Có rất nhiều lý do khiến cho một phát kiến quân sự nào đó bị khai tử. Đôi khi là vì chúng xuất hiện không đúng thời điểm gây ra các cuộc tranh cãi giữa chính phủ và quân đội, đôi khi là vì những phát kiến này quá tệ và không đem lại hiệu quả cao trong chiến đấu. Tuy đã bị khai tử nhưng những phát kiến quân sự này lại đem đến những thay đổi lớn trong định hướng quân sự của một số cường quốc trên thế giới.
Dưới đây là 4 phát kiến quan trọng đã làm thay đổi định hướng quân sự của Hoa Kỳ
1. Máy bay trực thăng chiến đấu AH-56 Cheyenne
Máy bay trực thăng chiến đấu AH-56 Cheyenne (Ảnh: Wikipedia)
Vào đầu những năm 1960, Quân đội Mỹ mới thực sự đánh giá cao khả năng của những chiếc máy bay trực thăng trong chiến tranh. Họ đã sử dụng máy bay trực thăng vào cuối Thế chiến thứ hai, và sử dụng chúng rộng rãi ở Hàn Quốc với mục đích do thám và sơ tán.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Quân đội Mỹ đã có cái nhìn khắt khe hơn đối với những loại máy bay trực thăng này và chúng cần phải thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác nhau hơn.
Đó là lý do mà máy bay trực thăng AH-56 Cheyenne được ra đời, nó có thể bay với tốc độ cao và được tích hợp khả năng tấn công vượt trội so với những chiếc máy bay trực thăng thời điểm đó.
Cheyenne có thể hộ tống các máy bay trực thăng khác trong nhiệm vụ vận tải, hoặc thực hiện các hoạt động hỗ trợ và tấn công mặt đất một cách độc lập. Đặc biệt, nó được trang bị một hệ thống động cơ tuyệt vời có thể cung cấp tốc độ lên tới 275 dặm một giờ.
Được kỳ vọng nhiều là vậy, nhưng máy bay trực thăng AH-56 Cheyenne lại đem về vô số thất vọng. Các công nghệ tạo ra Cheyenne chưa được hoàn thiện và các nguyên mẫu đầu đã gặp phải những trục trặc khi hoạt động dẫn đến những tai nạn chết người.
Lực lượng Không quân Mỹ đã phản đối việc sử dụng Cheyenne và cho rằng Lục quân đang cố gắng "đánh cắp" các nhiệm vụ hỗ trợ và ngăn chặn trên không về cho mình. Lực lượng Không quân đã đề xuất một loại máy bay tấn công có cánh cố định (sau này được nâng cấp thành máy bay A-10) nhằm loại bỏ chương trình phát triển trực thăng AH-56 Cheyenne.
Và sau tất cả những biến cố trên, máy bay trực thăng AH-56 Cheyenne đã không bao giờ được đem vào sử dụng thực tế.
2. B-70 Valkyrie
Máy bay ném bom B-70 Valkyrie (Ảnh: National Interest)
B-70 Valkyrie được coi là sự thay thế hoàn hảo cho máy bay ném bom B-52 Stratofortress và B-58 Hustler, B-70 được thiết kế với mục đích xâm nhập không phận Liên Xô với độ cao và tốc độ tương đương Mach 3. B-70 được đặt cho biệt danh "máy bay ném bom mafia", là đại diện cho tương lai của Không quân Hoa Kỳ.
B-70 Valkyrie có vẻ ngoài bắt mắt, nó giống một con tàu vũ trụ hơn là một chiếc máy bay. Nguyên mẫu còn sót lại của B-70 Valkyrie vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ ở Dayton, Ohio.
Chi phí quá đắt đỏ là một rào cản lớn của B-70 Valkyrie. Cựu Tổng thống Mỹ Eisenhower và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara là hai người phủ quyết ý định chi một số tiền khổng lồ cho một chiếc máy bay ném bom hạng nặng.
Những tiến bộ trong công nghệ đánh chặn và tên lửa đất đối không của Liên Xô cũng khiến cho việc sử dụng máy bay ném bom B-70 Valkyrie của Mỹ không còn khả thi.
Sau khi chế tạo xong hai nguyên mẫu B-70 Valkyrie, Lực lượng Không quân Mỹ đã quyết định ngừng sản xuất dòng máy bay này. 15 năm sau, B-1B với một số đặc điểm bề ngoài tương đồng với nguyên mẫu B-70 Valkyrie đã được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng.
B-70 Valkyrie đem đến nhiều tiêu cực cho Lực lượng Không quân Hoa Kỳ. Việc dành nguồn lực to lớn để mua một chiếc máy bay ném bom chiến lược không phải là một lựa chọn sáng suốt.
Những chiếc B-70 đắt đỏ không tạo ra quá nhiều điểm khác biệt so với máy bay ném bom B-52. Những chiếc B-52 và B-1B có khả năng thích ứng linh hoạt khi thực hiện nhiệm vụ, một phần là do chúng có không gian cho phi hành đoàn lớn hơn so với B-70 Valkyrie. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara đã cứu Không quân Hoa Kỳ khỏi "một bàn thua trông thấy" khi quyết định ngừng mua máy bay ném bom B-70 Valkyrie.
3. A-12 Avenger
A-12 Avenger (Ảnh: National Interest)
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có một máy bay ném bom tấn công tàng hình có thể cất cánh từ tàu sân bay? Vào giữa những năm 1980, Hải quân Hoa Kỳ cần một chiếc máy bay thay thế cho chiếc A-6 Intruder.
Dựa trên sự tiến bộ của công nghệ tàng hình, McDonnell Douglas đã phát triển A-12 Avenger, một máy bay ném bom cận âm giống như một chiếc B-2 Spirit thu nhỏ. Kết hợp khả năng tàng hình với tính linh hoạt của các hoạt động tác chiến trên tàu sân bay, A-12 hứa hẹn đem đến một khả năng tấn công lén lút trong mọi thời tiết. Ngay cả Lực lượng Không quân Hoa Kỳ thời điểm đó cũng bày tỏ sự quan tâm đến A-12 như một sự thay thế cho F-111 Aardvark.
Mặc dù rất được trông đợi nhưng máy bay A-12 Avenger đã gặp phải nhiều vấn đề trong khi phát triển, đặc biệt là vấn đề vật liệu để chế tạo, và khi chi phí dự đoán đối với mỗi chiếc máy bay A-12 phình ra ước tính khoảng 165 triệu USD, thì dự án này đã bị hủy bỏ bởi Bộ trưởng bộ quốc phòng lúc đó là Dick Cheney vào tháng 1 năm 1991.
Sau khi dự án phát triển máy bay A-12 Avenger bị loại bỏ, Hải quân Hoa Kỳ đã quyết định không mua một máy bay ném bom tàng hình tiên tiến khác mà lựa chọn F/A-18E/F Super Hornet để thay thế. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tạm thời, nhu cầu về một tiêm kích có khả năng tàng hình của Hải quân Hoa Kỳ vẫn còn đó.
Sau này, Lực lượng Hải quân Mỹ đã phát triển một dòng máy bay mới mang tên F-35C nhằm thay thế F/A-18E/F Super Hornet, nhưng kết quả nhận lại không được như kỳ vọng. Không quân Hoa Kỳ hiện đang tập trung phát triển loại máy bay ném bom thế hệ tiếp theo, một dự án gần giống với A-12 về nhiều mặt.
4. Tàu kiểm soát biển
Điều gì sẽ xảy ra nếu Hải quân Hoa Kỳ tiến hành đóng số lượng lớn các tàu sân bay nhỏ thay vì một vài tàu sân bay rất lớn? Trong Thế chiến thứ hai, Hải quân Hoàng gia Anh và Hải quân Hoa Kỳ (USN) đã sử dụng một số lượng lớn tàu sân bay hộ tống, đây là những tàu sân bay nhỏ có thể hỗ trợ các hoạt động chống tàu ngầm và đổ bộ.
Vào đầu những năm 1970, Đô đốc Elmo Zumwalt đã thúc đẩy ý tưởng về Tàu Kiểm soát Biển (SCS), một tàu sân bay nhỏ có thể bảo vệ các tuyến đường biển trước máy bay tấn công tầm xa cũng như tàu ngầm của Liên Xô.
USN đã tiến hành thử nghiệm kết hợp Tàu Kiểm soát Biển với tàu sân bay trực thăng USS Guam trong một vài năm. Tuy nhiên, Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ sau đó nhận thấy chi phí cho các Tàu Kiểm soát Biển là quá lớn nên họ đã quyết định dừng dự án này.