Cách đây không lâu, một blogger đưa tin nói rằng, lương năm sau thuế của một nhân viên cấp 18 tại Huawei rơi vào khoảng 600.000 đến 1.000.000 nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ đến 3,4 tỷ đồng).
Ở Huawei, dựa theo cấp bậc, với mức lương này, tỷ lệ không phải làm thêm giờ là không tồn tại.
Nhưng vị "cao nhân" này lại là một ngoại lệ, 8h tới công ty, 6h tan làm, mỗi ngày vẫn luôn có đủ thời gian để đưa đón con đi học.
Rảnh thì đọc sách, nếu không phải trong giờ hành chính, điện thoại công việc cũng không buồn tiếp.
Muốn nhân viên này "ra mặt", trưởng bộ phận còn phải đích thân đi mời.
Rất nhiều đồng nghiệp đều bàn tán nói anh ta kiêu ngạo, nhưng nhân viên này vẫn cứ việc mình mình làm, không sợ thiên hạ bàn tán.
Thì ra, mỗi lần bộ phận gặp vấn đề, nếu các chuyên gia khác hai ngày vẫn chưa giải quyết được vấn đề thì anh ấy chỉ cần nửa tiếng để giải quyết, có thể đưa ra phương án giải quyết triệt để trong vòng một ngày.
Anh ấy nói hoàn toàn không sợ mình bị đuổi việc, bởi lẽ hầu như ngày nào cũng có công ty săn đầu người tìm tới anh.
Anh ấy tiếp tục làm việc tại Huawei chỉ đơn giản bởi vì công ty gần trường con gái, hơn nữa, lương tại Huawei cũng cao.
Câu chuyện về vị "cao nhân" này khiến tôi ngộ ra được 5 quy tắc ngầm tại nơi làm việc.
01
Không có công lao, có vất vả tới đâu cũng không có giá trị
Các đây không lâu, khi trò chuyện với một người bạn làm nhân sự trong một nhà máy lớn, tôi hỏi cô ấy: "Cậu đánh giá cao nhất khía cạnh nào của nhân viên?"
Cô ấy đáp: "Chúng tớ không quá đánh giá cao những người chỉ biết chăm chỉ làm việc, những người như vậy chỉ có thể làm binh, không thể làm tướng".
Bên cạnh chúng ta, có lẽ có không ít người sáng sớm đi, tối muộn về, thậm chí có những hôm bận tới mức không kịp ăn cơm. Nhưng thế giới này sẽ không vì bạn ngủ ít đi 1 tiếng mà sẽ trả thêm cho bạn tiền lương trong 1 tiếng đó.
Nó sẽ chỉ thưởng cho những người tạo ra được nhiều giá trị thiết thực.
Năm 2006, Google thành lập chi nhánh tại Trung Quốc. Sau một thời gian, họ nhận thấy rằng năng suất của 3 hoặc 4 kỹ sư ở Bắc Kinh không thể bằng đầu ra của 1 kỹ sư ở trụ sở chính. Nhưng các kỹ sư ở Bắc Kinh vốn không hề nhàn rỗi, mọi người đều làm việc rất chăm chỉ.
Sau đó, người ta phát hiện ra được rằng đội kỹ sư Bắc Kinh thiếu kinh nghiệm làm việc và không nắm được những điểm mấu chốt của công việc.
Vì vậy, siêng năng chỉ là một bước đệm, điều quan trọng hơn, là biết dùng năng lực của mình đúng chỗ, đúng thời điểm. Điều bạn cần cải thiện là giá trị bạn tạo ra, chứ không phải chỉ biết cắm đầu vào làm việc chăm chỉ, cắm đầu vào tăng ca.
Bởi lẽ trong xã hội này, không có công lao, không tạo ra được thành tích, công sức của bạn là vô giá trị.
02
Một công ty tốt, có thể dựa vào, nhưng tuyệt đối không được phụ thuộc
Một MC từng nói ra những lời khá trần trụi như này: "Để một chú chó lên đài truyền hình Trung ương mỗi ngày, nó lập tức sẽ trở thành một chú chó nổi tiếng, nhưng cần phải biết rằng, không có sân khấu của đài truyền hình Trung ương, rất có thể chẳng bao lâu sau, nó sẽ quay trở về làm chó nhà".
Vì vậy, sự tự tin và năng lực mà bạn sở hữu khi rời xa một công ty nào đó, mới là bản lĩnh thực sự của bạn.
Khi còn là nhân viên tại New Oriental, lương của Li ShangLong (một tác gia sở hữu cuốn sách bán chạy nhất tại Trung Quốc) trong một giờ là 140 tệ (481 ngàn đồng). Đồng nghiệp của anh nói, trung tâm của chúng ta nổi tiếng, không thiếu lớp để dạy, có dạy cái gì, dạy ra sao thì tiền lương cũng không giảm, cứ làm thôi, đừng quá vất vả.
Nhưng Li ShangLong không hề có tư tưởng an nhàn như vậy, mỗi lần trước khi lên lớp giảng bài, anh đều sẽ xem lại một lượt giáo trình, chỉnh sửa mic, sửa lỗi sai, đồng thời cố gắng cải thiện kỹ năng của mình sau mỗi một khóa học.
3 năm sau, khả năng thích ứng và kỹ năng giảng dạy của Li Shanglong đã có một bước nhảy vọt về chất. Sau khi rời New Oriental, anh vẫn có thể tự lập. Còn vị đồng nghiệp kia, làm được 2 năm, bắt buộc phải rời khỏi ngành giáo dục.
