Một đội quân dù lớn mạnh đến đâu, tinh thần vẫn là yếu tố vô cùng quan trọng để phát huy hiệu quả chiến đấu.
Nếu một lực lượng chiến đấu đột nhiên không còn tin rằng mình có thể chiến thắng, thì lực lượng đó sẽ dễ bị đánh bại bởi những đối thủ yếu hơn đang hừng hực khí thế.
Đã có nhiều câu chuyện trong lịch sử minh chứng cho điều này. Một số lực lượng dù hơn hẳn về nhân lực và vũ khí đã đầu hàng kẻ thù trước cả khi trận chiến bắt đầu.
Dưới đây là những chiến thuật làm lung lạc tinh thần nổi tiếng nhất.
Biển người
Chiến thuật biển người có thể gây ra rắc rối lớn đối với tuyến phòng thủ của đối phương. Nhưng cách thức này bị lên án vì vấn đề đạo đức
Sóng người không hiệu quả lắm, nhưng nó buộc kẻ thù sử dụng nguồn lực khổng lồ để tiêu diệt làn sóng ồ ạt có đến hàng trăm kẻ tấn công.
Ác mộng Gurkha
Gurkha là những người lính Nepal ưu tú, những người đã được Đế chế Anh tuyển dụng trong nhiều thập kỷ trước Thế chiến II. Khi chiến tranh nổ ra, người Anh ngay lập tức sử dụng các kỹ năng sát thủ của họ để gieo rắc ám ảnh cho kẻ thù cả trong và ngoài các hoạt động chiến đấu.
Tại chiến trường Bắc Phi, Binh đoàn 60 của Anh có một đội trinh sát gồm những người lính Gurkha. Vào ban đêm, những người Gurkha thâm nhập vào phòng tuyến của quân Đức, lẻn vào các vị trí phòng thủ có hai người đang ngủ, và cắt cổ một người trong số đó.
Khi tỉnh dậy, người kia sẽ thấy cộng sự của mình bị sát hại một cách khủng khiếp. Người lính này sẽ cảm thấy sợ hãi tột độ. Đó là lý do vì sao người ta thường nói rằng cách để biết người Gurkha có ở đó hay không là hãy đi tìm một xác chết vào sáng hôm sau.
Doạ nạt trong rừng
Chiến trường Miến Điện trong Thế chiến II là một khu vực thường ít được nhắc đến, nhưng có một số cuộc giao tranh đáng chú ý đã xảy ra ở đó.
Đối với quân Đồng minh, nơi đây không giống như bất kỳ chiến trường nào mà họ từng tham chiến, với những khu rừng rậm rạp đầy động vật kỳ lạ và những cái bẫy tiềm ẩn. Tệ hơn nữa, những ngày đầu của cuộc chiến không có lợi cho quân Đồng minh.
Quân đội Nhật sẽ quấy phá những người lính Đồng minh ngủ trong đêm bằng cách chế nhạo họ bằng tiếng Anh, hét vào mặt họ từ trong bóng tối, nói với người Anh và những người lính khác rằng họ sẽ chết vào buổi sáng. Nếu quân Anh tức tối hét lại, quân Nhật sẽ xác định vị trí có âm thanh và ám sát ngay lập tức.
Âm thanh tra tấn
Khi người Mỹ xâm lấn lãnh thổ về phía Tây, họ đã đẩy các bộ lạc thổ dân châu Mỹ vào tình trạng bị dồn ép. Nhiều bộ lạc ra đầu hàng, nhưng có một số bộ lạc quyết tử cho đến cùng. Bộ lạc Apache và Comanche là hai ví dụ trong số đó.
Để quấy rối và làm mất tinh thần của quân Mỹ trong pháo đài hoặc khu cắm trại, người Apache và Comanche sẽ bắt một người lính, sau đó chờ đêm xuống.
Khi quân đội Mỹ hạ trại trong đêm, những người bản địa sẽ tra tấn tù nhân ngay trong tầm tai của những người trong trại. Tiếng la hét và tiếng khóc của người bị tra tấn sẽ khiến người Mỹ thức trắng đêm.
Vũ khí hiện đại
Thế chiến I là lần đầu tiên vũ khí truyền thống chạm trán với chiến đấu hiện đại và tác động của điều này có thể được nhìn thấy không chỉ ở con số thương vong lớn, mà còn cả trên gương mặt lẫn tâm trí của những người đã chiến đấu trong các cuộc chiến, cho dù họ có sống sót hay không.
Khí độc và súng phun lửa đã giết chết nhiều người, cũng như khiến cho rất nhiều binh sĩ trở nên tàn phế, biến dạng, nhưng thứ khiến họ tái mặt hơn cả là súng shotgun đưa vào các chiến hào.
Lính Mỹ trong chiến tranh mang theo shotgun Winchester M1898. Nó có thể bắn đạn liên tục và có sức công phá rất lớn.
Shotgun là một vũ khí rất hiệu quả ở cự ly gần (chẳng hạn như chiến hào) và nhanh chóng được biết đến với cái tên "máy quét chiến hào". Lực công phá mạnh của khẩu súng đã gây ra những vết thương nặng nề và chính phủ Đức phàn nàn rằng việc sử dụng khẩu súng này đã cấu thành tội ác chiến tranh.