ĐBQH: Tham nhũng như sâu với cây trồng, phải diệt chứ không chống

Hoàng Đan |

"Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói diệt chứ không nói chống", đại biểu Nguyễn Bắc Việt nêu.

Nêu ý kiến thảo luận về Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào sáng 13/6, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho hay, cử tri, nhân dân rất mừng vì quyết tâm của Đảng trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt, các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương và sự vào cuộc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Góp ý về tên gọi của Luật, đại biểu Việt cho hay, cử tri, nhân dân mong muốn phải tiêu diệt tham nhũng và có ý kiến sửa tên Luật từ phòng, chống tham nhũng thành "Luật Phòng trừ tham nhũng".

"Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói diệt chứ không nói chống", ông Việt giải thích nguyên nhân đề nghị đổi tên Luật.

Vị đại biểu này nêu rõ, Luật cần quy định tổ chức Đảng vào lực lượng phòng chống tham nhũng, cụ thể, các hoạt động của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa qua rất hiệu quả, cần được nêu ra.

Đồng thời, ông Việt cho rằng, Luật phải quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác này, bởi phòng chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân, chưa kể người nước ngoài cũng tham gia công tác này.

"Dự thảo luật cũng chưa rõ việc khen thưởng đối với người có thành tích trong phòng chống tham nhũng. Trong chống Mỹ chúng ta có "dũng sĩ diệt Mỹ" thì trong công tác này phải có danh hiệu "dũng sĩ diệt tham nhũng", ông Việt đề nghị.

Liên quan đến nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm, đặc biệt là quy định mới đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc.

Đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) nhận định, nguồn gốc tài sản rất đa dạng, nhất là những trường hợp thừa kế không có giấy tờ chứng minh.

"Trường hợp tài sản không giải trình được nguồn gốc thì có thể thu thuế. Còn chứng minh được tài sản đó do phạm tội mà có thì phải xử lý hình sự", ông Vảng nói.

Còn đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) nêu, cán bộ, công chức ngoài lương thì có thể có những khoản thu nhập hợp pháp khác như thù lao giảng dạy, nhưng họ vì lý do nào đó muốn che giấu hoặc quên không kê khai.

Ông Đức nhấn mạnh, xét dưới góc độ luật học thì những khoản thu nhập không được kê khai đầy đủ không thể suy luận là thu nhập bất hợp pháp.

Tranh luận về băn khoăn của một số đại biểu về vấn đề chứng minh tài sản không do tham nhũng mà có nhưng nghi oan tài sản tham nhũng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, hiện nay tiền lương, thưởng, trúng vé số, thừa kế những tài sản lớn đều phải thu thuế thu nhập cá nhân.

ĐBQH: Tham nhũng như sâu với cây trồng, phải diệt chứ không chống - Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: H.P

Ông nêu, về thuế thu nhập cá nhân hiện nay được quản lý hết sức khoa học, chính xác, như vậy tại sao chúng ta không yêu cầu có thêm điều kiện quy định phải khai thuế thu nhập cá nhân hàng năm với tất cả các vị ở vị trí có khả năng tham nhũng.

"Nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng dễ dàng giám sát, theo dõi.

Không có lý do gì mà thu nhập thuế cá nhân từ 1-2 triệu đồng mà người đó vẫn có thể mua nhà, mua xe ô tô...

Vì vậy, tôi rất mong muốn chúng ta có thêm điều khoản quy định rõ các vị trí có nguy cơ tham nhũng thì chúng ta cần kê khai thuế thu nhập cá nhân và công khai để cử tri và các cơ quan chức năng giám sát, theo dõi", ông Hiếu đề nghị.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại