5 sai lầm khiến bố mẹ thất bại trong việc thiết lập giới hạn và dạy con hiệu quả

TÚ ANH NGUYỄN |

Làm sao để con nghe lời, cư xử đúng mực, có thể trở thành một bạn nhỏ hiểu chuyện mà bố mẹ không cần phải dùng đến đòn roi, vũ lực hay quát mắng thậm tệ?

Một trong những nguyên tắc quan trọng để phụ huynh có thể dạy con tích cực và uốn nắn hành vi của con hiệu quả, đó chính là thiết lập giới hạn và đảm bảo con hiểu được giới hạn của mọi tình huống cũng như hành vi của con.

Vấn đề phổ biến nhiều phụ huynh hay gặp phải là: Bố mẹ thường xuyên nói "Không", "Không được", nhưng con thường hay cố tình phớt lờ lời nói của bố mẹ, hoặc làm ngược lại những gì bố mẹ nói. 

Hậu quả là bố mẹ sẽ cảm thấy bất lực, bứt rứt trong lòng vì con mình sao lại khó bảo, lì lợm, và có vẻ muốn thách thức lời nói của bố mẹ như vậy?

Phải làm sao thì con mới chịu nghe lời và không thử thách lòng kiên nhẫn của bố mẹ nữa?

Sau đây là 5 sai lầm các gia đình thường mắc phải trong việc thiết lập giới hạn khi dạy con.

1. Không nhất quán

Một trong những lí do bố mẹ gặp thất bại trong việc thiết lập giới hạn dạy con đó là không nhất quán, người lớn trong nhà không đồng lòng và thống nhất với nhau. 

Ví dụ điển hình thường thấy là khi mẹ kiên quyết không đồng ý một "yêu sách" nào đó của con, nhưng sau 3-5 phút quấy khóc, thì bố hoặc ông bà lại mủi lòng, xót con thương cháu và chiều theo ý con, thì con sẽ không bao giờ học được về giới hạn.

Con sẽ xây dựng trong đầu suy nghĩ rằng: "Mình chỉ cần khóc lâu hơn một tí nữa thôi, sẽ có người trong nhà chiều theo ý muốn của mình ngay. 

Hôm nay khóc 3 phút bố sẽ chiều, ngày mai khóc 5 phút bà sẽ chiều". Và có thể tình huống còn tệ hơn nếu con nghĩ rằng: "Ai chiều mình thì người đó thương mình nhiều hơn."

Vì vậy, tất cả người lớn trong nhà phải đồng ý thống nhất với nhau về việc thiết lập giới hạn để có thể dạy con hiệu quả.

5 sai lầm khiến bố mẹ thất bại trong việc thiết lập giới hạn và dạy con hiệu quả - Ảnh 1.

2. Không rõ ràng

Bố mẹ thường hay có xu hướng nói Không và Từ chối con, ngăn cản con, nhưng không cho con định hướng làm gì tiếp theo, cũng không giải thích cho con biết lí do vì sao con không nên làm như vậy.

Chẳng hạn, khi thấy con định sờ vào chiếc bình hoa pha lê, người lớn thường lên giọng cảnh báo con: "Đừng có sờ vào làm vỡ của mẹ đấy!" – khi nghe câu nói này, con sẽ cảm thấy việc bình hoa có vỡ thì có liên quan gì đến con đâu.

Thay vào đó, nếu mẹ tiến đến gần, ngồi xuống ngang tầm con, giải thích rõ ràng: "Bình hoa này rất nặng, con ôm thử xem, nếu con sơ ý làm bình hoa rơi xuống đất vỡ, mảnh vỡ có thể cắt vào chân làm con đau và chảy máu, nên con đừng chơi quanh chỗ này nữa nhé!" – khi con hiểu rõ ràng và liên kết được sự việc có liên quan đến con như thế nào, con sẽ dễ hợp tác với yêu cầu của bố mẹ hơn.

3. Không hợp lý

Trẻ con luôn cần có việc gì đó để làm, để tìm tòi và khám phá – bởi vì con học qua việc chơi. Tuy nhiên, hầu như tất cả những hành động của con qua lăng kính của bố mẹ có thể trở thành "nghịch ngợm". 

Nếu bố mẹ không muốn con nghịch ngợm, chỉ muốn con ngồi yên một chỗ tập trung xem màn hình để không phiền đến người lớn thì chẳng khác nào hạn chế sự phát triển thể chất và trí não của con.

Vì vậy, bố mẹ cần hiểu các giai đoạn phát triển của con, tạo điều kiện cho con được chơi, được nghịch bẩn (nghịch cát, nghịch nước) bất cứ khi nào điều kiện cho phép. 

Con sẽ chỉ thôi mày mò và khám phá một món đồ khi con đã hoàn thiện được một kỹ năng nào đó liên quan.

Bố mẹ có thể giúp con tự tin hơn, hiểu rõ được cách vận hành của sự vật, sự việc bằng cách ở bên cạnh quan sát con, tạo cho con niềm tin rằng bố mẹ luôn ở đây, hỗ trợ đúng lúc khi con cần, tạo điều kiện giúp con tự phát huy khả năng của bản thân, trở thành người độc lập và có những kỹ năng đáng giá.

5 sai lầm khiến bố mẹ thất bại trong việc thiết lập giới hạn và dạy con hiệu quả - Ảnh 2.

Bố mẹ nên để con tìm tòi và khám phá.

4. Không tôn trọng

Một sai lầm khác thường gặp đó là bố mẹ có xu hướng áp đặt thái quá, với suy nghĩ là "Trẻ con thì biết gì đâu", và quên mất rằng người lớn cũng cần lắng nghe suy nghĩ và ý kiến của trẻ con.

Để việc thiết lập giới hạn hiệu quả hơn, đặc biệt là với trẻ lớn, bố mẹ hãy hỏi thăm và lắng nghe ý kiến của con, có sự trao đổi hai chiều để đạt được thỏa thuận chung mỗi khi ra một quy định mới. 

Nếu ý kiến của con hợp lý, bố mẹ hãy chấp thuận. Khi con thấy mình được lắng nghe, con sẽ hiểu rằng bố mẹ tôn trọng mình, và mình cũng nên tôn trọng bố mẹ.

Tuy nhiên, cần lưu ý, đừng biến cuộc trò chuyện thành cuộc thương lượng không hồi kết và cuối cùng bố mẹ phải nhượng bộ theo yêu cầu của con.

5. Không làm gương

Sai lầm cuối cùng bố mẹ thường mắc phải dẫn đến việc thiết lập giới hạn không hiệu quả chính là người lớn không làm gương cho con trẻ. Con trẻ học tất cả mọi thứ qua việc quan sát và bắt chước người lớn.

Cho dù bố mẹ có nói ngàn lần rằng: "Con nói nhỏ thôi không được to tiếng hét lên", nhưng lại thường xuyên quát con hay nói lớn tiếng với mọi người trong nhà, thì việc con không la hét nữa sẽ chẳng bao giờ xảy ra.

Hay bố mẹ yêu cầu con phải tập trung ăn uống, không xao nhãng lo ra, nhưng chính bố mẹ lại vừa ăn cơm vừa chơi điện thoại, thì con sẽ không thể có tác phong ăn uống lành mạnh đúng cách được.

Để thiết lập giới hạn và dạy con hiệu quả, theo cách tích cực nhất, bố mẹ hãy làm gương và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình trước đã, bố mẹ nhé!

Tú Anh Nguyễn là mẹ của hai bé gái. Năm 2020, chị trở thành một Parent Coach – Tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp với chứng chỉ từ Academy for Coaching Parents International (ACPI); đồng thời là Certified Positive Discipline Parent Educator – Chuyên viên đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực với chứng chỉ được cấp bởi tổ chức Positive Discipline Association.

Với mục tiêu không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực làm cha mẹ, chị đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học.

Với định hướng tự tin nuôi dạy con bằng sự tôn trọng và tình yêu thương, Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại