1. Sao Mộc sáng át "trăng hồng"
Trăng tháng tư là mặt trăng có rất nhiều tên gọi: trăng hồng – do vào mùa hoa dã quỳ hồng ở Bắc Mỹ, trăng trứng – do vào mùa đẻ trứng của nhiều động vật, trăng cá – do xuất hiện khi nhiều loại cá bắt đầu bơi ngược dòng.
Sao Mộc (Jupiter) sẽ tỏa sáng bên cạnh "trăng hồng" tháng tư - ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Năm nay, vào ngày 23-4, khi trăng hồng bắt đầu mờ ảo, nó sẽ có một bạn đồng hành gần như nằm sát bên cạnh, có thể tỏa sáng át cả mặt trăng – đó là Sao Mộc.
Do Sao Mộc là hành tinh cực lớn và đang ở khoảng cách gần so với trái đất, người yêu thiên văn có thể quan sát bằng mắt thường: nó sẽ là hành tinh rất sáng tỏa ánh sáng hơi vàng, đường kính trông có vẻ như bằng một nửa mặt trăng.
2. Mưa sao băng Eta Aquarid
Năm nay, 2 mưa sao băng nổi tiếng Perseid và Geminid sẽ bị mặt trăng làm lu mờ. Tuy nhiên, Eta Aquarid lại may mắn đạt cao điểm trong giai đoạn trăng non, bầu trời hầu như tăm tối nên nghiễm nhiên trở thành mưa sao băng đẹp nhất năm.
Mưa sao băng Eta Aquarid - ảnh: Space
Cách xác định mưa sao băng - ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Vào đêm cực đại – tối ngày 6, rạng sáng 7-5 theo giờ Việt Nam, Eta Aquarid sẽ tung xuống trái đất khoảng 30 ngôi sao băng mỗi giờ. Muốn quan sát, bạn hãy ngước nhìn lên bầu trời tìm chòm sao Aquarius – vị nam thần cầm bình nước đổ xuống nhân gian. Mưa sao băng tung ra từ chính chiếc bình trên tay phải vị thần.
3. Trăng máu đánh dấu huyền thoại chinh phục mặt trăng
Nguyệt thực bán phần hay còn gọi là "trăng máu" sẽ diễn ra vào đêm 16-7 theo giờ quốc tế và là đêm 17-7 theo giờ Việt Nam.
Hiện tượng thiên văn kỳ thú này dường như nhắc nhở con người về cuộc chinh phục mặt trăng bởi ngày 16-7 của 50 năm trước (1969) cũng là ngày phi thuyền Appollo 11 của NASA khởi hành từ trái đất, để rồi vài ngày sau đó phi hành gia Neil Amstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.
Trăng máu mọc trên điện Parthenon - ảnh: SFGate
Tại Việt Nam, nguyệt thực bán phần đạt cực điểm vào lúc 4 giờ 30 phút sáng 17-7.
4. Nhật thực bán phần
Vào trưa 26-12, người yêu thiên văn từ Việt Nam sẽ có dịp chiêm ngưỡng cảnh mặt trăng "ăn" mặt trời với điểm cực đỉnh vào 12 giờ 31 phút. Chỉ có một số đất nước trên thế giới có dịp chiêm ngưỡng nhật thực này, ví dụ như Ả Rập Saudi, Oman, nam Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore… và cả Việt Nam.
Nhật thực bán phần - ảnh: Phys.org
Để quan sát nhật thực, bạn cần một loại kính chuyên dụng bởi dù bị mặt trăng che khuất một phần, việc nhìn trực tiếp vào ánh sáng giữa trưa của mặt trời vẫn có thể hủy hoại đôi mắt bạn.
5. Sao Kim to lớn và rực sáng cạnh "trăng lạnh" lưỡi liềm
Ngôi sao sáng nhất bầu trời, được con người đặt tên là Sao Hôm, Sao Mai hay chính xác nhất là Sao Kim, sẽ có màn trình diễn đẹp mắt bên cạnh trăng lưỡi liềm vào đêm 28-12.
Sự kiện sẽ diễn ra lúc hoàng hôn, khi Sao Kim đang khoác chiếc áo Sao Hôm. Do Sao Kim đủ gần trái đất và có ánh sáng rất mạnh nên bạn vẫn có thể thấy nó từ những khu vực có mây mù ô nhiễm.
Sao Hôm (Venus) sẽ song hành cùng trăng lưỡi liềm lúc hoàng hôn - ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Trăng tháng 12 còn có biệt danh là "trăng lạnh" - Cold Moon - bởi nó mọc lên trong mùa lạnh lẽo nhất năm.
Trong năm 2019, thế giới cũng đón 1 lần nguyệt thực, 2 lần nhật thực khác và 1 lần Sao Thủy chạy ngang mặt trời nhưng rất tiếc tại Việt Nam không thể thấy các hiện tượng này.
(Theo National Geographic, Space, NASA)