5 kinh nghiệm lớn từ thực tiễn chống tham nhũng

NGHĨA NHÂN |

Tham nhũng “đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”.

Ngày 16-8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp kiểm điểm, đánh giá kết quả của năm năm vận hành theo mô hình Tổng Bí thư làm trưởng ban, thay vì Thủ tướng như trước đó.

Cuộc họp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ, chủ trì.

Xử lý dứt điểm nhiều vụ tồn đọng kéo dài

Các đại biểu tại cuộc họp đã thống nhất nhận định năm năm qua, công tác PCTN đã có bước tiến “vượt bậc, toàn diện”. tham nhũng “đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”.

Qua đó, công tác PCTN đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước.

BCĐ đã chọn những khâu yếu, việc khó, có nhiều khó khăn, vướng mắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó đã đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, qua đó tạo đột phá trong PCTN.

Trực tiếp BCĐ đưa một số vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ, theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Trong tổng số 68 vụ án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo với các mức án nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn.

Nhiều vụ, việc tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, nay được xử lý dứt điểm.

Ngoài số trực tiếp chỉ đạo, BCĐ còn kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhiều cấp ủy, tỉnh/thành ủy, qua đó kiến nghị 404 nhóm vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách, chỉ đạo xử lý 452 vụ việc.

Kỷ luật 56 cán bộ cấp cao

Kiểm tra, kỷ luật đảng cũng là một hoạt động gắn với công tác PCTN. Với sự chỉ đạọ quyết liệt của BCĐ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ từ sau Đại hội XII đến nay đã kiểm tra, làm rõ, kết luận, quyết định thi hành và đề nghị trung ương kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý.

Đây là những người có chức vụ từ thứ trưởng, chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên.

Từ đổi mới cách làm, phương thức phối hợp, hầu như cứ sau mỗi phiên họp của BCĐ, của Thường trực BCĐ, hay hội ý giữa các lãnh đạo là tình hình thực tế lại có bước chuyển biến mới rõ rệt.

“Kết quả trên khẳng định chủ trương thành lập BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm trưởng ban và tái lập Ban Nội chính Trung ương làm nhiệm vụ cơ quan thường trực của BCĐ là quyết định đúng đắn, cần thiết, kịp thời, tạo được sự đồng thuận và niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy hiệu quả tích cực trong công tác PCTN” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong buổi họp.

Năm kinh nghiệm lớn

Từ thực tiễn sinh động của mô hình BCĐ năm năm qua, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể rút ra năm kinh nghiệm.

Một là cần có sự quyết tâm cao, đồng thuận lớn, cách làm quyết liệt, phù hợp của BCĐ và các thành viên. Cần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, nói đi đôi với làm. Ngoài họp BCĐ thì cần tổ chức nhiều cuộc họp của Thường trực BCĐ.

Đồng thời các phó ban phải thường xuyên hội ý, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc; trong trường hợp cần thiết, đề nghị thành lập BCĐ riêng từng vụ án.

Hai là cần sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng, nhất là giữa cơ quan kiểm tra, nội chính của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Ba là cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Kỷ luật đảng đi trước, kỷ luật hành chính của Nhà nước đồng bộ, tương xứng với kỷ luật đảng.

Đây là tiền đề quan trọng để các cơ quan pháp luật khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm về hình sự.

Bốn là cần phát hiện, tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời những khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc. Chọn lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, đôn đốc quyết liệt, đến cùng; kịp thời thay thế, bố trí cán bộ phù hợp.

Năm là phát huy vai trò của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của BCĐ, nhất là trong tổng hợp, theo dõi, khâu nối, đôn đốc, tham mưu, đề xuất các hoạt động của BCĐ, Thường trực BCĐ và các thành viên BCĐ.

Kiểm tra công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ

Công việc từ nay đến cuối năm của BCĐ Trung ương về PCTN được vạch ra nhiều đề mục.

Trong đó có nội dung chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc…

Hoàn thành việc rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán một số dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Kiểm tra công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước.

Thanh tra chuyên đề quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế.

Riêng Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra một số cấp ủy, cấp huyện và cơ sở có dấu hiệu vi phạm để chấn chỉnh công tác kiểm tra, kỷ luật đảng ở cơ sở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại