Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Bộn bề những bất đồng

Đình Nam |

Hiện vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những bất đồng trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể dễ dàng giải quyết ngay.

Tối 30/1 (theo giờ Việt Nam), các quan chức cấp cao Mỹ – Trung Quốc đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới tại thủ đô Washington, Mỹ, kéo dài 2 ngày, nhằm giải quyết những bất đồng, khác biệt liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cũng như nỗ lực hạ nhiệt cuộc xung đột thương mại song phương kéo dài nhiều tháng. Hiện vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những bất đồng này có thể dễ dàng giải quyết ngay.

Theo hãng tin Reuters, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã bắt đầu cuộc họp kín tại Tòa nhà văn phòng điều hành Eisenhower kế bên Nhà Trắng vào sáng 30/1 (theo giờ Mỹ).

Tham gia đoàn đàm phán tới Mỹ, đại diện phía Trung Quốc còn có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Dịch Cương và một số quan chức từ Bộ Tài chính và Thương mại. Về phía Mỹ, ngoài ông Lighthizer, còn có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross cùng hai cố vấn Nhà Trắng Larry Kudlow và Peter Navarro.

Đây là cuộc họp cấp cao nhất giữa 2 bên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí “đình chiến” thương mại trong vòng 90 ngày, bằng cách không áp thuế mới lên hàng hóa của nhau và nỗ lực đạt thỏa thuận trước ngày 2/3 tới.

Tuy nhiên, buổi khai mạc hội đàm thương mại cấp cao Mỹ-Trung tại Washington ngày hôm qua đã bắt đầu với một không khí khá “trầm lặng” và các quan chức 2 bên đã từ chối trả lời mọi câu hỏi từ phóng viên trước khi bắt đầu cuộc thảo luận.

Giới phân tích cho rằng, vòng đàm phán mới này sẽ khá căng thẳng vì cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Washington là bảo vệ đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và những chính sách mà Washington cáo buộc ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc.

Bên cạnh đó, những yêu cầu của Mỹ đối với Trung Quốc trong việc thực hiện các cải cách cơ cấu kinh tế cũng đang gây khó khăn trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại trước thời điểm chính quyền Mỹ tăng thuế.

Hãng tin AP dẫn lời giới phân tích cho rằng, điều triển vọng nhất có thể đạt được sau vòng đàm phán 2 ngày lần này chính là hai bên đồng ý tiếp tục đàm phán.

Dù khẳng định không có liên quan tới các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung , song việc Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei , bà Mạnh Vãn Chu, theo yêu cầu của Mỹ cũng đang ảnh hưởng phần nào đến không khí của cuộc đàm phán. Trước thềm cuộc hội đàm, Mỹ đã chính thức gửi cáo trạng, ráo riết truy tố Huawei và “công chúa” của “gã khổng lồ” công nghệ này với các tội danh ăn cắp bí mật thương mại, lừa đảo, cản trở công lý, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran bằng cách kinh doanh bí mật thông qua một công ty con.

Điều này đã khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ và kết quả “tích cực” cuộc đàm phán thương mại lần này trở nên không chắc chắn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết:

“Mỹ đã sử dụng quyền lực để bôi nhọ và đàn áp một số doanh nghiệp Trung Quốc. Điều này nhằm mục đích chính trị và thao túng doanh nghiệp. Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng đàn áp Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc khác, đối xử với các doanh nghiệp Trung Quốc bằng thái độ khách quan và vô tư. Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.”

Trong trường hợp xấu nhất, Mỹ và Trung Quốc không thể đạt được một thỏa thuận trong thời gian “đình chiến thương mại”, từ ngày 2-3/2 tới, Washington sẽ tăng thuế từ mức 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại