Trong suốt hàng nghìn năm phong kiến Trung Hoa, có rất nhiều nữ nhân ghi dấu ấn trên sách sử với vai trò là Hoàng hậu của một đất nước. Tuy nhiên, có nhiều vị Hoàng hậu đặc biệt đến mức người đời sau luôn phải nhắc đến với một thái độ hoang mang.
Hoàng hậu Lý Phụng Nương, vị Hoàng hậu đanh đá nhất lịch sử Trung Hoa
Bà là Hoàng hậu duy nhất của Tống Quang Tông Triệu Đôn. Vì lời phán tướng số của một đạo sĩ, Lý Phụng Nương được Tống Cao Tổ hỏi cưới cho con trai Triệu Đôn, lúc đó vẫn là Thái tử. Sau đó, khi Tống Cao Tổ nhường ngôi Triệu Đôn, Lý Phụng Nương cũng được lập làm Hoàng hậu.
Tuy nhiên, không một ai ngờ được rằng, đằng sau dung mạo xinh đẹp của Lý Phụng Nương lại là một con người cay độc và hay ghen tuông. Bà không cho phép Hoàng đế được gần gũi bất kỳ nữ nhân nào khác. Thậm chí, nhân lúc Tống Quang Tông xuất cung, bà đã ra tay sát hại Quý phi Hoàng thị và đuổi 2 sủng phi khác ra khỏi cung. Hoàng đế biết chuyện dù rất đau lòng cũng không dám trách phạt Lý Phụng Nương.
Về sau, Lý Phụng Nương còn cố ý ly gián tình cảm giữa Tống Quang Tông và Thái thượng hoàng, khiến cha con họ trở mặt đến cuối đời.
Ảnh minh họa.
Chiêu Đức Hoàng hậu Vương thị, vị Hoàng hậu đoản mệnh nhất lịch sử Trung Hoa
Chiêu Đức Hoàng hậu Vương thị là vị Hoàng hậu duy nhất của Đường Đức Tông Lý Thích, được Hoàng đế nhất mực sủng ái nhưng chỉ tại vị mẫu nghi thiên hạ nửa ngày thì qua đời.
Vương thị xuất thân từ gia đình quan lại, gia thế không quá thấp nhưng sử sách không ghi chép cụ thể về tên và ngày tháng năm sinh của bà. Đến tuổi trưởng thành, bà được gả cho Phụng Tiết quận vương Lý Thích.
Năm 779, Lý Thích lên ngôi Hoàng đế, tức Đường Đức Tông, Vương thị được sách phong làm Thục phi, còn con trai của bà được lập làm Thái tử. Tuy nhiên, khi Đường Đức Tông muốn lập Vương thị thành Hoàng hậu cũng là lúc sức khỏe của bà đã quá yếu, không còn cách nào chữa bệnh nữa.
Lúc đó, quá tức giận bản thân vì không chịu lập sủng phi làm Hoàng hậu sớm hơn, Hoàng đế đã cho người khẩn trương cử hành điển lễ sách phong. Nhưng, vừa kết thúc điển lễ thì Vương thị cũng trút hơi thở cuối cùng.
Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu Diệp Hách Na Lạp thị, vị Thái hậu cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa
Diệp Hách Na Lạp thị là con gái của Phó Đô thống Quế Tường, cháu ruột của Từ Hi Thái hậu và cũng là chị họ của Hoàng đế Quang Tự. Với dung mạo không ưa nhìn và tính cách nhu nhược, bà không hề được Hoàng đế xem trọng. Sau khi được Từ Hi Thái hậu chỉ định làm Hoàng hậu của Hoàng đế Quang Tự, Diệp Hách Na Lạp thị đã phải sống dưới sự thao túng của kẻ khác, cuộc đời không khác một con cờ.
Ảnh minh họa.
Sau khi Hoàng đế Quang Tự băng hà, bà trở thành Thái hậu cuối cùng của nhà Thanh và cũng là Thái hậu cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc.
Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị, vị Hoàng hậu khôn ngoan nhất triều nhà Thanh
Bà là Hoàng hậu của Hoàng đế Gia Khánh, được người đời sau xem là một nữ nhân kỳ lạ nhất nhì triều Thanh. Bà không những không tranh giành quyền lực cho con trai mà còn ủng hộ con trai của tình địch trở thành Hoàng đế.
Nữu Hỗ Lộc thị được gả cho Hoàng đế Gia Khánh khi ông là Gia Thân vương và chỉ được phong làm Trắc phúc tấn. Biết rõ nữ nhân trong lòng Hoàng đế là người khác nên Nữu Hỗ Lộc thị luôn an phận từ lúc đấy.
Khi Hoàng đế Gia Khánh lên ngôi, Nữu Hỗ Lộc thị được sách phong Quý phi. Năm Gia Khánh thứ 6, bà chính thức trở thành Hoàng hậu. Tuy nhiên, thay vì tranh giành quyền lợi cho con trai mình, bà đã ủng hộ các con của vị Hoàng hậu trước, thậm chí còn trực tiếp nuôi dạy con trai Mân Ninh của Hiếu Thục Duệ Hoàng hậu.
Sau khi Tân đế kế vị, bà được tôn làm Hoàng thái hậu, cuộc sống của bà về sau vô cùng nhàn nhã và thoải mái, bà sống thọ đến 74 tuổi.