gọi là "đặc vụ nước ngoài", trong đó yêu cầu các cá nhân và tổ chức nhận trên 20% tài trợ nước ngoài phải đăng ký là các tổ chức "đại diện cho lợi ích của nước ngoài".

Các tổ chức này sẽ bị giám sát bởi Bộ Tư pháp Gruzia và có thể bị buộc phải chia sẻ thông tin nhạy cảm - hoặc phải đối mặt với những khoản phạt lớn lên đến 25,000 lari Gruzia (khoảng 9,400 USD).

50.000 người biểu tình chống Nga, Gruzia hỗn loạn: Bất ngờ phát hiện

Khoảng 50.000 người đã tham gia biểu tình tại Tbilisi tối 11/5. Ảnh: AFP

Những người phản đối dự luật mới đã so sánh nó với một đạo luật tương tự có hiệu lực tại Nga từ năm 2012. Theo giới chức phương Tây, luật này vốn được Nga đặt ra nhằm "nhằm cô lập các tiếng nói thách thức Kremlin - bao gồm các nhân vật nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, các tổ chức truyền thông và các nhóm xã hội dân sự".

Bên cạnh đó, họ cho rằng Đảng Giấc mơ - Đảng cầm quyền tại Gruzia muốn thông qua dự luật mới để tìm cách đưa nước Cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ này đến gần Nga hơn.

AFP cho biết, cuộc tuần hành tối 11/5 là làn sóng mới nhất trong chuỗi một loạt các cuộc biểu tình chống lại dự luật mới tại Gruzia, diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze tuyên bố chính phủ sẽ thúc đẩy dự luật mới, bất chấp sự phản đối từ những người mà ông cho là "thế hệ trẻ bị dẫn dắt sai nên cảm thấy phẫn nộ đối với Nga".

Dưới cơn mưa như trút nước, những người biểu tình hô vang "Gruzia", "Nói không với luật Nga", đồng thời vẫy cờ Gruzia và cờ của Liên minh châu Âu (EU) trên quảng trường rộng lớn.

Trong cuộc biểu tình trước đó diễn ra hôm 1/5, hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) cho biết, nhiều người biểu tình đã tìm cách đốt và xé cờ Nga để thể hiện sự giận dữ.

50.000 người biểu tình chống Nga, Gruzia hỗn loạn: Bất ngờ phát hiện

Người biểu tình tại Tbilisi giương cao cờ EU. Ảnh: AP

Gruzia tuyên bố phát hiện "dấu vết Ukraine" trong cuộc biểu tình

Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn thông tin từ cơ quan tình báo Gruzia cho biết, họ phát hiện các đối tượng đứng ra tổ chức một loạt cuộc biểu tình ở thủ đô Tbilisi đã nhận tiền từ nước ngoài, dưới dạng tiền điện tử. Đám đông biểu tình cũng có dấu hiệu sử dụng các phương thức phá rối của "cách mạng màu".

Tình báo Gruzia cho rằng, mục tiêu của các đối tượng kích động biểu tình ở Tbilisi là "giành chính quyền bằng vũ lực".

Đáng nói, cơ quan này phát hiện một số hành động bạo loạn đang được chuẩn bị tại các cuộc biểu tình phản đối dự luật mới "với sự tham gia của các tình nguyện viên đến từ Ukraine, trong đó có cả các công dân Gruzia đang chiến đấu chống Nga tại Ukraine". Một số người biểu tình cũng vẫy cờ Ukraine, bên cạnh cờ Gruzia và EU trong các cuộc tuần hành.

Trong khi đó, Cơ quan An ninh Nhà nước Gruzia cho biết, các "huấn luyện viên nước ngoài" đang huấn luyện những người biểu tình thực hiện các hành động khiêu khích chống lại cảnh sát và tạo ra sự hỗn loại tại Gruzia. Họ phát hiện đám đông biểu tình có kế hoạch làm tê liệt các trung tâm giao thông và chặn các tòa nhà chính phủ.

Hiện Kiev chưa đưa ra bình luận về các cáo buộc của Gruzia.

50.000 người biểu tình chống Nga, Gruzia hỗn loạn: Bất ngờ phát hiện

Tình báo Gruzia phát hiện một số hành động bạo loạn đang được chuẩn bị tại các cuộc biểu tình phản đối dự luật mới "với sự tham gia từ các tình nguyện viên Ukraine". Ảnh: Reuters

Về phần minh, Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ mối liên hệ giữa dự luật "đặc vụ nước ngoài" của Gruzia với Nga.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh, dự luật về "đặc vụ nước ngoài" đang được thảo luận ở Gruzia "không thể liên quan tới Nga", bởi Mỹ "mới là quốc gia đầu tiên giám sát nội bộ chính trị của mình và đưa ra cách làm này".

Ông Peskov đồng thời cáo buộc, các cuộc biểu tình rầm rộ tại Gruzia nhằm chống lại dự luật mới "được thúc đẩy từ bên ngoài".

"Không chắc yếu tố thúc đẩy họ (những người biểu tình ở Gruzia) tìm cách sử dụng tiến trình chính trị nội bộ này như một công cụ để kích động tình cảm chống Nga đến từ bên trong nội bộ Gruzia, mà có thể đến từ bên ngoài" – Đại diện của Điện Kremlin lưu ý.

Hôm 3/5, đề cập tới các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Gruzia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lần nữa khẳng định: "Nga chưa bao giờ can thiệp và sẽ không can thiệp vào công việc của nước khác".

Người biểu tình phá cổng tòa nhà Quốc hội Gruzia hôm 1/5. Nguồn: TASS

Mỹ "báo động" trước diễn biến ở Gruzia

Theo AFP và Reuters, các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ tại Gruzia khiến Mỹ "báo động" và lo ngại sâu sắc. Washington cho biết, giới chức Gruzia phải đưa ra lựa chọn: Hoặc một đạo luật mang "phong cách Điện Kremlin", hoặc nguyện vọng châu Âu - Đại Tây Dương của người dân Gruzia.

50.000 người biểu tình chống Nga, Gruzia hỗn loạn: Bất ngờ phát hiện

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi vô cùng lo ngại về sự thụt lùi dân chủ ở Gruzia. Các nghị sĩ Gruzia phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: Nên ủng hộ nguyện vọng châu Âu - Đại Tây Dương của người dân Gruzia, hay thông qua luật 'đặc vụ nước ngoài' mang phong cách Điện Kremlin, đi ngược lại với các giá trị dân chủ. Chúng tôi sát cánh cùng người dân Gruzia" - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan viết trên mạng xã hội X.

EU và Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng đã lên tiếng phản đối dự luật mới của Gruzia. Cao ủy Liên LHQ về nhân quyền, ông Volker Turk đã bày tỏ lo ngại về hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người biểu tình.

Trong khi đó, EU - tổ chức đã cấp tư cách ứng viên cho Gruzia vào tháng 12 năm ngoái - cảnh báo, nếu được thông qua, dự luật mới có thể sẽ gây trở ngại nghiêm trọng cho việc Gruzia hội nhập EU.

Theo AFP, Gruzia trong nhiều năm qua đã tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ với phương Tây, nhưng Đảng Giấc mơ cầm quyền của nước này lại đang tìm cách xích tới gần Nga hơn. Chủ tịch danh dự của Đảng Giấc mơ - ông Bidzina Ivanishvili - được cho là đã đồng thời nuôi dưỡng mối quan hệ với Moscow khi đưa ra lời hứa hẹn về "một tương lai bên trong EU".

Tháng trước, trong một bài phát biểu hiếm hoi, ông Ivanishvili đã đả kích các tổ chức phi chính phủ, gọi họ là "giới tinh hoa giả tạo được nuôi dưỡng bởi một quốc gia nước ngoài" và đổ lỗi cho các quốc gia phương Tây, thay vì Nga, về những gì diễn ra tại Gruzia năm 2008, cũng như ở Ukraine từ năm 2022.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại