Ông Wong Kin-wah nhớ rõ đêm kinh hoàng 5 năm trước đây. Đầu giờ tối hôm ấy, ông và các con đã gọi video cho vợ Lee Hui-pin, tiếp viên hàng không của hãng Malaysia Airlines.
Đó là hoạt động thường nhật vào mỗi tối của gia đình họ. Như thường lệ, ông cùng 3 người con gửi lời chúc ngủ ngon đến cô Lee trước khi cô lên chuyến bay ở Amsterdam, Hà Lan. Đó là ngày 17/7/2014.
Sau đó, ông Wong bế cả 3 con lên giường, hoàn thành công việc của mình vào đêm muộn và chuẩn bị đi ngủ thì anh rể gọi điện thông báo "có máy bay bị rơi".
Wong lập tức lên mạng kiểm tra lịch trình của vợ. MH17 - đúng là chuyến bay gặp nạn đó. Ông thức trắng đêm để xem tin tức và đầu óc trống rỗng.
Sáng hôm sau, truyền hình Malaysia công bố tên các nạn nhân, gồm toàn bộ 283 hành khách trên chuyến bay của Malaysia Airlines mang số hiệu MH17, chủ yếu là người Hà Lan, cùng 15 thành viên phi hành đoàn. Trong số đó có cô Lee, vợ Wong.
5 năm trôi qua, những người thân của các nạn nhân trên chuyến bay MH17 vẫn đang đi tìm công lý. Còn đối với gia đình của ông Wong, cuộc sống như trước kia sẽ không bao giờ trở lại.
Wong, một người đàn ông hiền lành và có phần nhút nhát, không biết phải dùng từ nào để mô tả người vợ yêu dấu của mình.
Ảnh đại diện trên Facebook của người đàn ông này là bức ảnh gia đình được chụp cách đây 9 năm, trong một chuyến đi tới Cape Town, Nam Phi, trước khi vợ ông sinh con thứ ba.
Chị mỉm cười ngọt ngào bên cạnh chồng, trong khi hai đứa trẻ tỏ ra ngại ngùng.
Wong và Lee yêu nhau từ thời trung học, họ gặp nhau trong một lớp học tại bang Kelantan của Malaysia. "Chúng tôi đi chơi với nhau khá thường xuyên và dần trở nên thân thiết, từ đó tôi đã nảy sinh tình cảm với cô ấy", ông Wong nhớ lại.
Họ chính thức hẹn hò sau khi tốt nghiệp đại học. Sau khi ra trường, cô Lee trở thành tiếp viên hàng không của hãng Malaysia Airlines, trong khi Wong tiếp tục nghiên cứu về công nghệ thông tin.
Hai người yêu xa một vài năm, với những cuộc trò chuyện điện thoại đường dài, khi Wong làm việc ở Singapore còn Lee tiếp tục công việc tiếp viên trên các chuyến bay nội địa ở Malaysia.
Wong nói chưa từng cầu hôn Lee, nhưng suốt 10 năm bên nhau, mọi thứ dường như đã an bài. "Chúng tôi đồng thuận và cảm thấy đã đến lúc kết hôn", Wong kể.
Hai người chuyển đến Kuala Lumpur sau khi cưới để xây dựng gia đình nhỏ của họ. Wong bắt đầu công việc kinh doanh riêng trong lĩnh vực dịch vụ phần cứng, đúng với ngành học.
Wong Rui-qi, con gái đầu lòng của họ chỉ mới 13 tuổi khi thảm kịch máy bay MH17 xảy ra.
Đứa trẻ cảm nhận thấy điều gì đó không ổn vào buổi sáng hôm ấy khi người cha bảo con gái mình ngồi xuống và không cần phải tới trường.
Phải mất một tuần sau đó, cô bé Wong Rui-qi mới thực sự tin rằng mẹ em đã qua đời. "Tôi không biết phải làm thế nào để sống mà không có mẹ", Wong Rui-qi, giờ đây đã là thiếu nữ tròn 18 tuổi, nhớ lại.
Các chuyên gia tư vấn học đường đã giúp cô bé vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Dì của Rui-qi cũng dành rất nhiều thời gian để chơi với ba chị em, hy vọng những đứa trẻ quên đi nỗi đau.
"Tôi tìm hiểu rất nhiều về mẹ sau khi mẹ ra đi", Rui-qi nói. Trước khi thảm họa xảy ra, cô bé thân thiết với bố hơn mẹ. "Trước khi mẹ lên chuyến bay tới Hà Lan, mẹ hứa sẽ dạy tôi trang điểm khi tôi tròn 16 tuổi", thiếu nữ nhớ lại.
Với đôi môi màu san hô hoàn hảo cùng hàng lông mày chải chuốt, Rui-qi có niềm yêu thích đặc biệt với mỹ phẩm, ảnh hưởng từ chính người mẹ của cô.
Khi còn nhỏ, Rui-qi thường đứng tò mò nhìn mẹ trang điểm trước gương mỗi khi cô Lee chuẩn bị đi làm.
Cô và em trai Wong Hon-kai kém 2 tuổi từng chơi đủ trò để quyết định xem ai sẽ được tô son hay đeo khuyên tai của mẹ.
Khi mẹ đi làm, hai đứa trẻ giữ chặt lấy và tranh giành nhau để được mẹ ôm. Nhìn lại khoảng thời gian qua, Rui-qi nhận ra rằng vượt qua nỗi đau không khó như nhiều người vẫn nghĩ.
"Bạn phải chấp nhận sự thật rằng mẹ không còn ở đó nữa. Tôi rất nhớ mẹ. Phật giáo nói, cuộc đời là bể khổ.
Bởi vậy, nếu mẹ bỏ chúng tôi sớm để về thế giới bên kia, tôi nên mừng cho mẹ. Khi tôi đến tuổi trung niên, rồi mẹ tôi cũng sẽ ra đi. Mẹ chỉ ra đi sớm hơn và tôi phải tự lập sớm hơn", cô gái 18 tuổi nói.
Nhưng nhiều lúc Rui-qi vẫn cảm thấy chạnh lòng khi thiếu vắng mẹ trong đời.
Hàng năm, cứ đến Ngày của mẹ, khi bạn bè cô đăng ảnh chụp cùng mẹ trên mạng xã hội, lúc đó Rui-qi mới nhận thức rõ rệt sự về sự ra đi của mẹ cô và thầm ước, giá như chụp ảnh cùng mẹ nhiều hơn trong suốt tuổi thơ mình.
"Điều khó nhất chính là không có người lắng nghe tôi trút bầu tâm sự. Không phải vì bố không lắng nghe tôi mà có những chuyện chỉ của riêng con gái mà thôi", cô nói.
Rui-qi nói rằng cô bé không thể hiểu hết những khó khăn mà bố đã trải qua khi mẹ mất đi. "Bố vẫn phải mạnh mẽ để chăm sóc chúng tôi.
Giống như những bố mẹ đơn thân khác, bố phải dành cho chúng tôi gấp đôi sự nỗ lực, tình yêu thương cũng như chuyện kinh tế".
Sau kỳ thi đại học năm nay, Rui-qi chọn ngành kế toán, ngành học dường như mâu thuẫn với tính cách hướng ngoại của cô, khiến không ít người trong gia đình và bạn bè ngạc nhiên.
Rui-qi từng cân nhắc việc trở thành một nữ tiếp viên hàng không, theo nghiệp của mẹ mình. "Nhưng tôi có rất nhiều hoài nghi. Nếu tôi cũng đi, những người quanh tôi sẽ rất buồn".
Sau một lượt tham khảo các ngành nghề từ quản lý khách sạn, thiết kế đồ họa hay làm một đầu bếp, Rui-qi nói cô quyết định chọn nghề có tính ổn định và mang lại tiền bạc để có thể hỗ trợ em út khi em vào đại học.
"Bố tôi năm nay 50 tuổi và sẽ nghỉ hưu. Tôi phải có trách nhiệm", cô nói.
Em út của Rui-qi, Wong Shen-kai kém cô 11 tuổi, cậu bé chỉ mới hai tuổi khi thảm kịch MH17 xảy ra.
Gần đây, đứa trẻ 7 tuổi này hay hỏi tại sao những đứa trẻ khác có mẹ còn cậu thì không. Bố Wong luôn kiên nhẫn giải thích và hầu như không bao giờ mất bình tĩnh với cậu bé.
Nhưng bà nội cô thường can thiệp khi bố hay chị tỏ ra nghiêm khắc với Shen-kai.
Rui-qi lo lắng và sợ rằng em út của mình sẽ hư hỏng vì được nuông chiều. Có lần thiếu nữ tự hỏi cuộc sống gia đình họ sẽ ra sao nếu như mẹ vẫn còn sống. Liệu Rui-qi có bị mẹ cấm trang điểm hay sẽ dạy cô tô son một cách tỉ mỉ.
Trong màn đêm im lặng và những lần bất lực vì không biết phải làm sao với ba đứa con, Wong không nguôi nỗi nhớ về vợ.
Là người thân của một trong số 31 nạn nhân Malaysia, Wong thường xuyên tham gia các cuộc nhóm họp theo dõi tin tức vụ MH17. Ông cũng đã nhận được một khoản bồi thường hồi năm ngoái.
Hàng năm, gia đình Wong vẫn tham dự các cuộc tưởng niệm vụ MH17 được tổ chức ở Malaysia. Nhưng Wong mong được đưa các con tới Amsterdam, nơi có công viên tưởng niệm thảm kịch, mở cửa vào năm 2017.
Mỗi một cây xanh được trồng ở đây sẽ tưởng niệm một nạn nhân. "Thời gian cứ trôi, nhưng bạn không bao giờ thực sự tiến thêm bước nữa", Wong nói.