Ông Takashi Yaguchi là 1 trong những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu nấm mốc tại Nhật Bản . Trong chương trình về sức khỏe nổi tiếng tại quốc gia này phát sóng gần đây, ông đã liên tục cảnh báo về nguy cơ gây hại của nấm mốc ngay trong chính ngôi nhà chúng ta đang sống.
Ông cho biết, nấm mốc nguy hiểm hơn rất nhiều so với chúng ta thường nghĩ. Tiếp xúc với nấm mốc có thể gây ra các bệnh lý như viêm da, dị ứng da, suy hô hấp. Trường hợp nặng có thể gây ra tử vong do ngộ độc hoặc âm thầm dẫn đến các bệnh ung thư nguy hiểm.
Rất nhiều người nghĩ rằng họ thường xuyên mở cửa cho thông thoáng và dọn dẹp nhà cửa nên sẽ không bị nấm mốc tấn công. Nhưng thực chất, dù các đồ vật thường xuyên sử dụng và vệ sinh cũng có thể có nấm mốc, vi khuẩn.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu của Takashi Yaguchi đã tiến hành khảo sát 100 hộ gia đình Nhật Bản có thói quen vệ sinh tốt trong thời gian dài để tìm ra các vị trí dễ tích tụ nấm mốc. Trong đó có 4 nơi dễ tiềm ẩn các loại nấm mốc cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong nhưng thường bị bỏ qua:
1. Rèm cửa
Đáng báo động khi có đến 35/100 hộ gia đình trong khảo sát có rèm cửa bị nhiễm nấm mốc. Có rất nhiều loại nấm mốc khó mà nhìn bằng mắt thường, nhiều chủng gây hại cho sức khỏe nhưng đáng chú ý nhất là Aspergillus fumigatus.
Takashi Yaguchi giải thích, loại nấm này thường được gọi là “nấm khói”, vì khó phát hiện khi nhìn mà phải rung mạnh mới có thể thấy chúng di chuyển như những bụi khói rất nhỏ trong không khí.
Với những người có miễn dịch tốt, nấm này có thể được đào thải ra khỏi cơ thể qua đường hắt hơi, nhưng khi sức đề kháng của cơ thể kém hoặc phổi bị tổn thương, nấm mốc sẽ bắt đầu sinh sôi trong phổi, tấn công các tế bào bên trong và gây bệnh. Trong đó phổ biến là viêm phổi, ung thư phổi.
Chỉ riêng ở Nhật Bản, có khoảng 1000 người chết hàng năm vì nấm mốc, và một nửa trong số họ bị nhiễm loại “nấm khói” này.
2. Các chai lọ trong phòng tắm
Có tới 24 trong số 100 hộ gia đình được khảo sát được phát hiện có nấm mốc trong phòng tắm, đặc biệt là trên các loại chai lọ đựng sữa tắm, dầu gội đầu…
Ông Yaguchi cho biết, đây là vị trí rất dễ bị bỏ qua dù bạn thường xuyên lau dọn phòng tắm. Trên đó có rất nhiều chủng nấm mốc, nhưng nguy hiểm nhất là các chủng nấm mốc thuộc nhóm Phalaenopsis. Tuy loại nấm mốc này thường xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở và gây viêm nhiễm, nhưng chúng có thể gây tử vong nếu xâm nhập được vào não qua đường máu.
3. Vòi nước
Tại nhà bếp của 25 trong số 100 hộ gia đình trong khảo sát, người ta đã phát hiện thấy vòi nước có chứa nấm mốc viêm phổi Trichosporon.
Hít phải loại nấm mốc này có thể gây ra các phản ứng dị ứng đường hô hấp, triệu chứng phổ biến là ho, khó thở, viêm mũi. Đây cũng là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi dị ứng thường xảy ra vào mùa hè ở các nước nhiệt đới và ôn đới.
4. Máy giặt
Nhóm nghiên cứu cũng khá bất ngờ khi phát hiện có tới 60 trong số 100 hộ gia đình được khảo sát có máy giặt bị nhiễm nấm mốc. Trong đó nguy hiểm nhất là chủng nấm Cladosporium có thể gây ra cơn hen kịch phát, dẫn đến tử vong do suy hô hấp.
Vì bột giặt thông thường thực sự không có tác dụng loại bỏ nấm mốc, nên việc cho vào máy giặt sẽ chỉ rửa sạch nấm mốc trên quần áo thay vì tiêu diệt nấm mốc. Ngoài ra, thiết kế của máy giặt rất dễ tích tụ hơi ẩm, từ đó tạo ra môi trường lý tưởng để nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi.
Ông Takashi Yaguchi cũng liệt kê 1 số triệu chứng phổ biến khi tiếp xúc lâu dài hoặc sống trong môi trường có nấm mốc như:
- Ngứa, khó chịu ở da và mắt.
- Bệnh hen suyễn.
- Thường xuyên sốt.
- Mệt mỏi bất thường.
- Buồn nôn.
- Đau đầu.
- Mất ngủ.
- Kích ứng niêm mạc (niêm mạc: như khoang miệng, các cơ quan, dạ dày, ruột, niệu đạo và các cơ quan khác, nó là một cấu trúc màng bao gồm biểu mô và mô liên kết).
Vì vậy, nếu thường xuyên có các dấu hiệu trên, hãy tự kiểm tra và thường xuyên dọn dẹp, hút mùi, khử trùng môi trường sống của mình để tiêu diệt nấm mốc. Nếu có điều kiện, tốt nhất là nhờ đến sự hỗ trợ của các công ty, dịch vụ chuyên nghiệp. Bởi vì có rất nhiều loại vi khuẩn, nấm mốc khó phát hiện và khó tiêu diệt với phương pháp hoặc hóa chất tẩy rửa thông thường.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Healthline, Kknews