Những người thực sự mạnh mẽ và tỉnh táo, họ biết cách dựa vào nền tảng để lên tới cấp độ tiếp theo, nhưng cũng có thể quên đi nền tảng đó và tập trung vào việc cải thiện khả năng của mình.
Họ hiểu rằng chỉ khi họ có đủ tự tin để ra đi bất cứ lúc nào, họ mới có thể trở thành kẻ bất khả chiến bại ở nơi làm việc.
03
Thực lực, là cái vốn duy nhất nếu muốn làm là làm, không thích thì nghỉ
Ở Hoa Kỳ có một câu chuyện nổi tiếng "một nét mười nghìn đô la".
Một ngày nọ, động cơ của Ford bị hỏng và tất cả các kỹ sư không thể làm gì cho đến khi họ mời Charles Proteus Steinmetz tới. Steinmetz lấy phấn khoanh tròn một vị trí trên mô tơ và viết: "Cuộn dây cảm điện ở chỗ này cần quấn thêm 16 vòng".
Mọi người làm theo, và điều khiến ai cũng kinh ngạc là sự cố lập tức được tháo gỡ, công tác sản xuất tiếp tục được khôi phục. Khi người quản lý vui vẻ hỏi chi phí sửa chữa là bao nhiêu, Steinmentz yêu cầu 10.000 đô la.
Bạn biết đấy, vào thời điểm đó, các kỹ sư hàng đầu của Ford được trả 5 đô la một tháng. Nhìn thấy vẻ mặt lúng túng của người quản lý, Steinmentz viết ra một hóa đơn: "Vẽ một đường, 1 đô la; biết chỗ để vẽ đường đó, 9.999 đô la". Sau đó, Ford không chỉ đồng ý trả phí mà còn thuê Steinmentz với mức lương cao ngất ngưởng.
Có một câu nói rằng: "Lương của một người tỷ lệ thuận với tính không thể thay thế của anh ta". Trình độ chuyên môn của bạn là nền tảng của bạn.
Khi thực lực của bạn không đủ để bạn có thể tùy ý làm theo ý mình, bạn phải "trầm" lại, tích lũy và nâng cao bản thân.
04
Người thực sự tài giỏi đều có "tư duy thanh gỗ dài"
Có lẽ bạn đã từng được nghe tới nguyên lý thùng gỗ: thùng gỗ đựng được bao nhiêu nước, điều này phụ thuộc vào thanh gỗ ngắn nhất. Nhưng trong thời đại phân công công việc chi tiết như hiện nay, để tìm được một người toàn diện về mọi mặt là vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, nếu bạn sở hữu một thanh gỗ đủ dài, bạn đã bao giờ nghĩ tới việc nghiêng chiếc thùng hay chưa? Đây chính là "nguyên lý thùng gỗ mới".
Thẩm Tòng Văn, (một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Trung Quốc hiện đại, sánh ngang với Lỗ Tấn) chỉ học hết tiểu học, nhưng vì thành tích văn học uyên thâm của mình, ông được mời tới làm giáo sư tại Đại học Bắc Kinh.
Nhà khoa học người Đức Otto Wallach, người không thành công trong lĩnh vực văn học và không có năng khiếu hội họa, sau cùng đã tập trung vào hóa học, môn mà ông giỏi và giành được giải Nobel Hóa học.
Trong nhiều trường hợp, thay vì cố gắng bù đắp những thiếu sót, sẽ tốt hơn nếu tập trung phát huy hết thế mạnh của mình.
Thế gian không có kẻ ngốc, chỉ có những thiên tài chưa tìm thấy lợi thế của mình.
05
Người thông minh, kiếm tiền không quá vất vả
Tôi luôn rất tin vào câu nói: "Bạn vĩnh viễn sẽ không bao giờ kiếm được số tiền vượt ngoài khả năng của bạn". Sự giàu có của mọi người thường vừa vặn với nhận thức và khả năng của anh ta. Có một câu chuyện kinh điển như này:
Dọc theo một con đường nọ có hai khu vườn. Khu vườn bên trái cỏ dại mọc um tùm, trong khi khu vườn bên phải tươi tốt.
Trạng thái của hai người làm vườn trong vườn cũng rất khác nhau. Người làm vườn bên vườn trái mồ hôi nhễ nhại vì kiệt sức, người làm vườn bên phải nằm nhàn nhã dưới gốc cây, ngân nga một bài hát.
Tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy? Hóa ra người làm vườn bên phải ban đầu cũng không ngừng làm cỏ, nhưng sau này anh phát hiện ra rằng dù có chăm chỉ đến đâu thì cỏ dại vẫn cứ sẽ phát triển.
Vì vậy, anh đã nghĩ ra một cách, anh tới chợ để tìm một số loại hoa và cây mọc nhanh hơn cỏ dại. Những cây này khi phát triển sẽ nhanh chóng chiếm lấy không gian, không để cỏ dại phát triển.
Thế giới đủ phức tạp, chỉ những bậc thầy mới có khả năng xóa tan lớp sương mù và đơn giản hóa sự phức tạp. Khi nhận thức của bạn cao hơn và thế giới bạn nhìn thấy rộng hơn, tài sản bạn sở hữu sẽ ngày càng nhiều hơn.
Có người nói: "Thù lao của bạn không tỷ lệ thuận với sức lao động của bạn, mà tỷ lệ thuận với tính không thể thay thế của bạn".
Trong bất kỳ thời đại nào, trong bất kỳ công ty nào, việc rèn luyện năng lực để trở thành nhân tố không thể thay thế sẽ luôn là con át chủ bài tốt nhất của bạn.