Tổng thống Donald Trump ngày 19/12 tuyên bố bắt đầu quá trình rút binh lính khỏi Syria với lý do hoàn thành sứ mệnh đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại quốc gia Trung Đông này. Ngay lập tức, nhiều nghị sĩ Mỹ, trong đó có các nghị sĩ đảng Cộng hòa, quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh quốc tế của Washington đã lên tiếng phản đối quyết định này.
Hầu hết các ý kiến chỉ trích cho rằng việc rút quân có thể tác động đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường, củng cố vai trò của Nga và Iran - vốn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad - trong khu vực.
“Tôi nghĩ đó là một sai lầm chết người. Tôi nghĩ kẻ thù sẽ đi nói với đối tác và đồng minh của ta rằng ‘thấy đấy, nước Mỹ không đáng tin một chút nào”, Thương nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio nhận xét.
“Không vì những phát ngôn của Tổng thống Trump rằng đã đánh bại IS mà chúng ta an toàn hơn. Tổng thống tiếp tục bỏ qua những lời khuyên từ cố vấn tình báo, ngoại giao, quân sự cảnh báo các hành động mạo hiểm của ông”, Thượng nghị sĩ Jack Reed đại diện cấp cao Đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Dưới đây là 4 kịch bản tương lai Syria có thể hướng tới mà giới phê bình "lo ngại" khi Mỹ quyết định rút toàn bộ quân khỏi Syria:
IS hồi sinh: Hiện tổ chức khủng bố IS đang co cụm thành những nhóm nhỏ ở phía Đông Syria, gần biên giới với Iraq. Gần đây giao tranh thường xảy ra xung quanh thị trấn phía đông Hajin dọc sông Euphrates. Điều đáng nói ở đây là nếu Mỹ rút khỏi phía Đông Bắc Syria, các nhóm nhỏ của IS có nguy cơ tái hợp và gây dựng quy mô lớn.
Iran và Nga tuyên bố chiến thắng: Ngay từ khi xảy ra chiến sự tại Syria, Iran đã đầu tư hỗ trợ quân sự và kinh tế thể hiện sự ủng hộ với chính quyền Tổng thống Bashar Assad. Trong khi đó, năm 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin cử các lực lượng quân sự đến hỗ trợ Syria.
Với quyết định quân đội Mỹ rút khỏi Syria, Iran và Nga và Phong trào Hezbollah - nhóm người Li-băng chiến đấu bên cạnh lực lượng của ông Assad - đều coi đó là một thành công lớn trong khi Tổng thống Assad tiếp tục củng cố quyền lực, tập trung lực lượng tái chiếm những khu vực khác của đất nước bị mất trong cuộc nội chiến 7 năm qua.
Thổ Nhĩ Kỳ phát động tấn công người Kurd: Tại Syria, Mỹ hợp tác với YPG - nhóm dân quân người Kurd Syria mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan luôn coi họ là những kẻ khủng bố đe dọa đất nước. Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần báo hiệu họ muốn tiến hành một cuộc tấn công ở miền Bắc Syria chống YPG.
Với việc Mỹ rút quân khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nhiều không gian hơn trong việc tấn công người Kurd, từ đó các nhà phê bình lo ngại về một sự mất ổn định một khu vực và tạo ra một làn sóng người tị nạn mới.
Mỹ bỏ rơi đồng minh: Trong quá khứ, người Kurd tại Trung Đông đã nhiều lần bị ám ảnh với cảm giác bị Mỹ bỏ rơi. Họ hy vọng lần hợp tác này trong chiến dịch chống khủng bố IS, phía Mỹ sẽ thể hiện niềm tin to lớn hơn.
Tuy nhiên, với quyết định rút quân, một lần nữa lực lượng người Kurd sẽ cảm thấy mình kẹt trong thế khó, khi một mình vừa phải đối phó với quân đội Chính phủ Syria vừa phải chống trọi với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ bên kia biên giới.
https://baotintuc.vn/the-gioi/4-kich-ban-o-syria-sau-khi-my-rut-quan-20181220161324574.htm