5 vũ khí "át chủ bài" của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản

Phong Vũ |

Những năm gần đây, sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc khiến cho Nhật Bản xem xét lại vai trò của Lực lượng phòng vệ biển của mình.

Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, trước đây là Hải quân Hoàng gia, là lực lượng quân sự hiện đại đầu tiên của đất nước Mặt Trời mọc. Trong những năm gần đây, lực lượng này đang được phát triển nhanh, tăng tốc quá trình vũ trang hiện đại.

Năm 1954, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) chính thức được thành lập, đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm trong Thế chiến II. Dưới ô an ninh của Mỹ, MSDF không có nhiều không gian hoạt động và phát triển.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường biển, MSDF được hướng vào nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải, chống tàu ngầm và rà phá mìn.

Những năm gần đây, sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc khiến cho Nhật Bản xem xét lại vai trò của Lực lượng phòng vệ biển của mình. MSDF được yêu cầu thay đổi, phát triển mạnh mẽ và có khả năng tác chiến trên quy mô lớn hơn.

Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản hiện nay có đủ khả năng đối đầu với Hải quân Trung Quốc, đồng thời có thể hỗ trợ các nước đồng minh, bảo vệ lợi ích của Tokyo trong khu vực.

Dưới đây là 5 loại vũ khí nguy hiểm nhất, là xương sống của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.

Tàu chiến Hayabusa

5 vũ khí át chủ bài của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản - Ảnh 1.

Tàu chiến lớp Hayabusa của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. (Ảnh: Wikipedia)

Kích thước nhỏ và sự nhanh nhẹn trong tác chiến cho phép tàu chiến lớp Hayabusa dễ dàng ẩn nấp trong chuỗi đảo và bờ biển Nhật Bản. Sau đó, Hayabusa sẽ bất ngờ tấn công bằng tên lửa vào các tàu khu trục lớn hơn của đối phương.

Tàu chiến Hayabusa đã thể hiện uy lực và lợi thế giao tranh trên biển tại khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư chống lại Hải quân Trung Quốc, hay ở vùng biển phía Nam Kurils đối đầu với Hải quân Nga.

Ba tuabin khí GM500 giúp tàu chiến Hayabusas đạt tốc độ tối đa 46 hải lý (khoảng 85 km/h). Thay vì sử dụng cánh quạt thông thường, tàu chiến cỡ nhỏ này được trang bị 3 động cơ đẩy phản lực, giúp tăng khả năng điều khiển, cải thiện hiệu suất ở vùng nước nông, với tầm sóng sonar thấp.

Tàu chiến lớp Hayabusa chứa đầy vũ khí tấn công. Trên tháp pháo tàng hình được bố trí khẩu súng OTO Melara 76mm. Đây là loại pháo hạm phổ biến trong hải quân phương Tây và có khả năng tiêu diệt hầu hết các mục tiêu mặt nước.

Tàu Hayabusa mang theo 4 tên lửa chống hạm SSM-1B, cùng loại trang bị trên chiến hạm lớp Atago. Ngoài ra, tàu chiến này còn được trang bị một cặp súng máy cỡ nòng 50 mm.

Nhược điểm chính của tàu Hayabusa là thiếu vũ khí phòng thủ. Các hệ thống phòng thủ chính chỉ gồm một cặp rocket Mark 36. Súng 76 mm được sử dụng để chống lại máy bay và tên lửa, nhưng không phù hợp với nhiệm vụ phòng thủ.

Chiến hạm lớp Atago

5 vũ khí át chủ bài của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản - Ảnh 2.

Chiến hạm JS Atago (DDG-177) tại cảng Tenpouzan. (Ảnh: Wikipedia)

Đây là một trong nhưng chiến hạm có khả năng chiến đấu tốt nhất thế giới. Được phát triển theo mô phỏng của tàu khu trục Mỹ IIA Arleigh Burke, chiến hạm lớp Atago có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không, trên mặt nước và chống ngầm hiệu quả.

Phần quan trọng nhất của lớp Atago là sự kết hợp giữa hệ thống radar SPY-1D Aegis với tên lửa đất đối không SM-2. Hệ thống chiến đấu Aegis có khả năng phát hiện các mối đe dọa trên không ở khoảng cách 160 km. Hệ thống này cũng có thể phát hiện tên lửa hành trình chống hạm ở trên cao và đối phó với các cuộc tấn công liên tục.

Không giống như tàu khu trục lớp Kongo trước đây, chiến hạm Atago thiếu khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo. Khi Trung Quốc và Triều Tiên đều có tên lửa đạn đạo, Nhật Bản quyết định nâng cấp khả năng chống tên lửa đạn đạo cho lớp Atago. Ngày 27/5, Nhật Bản giao cho công ty Lockheed Martin hợp đồng nâng cấp chiến hạm lớp Atago và Ashigara, với tổng giá trị vào khoảng 124 triệu USD.

Tàu chiến lớp Atago được trang bị một khẩu súng Mark 45, loại thường được sử dụng trên các tàu mặt nước của Mỹ. Súng có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên mặt đất, hỗ trợ hỏa lực trên biển và tấn công máy bay hoặc tên lửa dẫn đường. Ngoài ra, tàu chiến lớp Atago cũng sử dụng 2 hệ thống vũ khí sát thương Phalanx CIWS.

