5 hậu quả khôn lường khi Mỹ rút quân khỏi Bắc Syria

Văn Đức |

Một trong những hậu quả đáng lo ngại sau quyết định rút quân đội Mỹ khỏi miền Bắc Syria là sự hồi sinh của khủng bố IS - theo The Hill.

Quyết định rút quân đội Mỹ khỏi miền Bắc Syria của ông Donald Trump dẫn đến một số hậu quả không thể lường trước - tờ The Hill viết. Lập luận về bước đi này, Tổng thống Mỹ lưu ý rằng, ông đang thực hiện lời hứa tranh cử nhằm chấm dứt “các cuộc chiến vô tận”.

Tuy nhiên, những người chỉ trích ông ngay từ đầu đã lập luận rằng, việc rút binh lính Mỹ khỏi miền Bắc Syria có thể kéo theo một số thay đổi toàn cầu, từ sự sụp đổ vai trò của Washington tại Trung Đông đến sự hồi sinh của “Nhà nước Hồi giáo” (IS).

Ấn phẩm Mỹ viết rằng, tại thời điểm rút quân, người Mỹ không lường trước được những hậu quả sau: thứ nhất, lực lượng người Kurd sẽ liên kết với chế độ Bashar Assad và đề nghị ông bảo vệ họ khỏi sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Như The Hill lưu ý, động thái này, về bản chất, sẽ đặt dấu chấm hết cho quyền tự trị của người Kurd, bởi nó cho phép quân đội của ông Assad tự do ra vào lãnh thổ của người Kurd.

Thứ hai, việc rút quân đội Mỹ sẽ dẫn đến sự gia tăng ảnh hưởng của Nga. Các lực lượng Nga sẽ có được thành phố chiến lược Manbij do người Mỹ để lại: giờ đây, nhiệm vụ chính của Matxcơva là ngăn chặn cuộc đụng độ quân sự giữa các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Không những thế, Tổng thống Vladimir Putin còn đến thăm cả Ả-rập Xê-út và UAE, qua đó càng củng cố vị thế của Nga với tư cách là “trọng tài chính” ở Trung Đông.

Một hậu quả không lường trước khác là việc các chiến binh thánh chiến IS trốn thoát khỏi nhà tù: theo thông tin từ phía người Kurd, có đến 785 tay súng ủng hộ “Nhà nước Hồi giáo” trốn thoát khỏi nhà tù ở thành phố Ayn Issa kể từ khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nổ súng. Đáp lại, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng chính người Kurd đang thả những kẻ khủng bố.

Theo The Hill, căng thẳng gia tăng trong nội bộ NATO cũng là một hậu quả: Mỹ đang đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ankara, và một số quốc gia trong Liên minh cũng đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động gây bất ổn do chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ gây ra, đồng thời nhấn mạnh rằng Liên minh không tán thành các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria và sự xấu đi trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ dẫn đến các cuộc thảo luận về số vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ - tờ báo Mỹ lưu ý.

Việc 50 đầu đạn hạt nhân của Mỹ được lưu trữ tại căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu vốn là một “bí mật nổi tiếng”. Theo ông Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, Washington nên khẩn trương rút kho vũ khí hạt nhân của mình khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại