Trong gần 30 năm qua, Trung Quốc đã rót những khoản tiền khổng lồ vào công tác nghiên cứu và phát triển vũ khí. Lệnh cấm vận áp đặt lên quốc gia này sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 đã làm tê liệt các hoạt động chuyển giao công nghệ và Trung Quốc bỗng chốc phải tự đi trên chính đôi chân của mình.
Bắc Kinh đã đạt được nhiều bước tiến lớn kể từ sau đó, như chế tạo tên lửa tầm xa, phát triển ngành hàng không quân sự và sản xuất tàu hải quân với số lượng lớn, trang bị các loại vũ khí và thiết bị điện tử nội địa.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Kyle Mizokami, vẫn còn rất nhiều lỗ hổng trong các hệ thống vũ khí của Trung Quốc. Ở một số chủng loại, Quân đội Trung Quốc (PLA) vẫn chỉ có thể... liếc nhìn kho vũ khí của Lầu Năm Góc và khao khát mà thôi.
Khoảng cách giữa 2 quốc gia đang tiếp tục được thu hẹp. Song, từ nay cho tới lúc đuổi kịp được Washington, PLA vẫn sẽ phải ước ao có được 5 hệ thống vũ khí dưới đây của Mỹ.
1. Tiêm kích tàng hình F-22
Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu tầm xa thế hệ 5 mang tên Thành Đô J-20. Song, có vẻ máy bay mới của họ không thể "cùng đẳng cấp" với F-22 Raptor của Mỹ.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc có trong tay những chiếc Raptor?
Khả năng tàng hình và độ cơ động cao sẽ khiến F-22 trở nên vô cùng hiệu quả trong vai trò máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không tại khu vực có nhiều lực lượng không quân đối địch.
Đối với Trung Quốc, chiến đấu cơ F-15J của Nhật Bản hay tiêm kích tàng hình FGFA (do Nga-Ấn hợp tác chế tạo) đều là các đối thủ tiềm năng.
Phạm vi hoạt động tương đối xa của F-22 cho phép nó thay đổi vị trí triển khai một cách nhanh chóng, như di chuyển từ biên giới Trung Quốc giáp với Ấn Độ sang Hoa Đông.
Xem tiêm kích F-22 thao diễn tuyệt đẹp
2. Tiêm kích tàng hình F-35
Trung Quốc đang chuẩn hóa chiến đấu cơ đa nhiệm Thành Đô J-10 để phổ cập trang bị cho lực lượng máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, trong năm 2016, J-10 đã bị xếp ở chiếu dưới khi so sánh với các đối thủ khác trong khu vực, đặc biệt là với tiêm kích F-16 Đài Loan (trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động) và F-15J nâng cấp của Nhật Bản.
Trước máy bay thế hệ 4 còn lép vế như vậy thì có thể chắc chắn rằng phi đội J-10 của Trung Quốc sẽ thất bại nặng nề nếu đối đầu với những tiêm kích thế hệ 5 cùng chia sẻ cảm biến dữ liệu và kết hợp tấn công thông qua mạng lưới kết nối của chúng.
Giải pháp dành cho Bắc Kinh là gì? Chính là F-35 - mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 hạng trung duy nhất được sản xuất hiện nay.
F-35 sẽ là sự đầu tư khôn ngoan và có lợi đối với Trung Quốc bởi mẫu máy bay này còn duy trì tính cạnh tranh trong ít nhất 20 năm nữa.
3. Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Wasp
Dù nỗ lực xây dựng khả năng đổ bộ để phục vụ kế hoạch dùng vũ lực với Đài Loan nhưng Trung Quốc vẫn khá yếu kém ở khía cạnh này.
Hải quân Trung Quốc đã tìm cách cải thiện tình hình bằng cách chế tạo tàu đổ bộ Type 071, các loại tàu dock và tàu hậu cần di động.
Tuy nhiên, thứ Trung Quốc thực sự cần là tàu đổ bộ lớp Wasp của Mỹ. Mặc dù tàu Type 071 có sàn đáp nhưng nó chỉ có thể tiếp nhận cùng lúc 2 trực thăng.
Trong khi đó, sàn đáp trên các tàu lớp Wasp rộng ngang Type 071 nhưng lại có chiều dài lớn hơn hẳn, chúng sẽ cho phép PLAN tăng gấp 4 lần khả năng tiếp nhận trực thăng.
AV-8B Harrier, MV-22 Osprey hạ cánh xuống tàu đổ bộ USS Bataan (lớp Wasp).
Ngoài ra, các tàu lớp Wasp còn có thể chở theo nhiều lính thủy đánh bộ và nhiều xe bọc thép hơn so với Type 071.
Các tàu lớp Wasp sẽ tăng cường đáng kể khả năng triển khai sức mạnh của quân đội Trung Quốc, cả gần bờ và xa bờ, nhằm đối phó với những đối thủ tiềm tàng trong khu vực ở khoảng cách lớn chưa từng có.
4. Máy bay V-22 Osprey
Mặc dù giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng nhưng ngành công nghiệp trực thăng quân sự Trung Quốc tiến triển khá chậm chạp.
Mẫu trực thăng hạng trung của nước này vẫn chỉ có Z-8, một phiên bản sao chép trực thăng Super Frelon của Pháp (thiết kế từ những năm 1960).
V-22 Osprey, với thiết kế cánh xoay, sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng vận chuyển và khả năng phản ứng nhanh của quân đội Trung Quốc trước các mối đe dọa.
Nó có thể đưa lính thủy đánh bộ Trung Quốc tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (tranh chấp với Nhật Bản) một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, đây cũng là phương tiện hữu dụng để hỗ trợ công tác cứu hộ, đối phó với động đất hoặc các thảm họa thiên nhiên khác.
5. Tàu ngầm tấn công lớp Virginia
Nếu Trung Quốc muốn "đuổi" Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương, nước này cần tới tàu ngầm hạt nhân.
Một hạm đội gồm các tàu ngầm hạt nhân tầm xa sẽ mở rộng khu vực tranh chấp ở Tây Thái Bình Dương, không chỉ mang lại mối đe dọa đáng kể cho Mỹ và Đài Loan mà còn cả Nhật Bản và các quốc gia khác.
Giới thiệu tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Mỹ
Thật không may cho Bắc Kinh, các tàu ngầm hạt nhân của nước này đều thua kém so với các thiết kế khác trên thế giới.
Giải pháp cho Trung Quốc là gì? Đó là các tàu ngầm tấn công lớp Virginia.
Một hạm đội gồm các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia sẽ cho phép nước này âm thầm tuần tra Chuỗi đảo thứ 2 và thậm chí xa hơn nữa.
Ngoài ra, nó sẽ buộc Hải quân Mỹ phải tái đầu tư khôi phục năng lực tác chiến chống ngầm đã suy yếu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Kyle Mizokami.