Trong khi đang neo đậu cách bờ khoảng 600m thì cả hai gặp phải trận bão lớn, chiếc T-36 trôi dạt suốt 49 ngày và 4 người lính trên đó đã sống trong những điều kiện khó mà hình dung được…
1. Theo trung sĩ Askhat Ziganshin, 21 tuổi, người có cấp hàm cao nhất trên sà lan T-36 thì sau khi nhận 1,5 tấn dầu Diesel, sà lan của ông và chiếc T-97 đều neo vào một phao nổi nằm cách bờ khoảng 600m, chờ biển lặng sẽ chạy vào đảo Iturup để giao dầu cho đơn vị đồn trú. Và bởi vì trước đó cả 2 sà lan đang trong tình trạng vừa tránh gió, vừa chờ sửa chữa theo định kỳ nên khẩu phần khẩn cấp dùng trong 10 ngày vốn vẫn để trong tủ cứu sinh thì lại được gửi vào kho.
Những thủy thủ (ảnh nhỏ) và Sà lan T-36.
Thay vào đó, họ chỉ có thực phẩm đủ ăn trong 3 ngày, gồm hai thùng khoai tây, một ổ bánh mì, 1,5kg mỡ lợn, một hộp thịt, một thùng chứa nước ngọt tổng cộng 120 lít, 2kg hạt kê và đậu Hà Lan khô, 1kg trà và một gói cà phê cùng một hộp diêm 50 que.
Không lâu sau nửa đêm ngày 17-1, một trận cuồng phong bất ngờ ập đến kèm theo mưa rất to. Cùng với 3 binh nhì thủy thủ là Anatoly Kryuchkovsky, Fiipp Poplavski và Ivan Fedotov, tất cả đều 20 tuổi, trung sĩ Askhat Ziganshin khởi động máy cho sà lan tránh xa những tảng đá nằm gần phao nổi đồng thời cố gắng hướng vào bờ nhưng suốt 10 tiếng đồng hồ, chiếc T-36 vẫn không thể vào đến vùng nước nông để thả neo.
Cuối cùng, cơn bão đi qua nhưng hoàn lưu của nó đẩy chiếc T-36 càng lúc càng ra xa. Trung sĩ Askhat Ziganshin kể lại: “Căn cứ vào hải đồ, tôi quyết định cho sà lan ủi vào một doi cát nằm cách đó khoảng 1 hải lý (1.852m) nhưng không may, mới chạy được vài chục mét thì cả hai động cơ lại hỏng, chưa kể ăng ten của máy bộ đàm bị gió giật tung đi mất…”.
Vì thế, họ đành phó mặc cho sóng nước đẩy đưa, trong lúc chiếc T-97 may mắn hơn do bị mắc cạn, những người trên đó được cứu sống. Trong nhật ký hải trình, trung sĩ Askhat Ziganshin viết: “Chúng tôi không lường trước được thảm họa. Sà lan T-36 không thể vào bờ”.
Ngay trong cơn bão, bộ chỉ huy lực lượng Hồng quân đồn trú trên đảo Iturup đã biết những thủy thủ trên 2 sà lan đang gặp nguy hiểm, nhất là không thể liên lạc được với chiếc T-36 bằng bộ đàm nên khi bão vừa ngớt, họ cử một đội cứu hộ gồm 15 binh sĩ lên đường tìm kiếm.
Các vật thể mà đội cứu hộ tìm thấy gồm phao cứu sinh cùng một chiếc hộp bằng gỗ bên trong có tấm hải đồ bọc nhựa, cả hai đều có số hiệu của sà lan T-36 nên đã dẫn đến kết luận rằng T-36 bị sóng đánh chìm, 4 người trên sà lan đều thiệt mạng. Một tuần sau đó, gia đình, thân nhân của họ nhận được thông báo về sự việc đau lòng này.
Khi Hải quân Mỹ lên sà lan T-36, 4 người lính Liên Xô đều đã kiệt sức.
2. Ngày qua ngày, chiếc T-36 càng lúc càng trôi xa quần đảo Kuril. Đến ngày thứ 12, thức ăn hết dù họ đã cố gắng dè sẻn. Trung sĩ Askhat Ziganshin kể: “Hai thùng khoai tây để trong phòng máy bị sóng đánh tung nắp, khoai đổ ra khắp nơi. Bồn chứa dầu Diesel cho đảo Iturup cũng vỡ nên khoai dính đầy dầu.
Nước uống bị nhiễm dầu, nó có màu nâu đỏ nhưng rồi cũng uống hết, kể cả nước dùng làm mát động cơ. Mỗi khi trời mưa, chúng tôi lấy những tấm vải trải giường cùng những tấm chăn phủ lên sàn sà lan, sau đó vắt lấy nước. Và mặc dù đã tận dụng tất cả những gì có trên sà lan làm cần câu nhưng chúng tôi không hề bắt được một con cá nào”.
Sau này khi được cứu thoát, họ mới biết thời điểm ấy chiếc T-36 đang ở trong dòng hải lưu Kuroshio mà những người đánh cá Nhật Bản gọi là “Dòng chảy đen”. Do tốc độ dòng chảy lên đến 40km/giờ nên vùng biển ấy gần như không có cá.
Bên cạnh đó, trung sĩ Ziganshin vô tình tìm thấy tờ báo Krasnaya Zvezda ở cạnh mấy cái lốp xe, trong đó có bài nói về khu vực nơi có dòng hải lưu Kuroshio lại là nơi mà Liên Xô dự định tiến hành huấn luyện phóng tên lửa, và Moscow đã thông báo rộng rãi kế hoạch phóng sẽ bắt đầu từ ngày 15-1 đến ngày 15-2 nên cũng dễ hiểu vì sao xung quanh T-36 không hề có bóng dáng tàu thuyền.
Mỗi khi đêm xuống, để giữ ấm và cũng để tàu bè đi gần nhìn thấy, cả 4 người tận dụng các vật liệu dễ cháy có sẵn như thùng gỗ, phao cứu sinh, giẻ lau, giấy báo cũ và các tấm ván từ 4 chiếc giường của họ. Khi những thứ này đã hết, họ đốt những chiếc lốp xe dùng làm vật đệm chống va chạm, treo trước mũi và hai bên hông sà lan.
Để đánh lừa dạ dày với hy vọng sẽ được cứu thoát, trung sĩ Askhat Ziganshin nghĩ ra cách ăn những thứ gần như không ăn được như thắt lưng da, giày ủng và kem đánh răng. Trung sĩ Ziganshin kể:
“Chúng tôi cắt thắt lưng da thành từng sợi nhuyễn như sợi mì rồi nấu cho đến khi nó nhão ra. Hết thắt lưng, chúng tôi ăn đôi giày bốt bằng cách ngâm trong nước biển để loại bỏ hết lớp xi, sau đó cắt thành từng miếng nhỏ, nướng trên lửa đến khi nó gần như cháy thành than thì cho vào miệng, cố nhai cho tan hết, còn kem đánh răng, chúng tôi ngậm để tìm chút ít vị ngọt”.
Ngày 23-2, cả 4 người trên sà lan T-36 đều muốn kỷ niệm “Ngày bảo vệ tổ quốc” - là ngày lễ quốc gia của Liên Xô. Tuy nhiên, họ chẳng còn gì để ăn nên trung sĩ Ziganshin lấy điếu thuốc lá cuối cùng để tất cả cùng hút. Thủy thủ Anatoly Kryuchkovsky nhớ lại:
“Mỗi năm đến ngày lễ này, chúng tôi ngập tràn trong rượu Vodka, ngỗng quay, thịt lợn và dưa chuột muối, trứng cá hồi với bánh mì đen nên khi nhận mẩu thuốc lá từ tay Ziganshin, tôi vừa hút vừa chảy nước mắt. Có lẽ để giúp tôi bớt xúc động, Ivan Fedotov nói đùa “chắc lâu ngày không hút nên khói thuốc làm tôi cay mắt”.
Ngày thứ 40, 4 thủy thủ trên sà lan T-36 nhìn thấy một tàu buôn đi cách họ khoảng 3 hải lý nhưng mọi cố gắng ra hiệu cầu cứu của họ đều vô ích vì lúc này, chẳng còn vật gì có thể đốt được. Trong 3 ngày tiếp theo, lại có 2 tàu đi qua nhưng cũng như chiếc tàu đầu tiên, chẳng ai chú ý đến chiếc sà lan bé tí giữa đại dương mênh mông.
Đã thế, cả 4 người đều kiệt sức vì đói. Trung sĩ Ziganshin kể: “Đã hơn nửa tháng, tôi không còn viết nổi nhật ký hải trình. Nó cũng là thứ vật liệu duy nhất không bị đem ra đốt”. Theo trung sĩ Ziganshin, cả 4 người đều thống nhất rằng người còn sống sau cùng thì trước khi chết, sẽ viết vào nhật ký hải trình rằng họ đã chết như thế nào.
Hai trong số 4 người lính Liên Xô kể về chuyến trôi dạt với sĩ quan Mỹ trên tàu Kearsarge.
3. Ba giờ chiều ngày 7-3-1960, 49 ngày kể từ khi sà lan T-36 trôi dạt, cả 4 thành viên nằm bẹp trong buồng lái vì quá đói thì bỗng nghe có tiếng động cơ nổ rất lớn trên đầu. Trung sĩ Ziganshin nhớ lại: “Tôi cố gắng bò đến cửa sổ, thò đầu ra ngoài thì thấy nó là một chiếc trực thăng. Nó bay ngược sáng nên tôi chẳng biết nó thuộc quốc gia nào. Tôi đưa tay lên miệng, ra dấu rằng chúng tôi cần thức ăn và nước uống. Lúc nó quay lại, tôi mới biết nó là máy bay Mỹ bởi lá cờ sơn ở đuôi”.
Khoảng 20 phút, một chiếc xuồng hơi cập sát bên hông sà lan rồi 6 lính Hải quân Mỹ bước lên. Trong số này có người nói được tiếng Nga nên sau khi nghe trung sĩ Ziganshin kể lại cuộc hành trình, họ gọi về tàu mẹ - là tàu sân bay Kearsarge để báo cáo.
Tiếp theo, họ đề nghị cả 4 thủy thủ theo họ lên tàu Kearsarge để được chăm sóc sức khỏe nhưng trung sĩ Ziganshin từ chối. Ông kể: “Tôi sợ việc lên tàu Mỹ sẽ bị xem là hành vi phản bội quê hương. Tôi chỉ đề nghị họ cho chúng tôi thức ăn, nước uống, nhiên liệu và hải đồ để chúng tôi có thể tự quay về. Cũng đến khi ấy, tôi mới biết sà lan T-36 đã trôi dạt hơn 2.000km tính từ đảo Iturup, và nó đang ở gần đảo Wake trên Thái Bình Dương”.
Một lần nữa, tàu sân bay Kearsarge lại cử một nhóm thợ máy lên sà lan T-36. Mất hơn 1 tiếng xem xét, thợ máy Mỹ kết luận sà lan T-36 không còn có thể vận hành được vì cả 2 động cơ đã hỏng hoàn toàn trong lúc phụ tùng thay thế của Mỹ lại không tương thích.
Hơn nữa, do bị bão quăng quật nên thân sà lan cũng hư hại nhiều chỗ. Trung sĩ Ziganshin nói: “Họ cho chúng tôi biết dù họ có cung cấp đủ nước ngọt, lương thực, hải đồ, la bàn cùng các thiết bị cứu sinh, chiếc T-36 cũng không thể trụ nổi nếu gặp phải một cơn bão nữa. Dẫu vậy, tôi vẫn từ chối lời mời lên tàu họ”.
Khi thấy không thể thuyết phục được 4 thủy thủ Liên Xô, chiếc Kearsarge tiếp tục cuộc hành trình. Lúc này, nỗi lo sợ lại ập đến nên cuối cùng, cả trung sĩ Ziganshin, Anatoly Kryuchkovsky, Fiipp Poplavski và Ivan Fedotov quyết định lên tàu Kearsarge. Trung sĩ Ziganshin kể: “Tôi bị dằn vặt bởi suy nghĩ là thời điểm ấy, đang xảy ra cuộc chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Chúng tôi không được ai giúp đỡ ngoại trừ những người có khả năng trở thành kẻ thù...”.
Ngay sau khi 4 thủy thủ Liên Xô lên tàu Kearsarge, lính Mỹ lập tức đánh chìm chiếc T-36. Theo giải thích của họ, sà lan đã hư hỏng nặng và việc đánh chìm hoàn toàn không phải gây tổn hại cho phía Liên Xô, mà là không để nó biến thành mối đe dọa về an toàn hàng hải cho các tàu khác. Các sĩ quan trên tàu Kearsarge rất ngạc nhiên khi thấy 4 người Liên Xô rất tự chủ. Họ ăn rất ít dù mỗi người sụt mất từ 33 đến 40kg.
1 tuần sau, tàu sân bay Kearsarge đưa 4 thủy thủ đến San Francisco, bang California, Mỹ. Họ được phát cho những bộ quần áo dân sự rồi tiếp theo là một cuộc họp báo cùng những buổi phỏng vấn. Trước sau trung sĩ Ziganshin và 3 thủy thủ đều khẳng định mình là công dân Liên Xô, bị bão nên trôi dạt.
Trong một bữa tiệc chào mừng vì họ còn sống sau 49 ngày lênh đênh trên biển với những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, thị trưởng San Francisco đã trao cho họ một chiếc chìa khóa, là biểu tượng của thành phố.
Bên cạnh đó, họ còn được tặng mỗi người 100USD để chi tiêu khi đi thăm một số thắng cảnh. Trung sĩ Ziganshin kể: “Một quan chức của Hải quân Mỹ đến gặp tôi, nói rằng chúng tôi hoàn toàn có thể được cấp quy chế tỵ nạn chính trị nếu chúng tôi yêu cầu. Đáp lời, tôi nói chúng tôi không phải là kẻ phản bội tổ quốc. Chúng tôi đặt chân lên đất Mỹ trong hoàn cảnh bất khả kháng nên đề nghị của chúng tôi là nhanh chóng được trở về Liên Xô”.
Ngày 12-3, 4 thủy thủ được đưa đến thành phố New York. Tại đó, Đại sứ quán Liên Xô đã gặp họ và cho họ xem bức điện đặc biệt của Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Nikita Khrushchev. Bức điện có đoạn: Tôi chúc mừng các đồng chí thân yêu sức khỏe dồi dào và sớm trở về quê hương”.
Ngày 15-3, nghĩa là đúng 60 ngày kể từ khi chiếc T-36 gặp bão và bắt đầu trôi dạt, 4 thủy thủ lên tàu Queen Mary trong bộ quân phục của Hồng quân Liên Xô để đi châu Âu rồi từ đó, họ trở về Moscow.
Tại đây, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev và Bộ trưởng Quốc phòng Rodion Malinovsky đích thân ra đón họ. Cả 4 người đều được trao tặng Huân chương Sao Đỏ và được xuất ngũ vì thời gian nghĩa vụ của họ trong quân đội đã hết.
Năm 1964, Philip Poplavsky, Anatoly Kryuchkovsky và Askhat Ziganshin tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân Leningrad còn Ivan Fedotov trở về quê, làm thuyền trưởng tàu sông. Tất cả đều có một cuộc sống êm đềm nhưng dưới mắt nhân dân Liên Xô, họ mãi mãi là những người dũng cảm.