Đến nay, nhiều nhà quan sát chính trị vẫn chưa thể đánh giá hết được ý đồ của ông D. Trump khi đưa ra quyết định này. Bản thân Tổng thống Nga V. Putin trong cuộc họp báo ngày 20/12/2018 tại Moskva cũng đã phát biểu rằng ông "chưa hiểu ý định của ông D. Trump khi đưa ra quyết định rút quân khỏi Syria vào lúc này".
Quyết định được toan tính từ lâu
Tổng thống D. Trump nói lý do duy nhất của việc rút quân là quân Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Không phải hoàn toàn như vậy. Đúng là đến nay IS đã bị đánh bại ở Iraq và Syria, nhưng chúng vẫn đang tìm cách phục hồi hoạt động và vẫn còn là mối đe dọa tiềm tàng đối với khu vực, chưa nói đến các lực lượng khủng bố khác vẫn hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau tại Syria.
Đáng lưu ý, trước khi đưa ra quyết định mang tính chất chiến lược quan trọng như thế này ông D. Trump không hề tham khảo ý kiến của bất cứ ai trong chính quyền, Quốc hội, thậm chí các cố vấn thân cận nhất của ông. Ông không bàn bạc gì và thậm chí cũng không thông báo cho các đồng minh của mình trong liên minh chống khủng bố. Như vậy, việc IS bị đánh bại chỉ là cái cớ để ông D. Trump đi đến quyết định rút quân mà thôi.
Nhiều ý kiến cho rằng ông D. Trump đưa ra quyết định rút quân khỏi Syria là bất ngờ. Cũng không phải.
Đây là một quyết định có tính toán từ lâu của ông D. Trump. Ngay từ năm 2016, trong chiến dịch tranh cử, ông D. Trump đã hứa sẽ rút quân Mỹ khỏi Syria. Cách đây 6 tháng ông cũng đã tuyên bố sẽ rút và đây là thời điểm để ông thực hiện lời hứa cuối cùng đối với cử tri Mỹ.
Có lẽ cái bất ngờ ở đây là ông Trump quyết định rút quân vô điều kiện, đặc biệt không gắn với đòi hỏi Iran cũng phải rút các lực lượng của mình khỏi Syria.
Ngay từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống D. Trump đã tuyên bố chính sách "Nước Mỹ trên hết". Việc rút các lực lượng của Mỹ khỏi Trung Đông, trong đó có Syria và Afghanistan là nằm trong chính sách này của ông. Cách đây nửa năm, ông D. Trump tuyên bố nếu Ả Rập Saudi muốn Mỹ ở lại Syria thì họ phải trả tiền.
Mới đây ông cũng nói "Mỹ không muốn đóng vai trò là cảnh sát miễn phí của khu vực Trung Đông".
Theo thống kê của Lầu Năm góc, từ khi đưa quân sang Syria năm 2015 đến 2018, Mỹ đã phải chi trên 38 tỷ USD và dự toán chi phí cho năm 2019 là 15,3 tỷ USD. Cũng trong 3 năm qua, Mỹ đã chi 331 triệu USD tiền nhiên liệu và công tiếp dầu trên không cho các máy bay chiến đấu của Ả Rập Saudi và UAE hoạt động tại Yemen mà không nhận được gì.
Trong khi đó Syria, Iran, người Houthi ở Yemen không phải là mối đe dọa đối với an ninh của nước Mỹ.
Đối với Mỹ, trong tình hình Syria đang chuyển biến tích cực, các lực lượng Nga và Syria đang làm chủ chiến trường, chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad đã khôi phục lại được quyền kiểm soát đối với hầu hết toàn bộ đất nước, thì việc giữ lại 2.000 quân Mỹ ở lại Syria sẽ không có ý nghĩa gì về quân sự cũng như địa-chính trị.
Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đạt được thỏa thuận với Nga và Iran đồng bảo trợ cho các cuộc thương lượng Astana thì về lý thuyết vai trò của Mỹ sẽ trở nên thứ yếu trong giải pháp Syria.
Một số nhà quan sát chính trị còn cho rằng ông Trump muốn trao Syria cho tam giác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran để rảnh tay thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối phó với đối thủ chính của Mỹ hiện nay là Trung Quốc.
Đây có thể là một thỏa thuận ngầm giữa Washington-Ankara-Moskva. Không phải ngẫu nhiên ông D. Trump chỉ thông báo quyết định rút quân cho Tổng thống Racep T. Erdogan và Tổng thống V. Putin. Việc rút quân khỏi Syria là nằm trong chiến lược chung của Mỹ tại Trung Đông.
Syria, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran được hưởng lợi
Sự có mặt của quân Mỹ ở Syria là bất hợp pháp nên việc rút quân Mỹ khỏi nước này với bất kỳ lý do nào cũng có lợi cho lợi cho Syria. Damascus đã hoan nghênh quyết định của D. Trump.
Trong 2 năm cầm quyền, Tổng thống D. Trump rất căng trong quan hệ với Nga và Iran, tăng cường cấm vận Nga, rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), trừng phạt Iran....
Bây giờ Nga và Iran sẽ được lợi trong việc Mỹ rút quân khỏi Syria. Các lực lượng của Nga sẽ tự do hoạt động trên toàn lãnh thổ Syria mà không còn lo ngại về khả năng đụng độ với các lực lượng Mỹ nữa. Iran cũng sẽ dễ dàng bảo vệ các lợi ích của mình ở Syria.
Mặc dù căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ. Washington không thể để Thổ Nhĩ Kỳ ngả hoàn toàn sang Nga và Iran. Việc Mỹ rút quân khỏi Manbij, khu vực phía Đông Euphrate là đáp ứng được một đòi hỏi quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, giảm bớt căng thẳng và tránh được một cuộc đối đầu quân sự với Ankara.
Cách đây hơn một tuần Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ mở một chiến dịch quân sự mới vào khu vực người Kurd ở Đông Euphrate, nơi đồn trú của quân Mỹ.
Sau khi Mỹ rút, người Kurd vốn được các lực lượng Mỹ bảo vệ, nay sẽ phải tìm cách hoà giải với Thổ Nhĩ Kỳ và có thái độ uyển chuyển hơn trong quan hệ với chính quyền Damascus và Moskva.
Ông Trump khẳng định quyền uy
Tổng thống D. Trump đang phải đối phó với nhiều áp lực trong nước. Thượng viện Mỹ vừa thông qua một nghị quyết cáo buộc Thái tử Mohammed bin Salman đứng sau vụ sát hại nhà báo J. Khashoggi ngày 2/10/2018 và Tổng thống D. Trump bao che cho tội ác này.
Trong một vấn đề khác, điều tra viên đặc biệt Robert Muller đang tập trung vào giai đoạn hai của cuộc điều tra về mối quan hệ của ông Trump với các nhân vật của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Saudi và Israel trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Việc trốn thuế, quan hệ bất chính với diễn viên khiêu dâm Stephanie Clifford... vẫn là những vấn đề nóng đeo đuổi ông. Việc ông Trump chọn thời điểm này để đưa ra quyết định rút quân khỏi Syria là muốn đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận trong nước khỏi những chỉ trích đang nhằm vào ông, đồng thời để khẳng định quyền uy của Tổng thống.
Đây mới chỉ là tuyên bố của Tổng thống D. Trump, việc rút quân thực sự vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên, bất luận thế nào đi chăng nữa thì quyết định của Tổng thống D. Trump rút quân khỏi Syria phải được nhìn nhặn là một bước đi tích cực, góp phần vào việc tìm ra giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột Syria.