Chiến hạm Atago có khả năng săn lùng và tiêu diệt tàu ngầm đối phương, bằng hệ thống tác chiến dưới biển AN/ SQQ-89. Hệ thống này được gắn trên thân tàu, kết hợp hệ thống sonar chủ động/thụ động, thực hiện đòn tấn công bằng ngư lôi ASROC.

Giống như các tàu chiến mặt nước của Mỹ, khu trục hạm Atago cũng được trang bị 2 giá treo ngư lôi chống ngầm, loại tấn công tầm ngắn với 3 nòng dài 324 mm. Atago còn được trang bị 8 tên lửa chống hạm SSM-1B, tấn công mục tiêu ở cự li 180 km.

Tàu đổ bộ lớp Osumi

5 vũ khí át chủ bài của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản - Ảnh 3.

Tàu đổ bộ lớp Osumi của Lực lượng phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. (Ảnh: Japan Maritime Self-Defense Force)

Những tàu đổ bộ lớp Osumi thuộc biên chế hạm đội vận tải chuyên dụng của Nhật Bản. Lớp tàu đổ bộ này giống như các tàu sân bay cỡ nhỏ, với sàn đáp dài 130 m. Tuy vậy, chúng không có nhà chứa máy bay hay cơ sở hỗ trợ hàng không nào.

Sự hiện diện của tàu đổ bộ Osumi trong MSDF tạo ra sự tò mò, bởi vì theo hiến pháp Nhật Bản, nước này không được phép sử dụng lực lượng để tấn công quân sự. Tuy vậy, Nhật bản có rất hàng trăm đảo nhỏ, tàu đổ bộ lớp Osumi rất hữu ích cho việc vận chuyển xe tăng và các phương tiện bọc thép khác trong lãnh thổ Nhật Bản.

Tàu đổ bộ lớp Osumi có thể chở 1400 tấn hàng hóa, 14 xe tăng chiến đấu Type 90, hoặc vận chuyển trên 1 nghìn binh lính. Hai trực thăng CH-47J Chinook để hạ cánh trên mặt sàn của tàu đổ bộ hiện đại này.

Vũ khí cho tàu Osumi chỉ bao gồm 2 hệ thống vũ khí Phalanx. Tàu được thiết kế một boong rộng, khoang ngập nước ở phía sau có thể chứa 2 tàu lượn LCAC do Mỹ thiết kế. Ngoài ra, Osumi còn được trang bị các tàu đổ bộ truyền thống và các xe tấn công đổ bộ.

Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo

5 vũ khí át chủ bài của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản - Ảnh 4.

Tàu sân bay trực thăng JS Izumo (DDH-183) . (Ảnh: Wikipedia)

Đây là một trong những tàu chiến lớn nhất của Hải quân Nhật Bản thời hậu chiến. Khu trục hạm này có trọng lượng 27 nghìn tấn, chiều dài 240m. Izumo là tàu hộ tống hay tàu sân bay trực thăng, được chế tạo tại xưởng đóng tàu Marine United tại Yokohama.

Tàu sân bay Izumo có nhiều nét tương đồng với các hàng không mẫu hạm truyền thống. Mỗi chiếc Izumo có thể chứa 14 máy bay trực thăng.

Đặc biệt, vơi việc trang bị trực thăng chống ngầm SH-60, tàu khu trục Izumo có khả năng chống tàu ngầm trên một khu vực rộng. Ngoài ra, Izumo còn được trang bị 2 tàu phóng ngư lôi 3 nòng 324 mm.

Tàu sân bay Izumo cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động đổ bộ. Năm 2013, trong cuộc tập trận Dawn Blitz giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, tàu khu trục lớp Izumo đóng vai trò là căn cứ nổi cho trực thăng vận tải CH-47J Chinook và trực thăng tấn công AH-64J Apache.

Năm 2011, Nhật Bản đặt mua 42 máy bay chiến đấu F-35A của Hoa Kỳ. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhật Bản có thể đặt mua một số F-35B có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng phục vụ trên tàu sân bay lớp Izumo.

Tàu ngầm lớp Soryu

5 vũ khí át chủ bài của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản - Ảnh 6.

Tàu ngầm lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. (Ảnh: Japan Maritime Self Defense Force)

Các tàu ngầm lớp Soryu là loại tàu ngầm tấn công phi hạt nhân tiên tiến nhất trên thế giới. Hệ thống động cơ độc lập Stirling của Thụy Điển, cho phép tàu ngầm Soryu hoạt động dưới nước lâu hơn các tàu ngầm diesel-điện khác. Với trọng lượng 4100 tấn, Soryu là tàu ngầm lớn nhất sau chiến tranh của Nhật Bản.

Vũ khí chính của tàu ngầm lớp Soryu bao gồm 6 ống phóng ngư lôi, với 20 ngư lôi dẫn đường Type 89 và các tên lửa Sub-Harpoon do Mỹ sản xuất.

Khi Nhật Bản phát triển xong loại tên lửa hành trình thông thường, các hệ thống tên lửa hành trình này có thể được trang bị trên tàu ngầm lớp Soryu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại