40 năm quan hệ Mỹ-Trung: Làm thế nào để đối phó với Trung Quốc mà không cần một cuộc chiến?

Minh Đức |

Ngày 1/1/2019 đã đánh dấu kỷ niệm 40 năm quan hệ Mỹ - Trung. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Dưới đây là bài viết của Doug Bandow, học giả Cao cấp của Viện nghiên cứu CATO và nguyên là Trợ lý Đặc biệt của Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.

Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã có chuyến thăm Trung Quốc nổi tiếng năm 1971, chấm dứt sự im lặng thù địch giữa hai nước. Tuy nhiên, đến thời của Tổng thống Jimmy Carter mới hoàn thiện mối quan hệ song phương và chính thức công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Quan hệ chính thức được thiết lập vào ngày 1/1/1979.

Động thái bình thường hóa này đã gây tranh cãi. Sau chuyến đi của ông Nixon, Đài Loan không chỉ mất ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà còn mất tư cách thành viên của Liên Hợp Quốc. Các nước đều công nhận nhà nước Bắc Kinh.

Bốn thập kỷ trước, tiềm năng của Trung Quốc có thể thấy được nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và còn xa vời.

40 năm quan hệ Mỹ-Trung: Làm thế nào để đối phó với Trung Quốc mà không cần một cuộc chiến? - Ảnh 1.

Ông Jimmy Carter và ông Đặng Tiểu Bình năm 1979. Ảnh: USCNPM

Lúc đấy ông Mao Trạch Đông vừa mất được hơn hai năm.

"Tứ nhân bang" trong đó có Giang Thanh - vợ của Trạch Đông đã bị bắt nhưng chưa được xét xử. Đặng Tiểu Bình đã nắm quyền lực hơn một năm và các cải cách kinh tế vẫn chưa rõ nét.

Thậm chí sau đó một thập kỷ, khi tôi lần đầu tiên đặt chân đến đại lục, Trung Quốc vẫn còn rất nghèo nàn. Ngay cả ở Bắc Kinh và Thượng Hải, những con đường đã chật kín xe đạp và xe máy.

Có một số tòa nhà mới, nhưng không ai có thể tưởng tượng việc hiện nay Bắc Kinh thách thức Washington để lãnh đạo toàn cầu. Mối đe dọa từ Trung Quốc, lúc đấy có vẻ như rất khiêm tốn.

Cuộc lột xác ngoạn mục

Bây giờ hãy quay lại ngày 1/12019, Mỹ vẫn đi trước về kinh tế, nhưng nếu tính theo ngang giá sức mua thay vì tỷ giá hối đoái thì Bắc Kinh đã nằm ở vị trí số một. Trung Quốc vẫn thua Mỹ trong chi tiêu quân sự nhưng là số 2 trên thế giới.

Ngay cả trước khi Tổng thống Donald Trump tiến hành cuộc thương chiến, Trung Quốc là nước có khối lượng giao dịch thương mại lớn nhất trên thế giới, vượt xa Mỹ ở châu Á.

Bắc Kinh đang sử dụng tổ chức kinh tế của mình để đạt được những ảnh hưởng chính trị bằng các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Tin tốt là hàng trăm triệu người ở Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Người Trung Quốc cũng được tự do làm việc, kết hôn, du lịch, học tập và làm nhiều thứ khác nữa. Người dân Trung Quốc được hưởng một mức độ tự do và tự chủ cá nhân mà hầu hết tổ tiên của họ chưa bao giờ trải qua.

Tuy nhiên, tin xấu là cực kỳ xấu. Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump có thể sai lầm vì các chiến thuật thuế quan của mình, Trung Quốc đã chi phối các quy tắc thương mại và đầu tư, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ. Những hành vi như vậy không bao giờ được chấp nhận khi Trung Quốc ngày càng giàu có và quyết đoán hơn.

40 năm quan hệ Mỹ-Trung: Làm thế nào để đối phó với Trung Quốc mà không cần một cuộc chiến? - Ảnh 2.

Ông Trump và ông Tập Cận Bình. Ảnh minh họa: Getty Images

Tóm lại, Trung Quốc hiện nay rất khác so với năm 1979.

Vấn đề không phải là tự do hóa và thịnh vượng kinh tế không tạo ra áp lực cho một xã hội tự do hơn. Tự do cá nhân đã được mở rộng hơn rất nhiều. Cơ hội việc làm và các lựa chọn kinh tế tăng gấp bội.

Tự do tín ngưỡng được mở rộng. Không gian mở cho cuộc tranh luận trí thức và tiếng nói phản biện đã được lắng nghe để ủng hộ nhà nước pháp quyền và nhiều thứ khác nữa.

Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất hiện tại. Tuy nhiên, liệu ông ấy có duy trì được điều ấy thì còn là một điều cần phải bàn. 

Trên thực tế, suy thoái kinh tế đang diễn ra và tác động tiêu cực của cuộc thương chiến với Mỹ đã thúc đẩy việc bóp nghẹt các quan điểm bất đồng chính kiến trong giới trí thức.

Tuy nhiên, ít nhất trong ngắn hạn, ông Tập không gặp phải thách thức rõ ràng nào.

Phải làm sao?

Mỹ và các quốc gia bạn bè, đáng chú ý là các nền dân chủ châu Âu và Đông Á, nên hợp tác và áp dụng cách tiếp cận với Trung Quốc. 

Về kinh tế, Bắc Kinh cần tuân thủ các quy tắc kinh tế không phân biệt đối xử.

Vấn đề không phải là thâm hụt thương mại mà là việc sử dụng quyền tiếp cận thị trường phương Tây để tạo lợi thế cho các mối quan tâm của Trung Quốc và đặc biệt là nhà nước Trung Quốc. Chiến thuật của Tổng thống Trump là không khôn khéo, việc ông từ chối tham gia Hiệp định TPP là vô cùng sai lầm.

Đối phó với khía cạnh an ninh trong giải quyết thách thức Trung Quốc có thể nói là khó khăn nhất. Những xung đột giữa các cường quốc có lên có xuống, được gọi là Bẫy Thucydides. Mỹ không nên phản ứng thái quá với sự trỗi dậy của Trung Quốc: Mỹ vẫn giàu có hơn Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng phải đối mặt với những trở ngại đáng kể để trở thành siêu cường. Ví dụ, chính sách một con trong một thời gian dài đã làm xáo trộn nhân khẩu học ở Trung Quốc; nước này có thể gặp vấn đề già hóa dân số trước khi trở nên giàu có.

Hơn nữa, tăng trưởng đang chậm lại và sự quản lý chính trị sai lầm đối với nền kinh tế đã tạo ra các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, các công ty chính phủ mắc nợ nghiêm trọng, nợ xấu ngân hàng, bong bóng tài sản, các thành phố "ma", các quy định có động cơ chính trị và số liệu thống kê kinh tế giả.

40 năm quan hệ Mỹ-Trung: Làm thế nào để đối phó với Trung Quốc mà không cần một cuộc chiến? - Ảnh 4.

Quân đội Trung Quốc. Ảnh minh họa: Guardian

Thật vậy, trong tương lai gần thì Bắc Kinh không thể đe dọa đến Mỹ. Quân đội Mỹ rất mạnh và thừa khả năng để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào. Cuộc giao tranh thực sự giữa hai nước sẽ diễn ra trong vùng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Đông Á và chỉ xảy ra khi Trung Quốc suy yếu và Mỹ sẵn sàng tiếp tục chi tiêu mạnh tay.

Trung Quốc đã đi được khá xa về mặt quân sự nhưng có một động lực để nước này tiếp tục tăng cường lực lượng vũ trang.

Hãy tưởng tượng một thế giới trong đó hải quân Trung Quốc tuần tra bờ biển bờ Đông của nước Mỹ và Caribbean, Trung Quốc giảng cho Mỹ về chính sách đối với Cuba và khả năng chiến tranh với Mỹ thường được thảo luận tại Bắc Kinh. Rất ít người Mỹ chấp nhận viễn cảnh đó.

