Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao hoặc HIMARS
Ukraine đã nhận được hàng chục hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) từ Mỹ. Hệ thống này được cho là đóng vai trò quan trọng trong khả năng phòng thủ và tấn công của Ukraine.
Hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất là một bệ phóng tên lửa tiên tiến được gắn trên một chiếc xe tải và có thể bắn 6 tên lửa dẫn đường bằng GPS có tầm bắn lên tới 80 km. Hệ thống này cho phép Ukraine nhắm vào các mục tiêu ở phía sau tiền tuyến Nga.
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao hoặc HIMARS. Ảnh: US Army
Ben Caves, nhà nghiên cứu cấp cao tại RAND Corporation, cho biết, vì bệ phóng tên lửa HIMARS được cố định ở phía sau xe tải nên hệ thống này linh hoạt và có thể thích ứng với việc thay đổi chiến thuật chiến đấu.
“Một đặc điểm quan trọng của HIMARS là chúng có thể di chuyển rất nhanh nên Nga sẽ khó xác định được chúng đang ở đâu, vì vậy điều đó rất hữu ích cho Ukraine. Hệ thống này đã làm tổn hại đến tuyến hậu cần của Nga. Điều này khiến Nga phải đưa mọi thứ về phía sau chiến tuyến”, ông Caves nói.
Vũ khí này đặc biệt hữu ích đối với các lực lượng Ukraine vào tháng 11/2022 khi họ đẩy lùi thành công lực lượng Nga khỏi thành phố Kherson.
Tổng thống Zelensky từng nói rằng hệ thống HIAMRS rất quan trọng đối với nỗ lực chiến đấu của Ukraine. “HIMARS và các loại vũ khí chính xác cao khác đang xoay chuyển cục diện cuộc xung đột theo hướng có lợi cho chúng ta”.
Hệ thống phòng không Patriot
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot vào tháng 4/2023. Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng không tinh vi nhất trên thế giới. Hệ thống này có khả năng ngăn chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn trước khi chúng tiếp cận mục tiêu.
Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: US Army
Huseyn Aliyev, chuyên gia nghiên cứu xung đột Ukraine - Nga tại Đại học Glasgow, cho rằng hệ thống Patriot đã tăng cường khả năng phòng không của quân đội Ukraine, vốn trước đây không thể đánh chặn các tên lửa hiện đại của Nga.
“Patriot chỉ mới được bổ sung vào lực lượng quân đội Ukraine, nhưng hệ thống này đã có tác động đáng kể đến khả năng phòng không của Kiev, chẳng hạn như chống tên lửa đạn đạo, thứ mà trước đây họ không thể ngăn chặn được”, ông Aliyev nói.
Đầu năm nay, các quan chức Ukraine tuyên bố họ đã sử dụng hệ thống Patriot để bắn hạ một số tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga.
Tên lửa chống tăng Javelin
Tên lửa chống tăng Javelin có thể chỉ do một binh sĩ vận hành nhưng có hỏa lực đủ để nhắm mục tiêu cách xa tới 2,5km.
Mùa hè năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 5.000 tên lửa Javelin, một phần của gói viện trợ quân sự trị giá hơn 8 tỷ USD.
Một binh sĩ vác tên lửa Javelin trong cuộc tập trận gần Rivne, Ukraine. Ảnh: Reuters
Chuyên gia Caves nói với Insider rằng tên lửa Javelin đặc biệt hiệu quả trong việc đối phó với thiết giáp của Nga.
Ukraine cũng đang sở hữu vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW), có thể tạo ra mối đe dọa không hề nhỏ đối với lực lượng tăng thiết giáp, kể cả xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại của bất kỳ quốc gia nào. Ông Caves cho biết, NLAW khá hữu ích với quân đội Ukraine vì kích thước nhỏ hơn và không mất nhiều thời gian đào tạo binh sĩ sử dụng.
Tên lửa Storm Shadow
Tên lửa hành trình Storm Shadow được mô tả là vũ khí thay đổi tình hình cho cuộc phản công của Ukraine, nhờ khả năng vượt qua nhiều hệ thống phòng không tân tiến của Nga, nhắm mục tiêu chính xác và có tầm bắn khoảng 250km.
Các tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp gần đây được thiết kế bay thấp sau khi phóng để tránh bị phát hiện và có hệ thống tìm kiếm mục tiêu hồng ngoại cho phép chúng nhận ra các mục tiêu đã lên kế hoạch để tấn công chính xác.
Tên lửa Storm Shadow. Ảnh: AFP
Marina Miron, một nhà nghiên cứu quốc phòng tại Đại học King's College London, cho rằng tên lửa Storm Shadow “hoạt động như một nhân tố chủ chốt của các lực lượng Ukraine”.
“Đây là những tên lửa tầm xa nhất mà Ukraine có thể bắn từ máy bay chiến đấu Liên Xô, để tấn công các mục tiêu ở xa phía sau chiến tuyến của đối phương như trung tâm chỉ huy, điểm hậu cần, kho đạn dược và các mục tiêu quan trọng khác. Điều này có thể làm gián đoạn các hoạt động chiến đấu của lực lượng Nga. Dù Ukraine không sở hữu số lượng lớn tên lửa này, nhưng chúng vẫn rất quan trọng đối với khả năng tấn công và tiêu diệt các mục tiêu mà không gặp rủi ro lớn”, bà Miron nói.
Xe chiến đấu bộ binh Bradley
Ukraine đã nhận được một lô xe chiến đấu bọc thép lớn từ châu Âu và Mỹ vào đầu năm nay. Xe tăng chiến đấu bộ binh M2 Bradley do Mỹ cung cấp đã được chứng minh là giúp Ukraine đạt được bước tiến trên chiến trường.
“Xe chiến đấu Bradley rất quan trọng vì chúng giúp Ukraine di chuyển bộ binh ra tiền tuyến. Chúng không chỉ bảo vệ binh sĩ mà còn tạo sự linh hoạt để họ có thể thích nghi trên chiến trường”, chuyên gia quân sự Alivey cho hay.
Xe chiến đấu bọc thép M2 Bradley của Mỹ. Ảnh: Lục quân Mỹ
Một chiếc xe bọc thép như Bradley có thể kết hợp với hỏa lực hạng nặng và khả năng vận chuyển tới 15 binh sĩ.
“Mục đích của Bradley thực ra không phải để chống lại xe tăng trên chiến trường, mà để di chuyển và bảo vệ lực lượng bộ binh. Đôi khi điều nguy hiểm nhất đối với quân đội là quá trình tiến ra tiền tuyến”, ông Alivey nói.
Hiện vẫn chưa rõ cuộc phản công của Ukraine sẽ tiến triển như thế nào và phương Tây sẽ cung cấp thêm cho Kiev những vũ khí nào trong tương lai. Theo Business Insider, thời gian sẽ là yếu tố chứng minh vũ khí phương Tây gửi cho Ukraine đạt hiệu quả ra sao trên chiến trường.