Từ năm 1952 đến 1969, Không quân Mỹ đã thực hiện một loạt nghiên cứu bí mật về UFO có tên Project Blue Book.
Project Blue Book được các nhà làm phim xây dựng.
Project Blue Book thực hiện 2 mục tiêu chính, bao gồm: (1) Xác định UFO có phải là mối đe dọa đến an ninh quốc gia hay không; (2) Phân tích dữ liệu một cách khoa học liên quan đến UFO.
Sau17 năm hoạt động, hơn 12 nghìn báo cáo về UFO đã được thu thập, phân tích. Theo kết quả của Condon Report (viết năm 1968, do nhà vật lý Edward Condon đứng đầu nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Colorado thực hiện), và đánh giá báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ thì không có điều gì bất thường về UFO, do đó, Dự án Blue Book đã bị chấm dứt vào tháng 12/1969.
Đó là những thông tin mà công chúng dễ dàng có được từ chính phủ Mỹ. Vậy đâu là những điều chưa tiết lộ xoay quanh dự án bí mật này, bởi UFO và người ngoài hành tinh là lĩnh vực Mỹ rất quan tâm và quan tâm một cách rất đặc biệt!
1. Dự án Blue Book không phải là nghiên cứu đầu tiên về UFO của chính phủ Mỹ
Năm 1947, một phi công tư nhân tên là Kenneth Arnold đã phát hiện ra 9 UFO phát sáng kỳ lạ trên đỉnh ngọn núi lửa Rainier cao hơn 4.300m, thuộc dãy Cascade, bang Washington, Mỹ.
Công chúng Mỹ khi đó “phát cuồng” về cái gọi là đĩa bay của người ngoài hành tinh. Chính phủ Mỹ cũng nhanh tay lên kế hoạch điều tra vụ việc liên quan đến UFO này.
Một năm sau, năm 1948, Dự án SIGN đã công bố một tài liệu có tên “Estimate of the Situation” ám chỉ rằng người ngoài hành tình là lời giải thích thỏa đáng nhất cho việc UFO xuất hiện trên đỉnh núi cao nhất dãy Cascade.
Không muốn làm hoang mang dư luận, Không quân Mỹ đã thu hồi và phá hủy tài liệu này, cùng với đó triển khai một cuộc điều tra mang tên Project GRUDGE vào cuối thập niên 1940 để làm rõ trắng đen. Vài năm sau đó, Project Blue Book ra đời.
2. Cái tên Project Blue Book ra đời dựa theo tên của một bài kiểm tra ở đại học
UFO (Vật thể bay không xác định) có phải là phương tiện di chuyển siêu nhanh, siêu mạnh của người ngoài hành tinh hay không là một điều gây tranh cãi cho đến tận ngày nay. Điều không thể phủ nhận là, trong những năm 1950, dân Mỹ thường xuyên phát hiện (hoặc nghĩ rằng họ phát hiện ra) các vật thể bay kỳ lạ trên bầu trời Mỹ.
Không quân Mỹ hiển nhiên phải nhận trách nhiệm giải mã xem chúng là gì và liệu chúng có gây nguy hiểm gì đến con người và an ninh quốc gia hay không.
Và cái tên “Blue Book” ra đời trong bối cảnh đó, theo lý giải của các quan chức Không quân Mỹ là, việc nghiên cứu UFO lúc đó tương tự như việc họ phải chuẩn bị cho một kỳ thi cam go cuối cùng của đại học vậy.
Hàng chục nghìn báo cáo đã được thu thập, rất nhiều trong số đó không được giải thích
Vào thời điểm Project Blue Book chính thức dừng hoạt động vào tháng 12/1969, các quan chức Không quân Mỹ đã nhận được tổng 12.618 báo cáo khác nhau về UFO. 701 báo cáo trong số đó không bao giờ được giải thích!
Số còn lại, các nhà khoa học làm việc cho Không quân Mỹ cho rằng chúng là sao băng, bóng thám không, hoặc đơn giản là bằng chứng giả mà người đời cố tạo ra.
3. Project Blue Book chứng kiến 5 lần “đổi chủ”
Trong tổng 17 năm hoạt động, dự án Project Blue Book có 5 đời lãnh đạo. Mỗi người lại có mục đích nghiên cứu khác nhau. Ví dụ, người đứng đầu dự án đầu tiên là Edward J. Ruppelt lại xem Blue Book là một nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Ông được nhắc đến là lãnh đạo công tâm nhất của dự án.
Năm 1963, người tiếp quản dự án tiếp theo là Thiếu tá Không quân Hector Quintanilla lại chú trọng vào việc “dập tắt” cơn cuồng UFO và người ngoài hành tinh của công chúng Mỹ. Cuối cùng là nhằm che đậy những bí mật quốc gia liên quan đến UFO.
4. Project Blue Book từng phạm sai lầm khoa học tồi tệ đến mức đích thân Quốc hội Mỹ phải can thiệp
Năm 1965, cảnh sát bang Oklahoma, Căn cứ Không quân Tinker ở Oklahoma và một nhà khí tượng học cùng bang đã sử dụng radar thời tiết đã theo dõi độc lập 4 vật thể bay không giải thích được.
Theo chỉ thị của Thiếu tá Không quân Hector Quintanilla, Project Blue Book tuyên bố rằng những người này chỉ đơn giản là quan sát hành tinh Sao Mộc.
Lời giải thích này đã phạm phải lỗi của một kiến thức khoa học sơ đẳng, bởi, Sao Mộc làm sao có thể quan sát bằng radar thời tiết, thậm chí, nó ở khoảng cách quá xa đến ngươi ta nhìn thấy bằng mắt thường trên bầu trời đêm.
Kết quả, lãnh đạo của dự án Project Blue Book và những người liên quan đã phải tham gia phiên điều trần của Quốc hội.
5. Project Blue Book không được triển khai đúng nghĩa
Dự án Blue Book có một nhà tư vấn khoa học hết lòng với nghề đó là nhà thiên văn học, Tiến sĩ J. Allen Hynek . Năm 1968, Tiến sĩ Hynek đã viết: Những nhân viên tham gia chương trình nghiên cứu Blue Book, cả về số lượng và kiến thức khoa học, đều rất thiếu sót.
Giữa đội ngũ Project Blue Book và các nhà khoa học hầu như không có bất kỳ cuộc thảo luận mang tính khoa học, chuyên môn nào liên quan đến UFO. Tất cả những gì mà Thiếu tá Hector Quintanilla làm là giữ mức nghiên cứu của Blue Book về UFO ở mức cực kỳ thấp, nghĩa là: Bỏ qua mọi bằng chứng có ý phản bác lại triết lý của ông ta.
6. Năm 2007, chính phủ Mỹ mở cuộc điều tra mới về UFO
Từ năm 2007 đến 2012, chính phủ Mỹ đã “rót” 22 triệu USD cho một nghiên cứu mới về UFO có tên là Chương trình nhận dạng mối đe dọa hàng không tiên tiến (AATIP).
Chương trình được công bố lần đầu tiên vào ngày 16/12/2017. Hơn 30 nghiên cứu của chương trình này đã được công khai ra công chúng vào tháng 1/2019. Điều này cho thấy sự quan tâm của chính phủ Mỹ đối với UFO và người ngoài hành tinh.
Trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng chương trình AATIP đã kết thúc vào năm 2012, tuy nhiên, tình trạng (chấm dứt hay vẫn hoạt động) chính xác của chương trình vẫn chưa rõ ràng.
Nguồn: Mentalfloss - Ảnh minh họa: Internet