Hiện nay Mỹ sẽ không hy sinh vật lực để đánh bại Trung Quốc trong khu vực sân sau của họ. Chi phí xây dựng và điều khiển tàu sân bay, tàu hỗ trợ tốn kém hơn nhiều so với tên lửa hoặc tàu ngầm để đánh chìm nó.

Thách thức chồng chất

Mỹ phải đối mặt với thâm hụt hàng năm lên tới hàng nghìn tỷ USD và áp lực tài khóa sẽ bùng nổ khi dân số bị già hóa. Ai sẽ muốn hy sinh các phúc lợi an sinh xã hội và chương trình Medicare của mình để bảo vệ một nơi xa xôi như Đài Loan?

Washington nên nhấn mạnh tầm quan trọng của các quốc gia dân chủ bạn bè đầu tư vào nền quốc phòng của chính họ, xây dựng quân đội có khả năng ngăn chặn Trung Quốc khỏi các hành động gây hấn.

Mục tiêu không phải là đánh bại Quân đội Trung Quốc, mà là làm cho chi phí của bất kỳ cuộc tấn công nào đều sẽ quá lớn. Mỹ cũng nên khuyến khích các nước, như Nhật Bản và Ấn Độ, đảm nhận các trách nhiệm lớn hơn trong khu vực.

Thay vì cố chấp duy trì vai trò chi phối của mình, Washington nên cho thấy sự sẵn sàng chia sẻ ảnh hưởng và trách nhiệm đối với các nước khác.

Mỹ cũng nên ngừng đẩy Nga và Trung Quốc về một phía. Các đời chính quyền Mỹ đã áp dụng các chính sách đe dọa Nga, như việc mở rộng NATO, tấn công Serbia, khuyến khích các cuộc cách mạng màu Georgia và Ukraine.

Dù Mỹ có ý định gì, Nga cũng không dễ dàng bỏ qua. Hãy tưởng tượng Liên Xô dàn dựng một cuộc đảo chính chống lại một chính phủ Mexico và mời Mexico tham gia vào Hiệp ước Warsaw, giới chính trị ở Washington sẽ mất ăn mất ngủ.

Mặc dù Trung Quốc và Nga có lợi ích rất khác biệt, cả hai đã cùng hợp tác để chống lại áp lực từ Mỹ. Washington và EU nên theo đuổi một phương thức ngoại giao trong quan hệ với Moscow.

Họ nên từ bỏ tư cách thành viên NATO đối với Georgia và không cho Ukraine gia nhập, đồng thời rút lại các lệnh trừng phạt kinh tế để lại việc Nga tạm dừng hỗ trợ cho phe ly khai, chấm dứt sự quấy rối Kiev và ngừng can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu.

Phương Tây sẽ công nhận một cách không chính thức việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Moscow từ đó sẽ nhìn thấy tương lai trong mối quan hệ với phương Tây.

Điều này sẽ thúc đẩy sự cân bằng quốc tế hơn một chút so với một Trung Quốc hung hăng.

Mục tiêu quan trọng nhất là tránh xung đột giữa hai chính phủ. Vào thế kỷ 19, Anh phải đối mặt với hai cường quốc đang trỗi dậy là Mỹ và Đức. Anh có quan hệ thân thiện với Mỹ và hiện nay hai nước đang có mối quan hệ rất nồng ấm, còn với Đức thì quan hệ đối đầu và đã phát triển lên thành một cuộc chiến toàn cầu.

Đây là bài học kinh nghiệm Mỹ nên xem xét nghiêm túc.

Bên cạnh đó, Mỹ nên duy trì và tìm kiếm thêm đồng minh để hạn chế phạm vi tiếp cận của PRC và hướng phát triển của nó.

Khi Trung Quốc tìm thấy vị trí mới trong trật tự thế giới, các quốc gia khác sẽ phải thích nghi trong khi buộc Bắc Kinh cũng phải điều chỉnh. Bốn thập kỷ qua đã cho thấy một Trung Quốc biến đổi vĩ đại như thế nào. Nhận định đúng và đưa ra một chiến lược ứng phó đúng đắn với Trung Quốc sẽ định hình trật tự thế giới trong bốn mươi năm tiếp theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại