Giáo dục con cái là một hành trình gian nan đối với các bậc phụ huynh nói riêng cũng như hầu hết các gia đình nói chung.
Trong quá trình ấy, mọi lời nói, hành động và cử chỉ từ phía cha mẹ sẽ trở thành nhân tố trọng yếu ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách của các bé.
Vì vậy, để trang bị cho con cái hành trang vào đời tốt nhất, các bậc phụ huynh không thể coi nhẹ sức ảnh hưởng từ lời nói và hành vi của mình.
Dưới đây là 4 kiểu thái độ, hành động thường bị cha mẹ coi nhẹ, nhưng lại có tác động rất lớn tới cuộc đời con trẻ.
1. Thái độ của cha mẹ khi đối mặt với khó khăn
Cách đối mặt với khó khăn của cha mẹ sẽ trở thành hành trang kinh nghiệm theo con cái đến suốt cuộc đời. (Ảnh minh họa).
Con trẻ thường rất thích bắt chước cách biểu đạt cùng hành động, cử chỉ từ cha mẹ. Trong quá trình chung sống, các em sẽ được chứng kiến và tiếp thu cách xử lý của phụ huynh khi đối mặt với lo âu, áp lực.
Nếu cha mẹ dùng ngôn ngữ quá khích cùng thái độ ưu tư để giải quyết một vấn đề khó khăn, con cái của họ khi trưởng thành cũng sẽ áp dụng loại ngôn ngữ tiêu cực ấy và hình thành xu hướng nhìn nhận cuộc sống hết sức cực đoan.
Tương tự như vậy, việc cha mẹ dùng thái độ nóng giận để giải tỏa áp lực sẽ lưu lại những vết thương tâm hồn con trẻ, khiến các bé ngày sau cũng có lối hành xử nóng nảy.
Trong trường hợp cha mẹ thường xuyên biểu lộ sự chán chường, đứa trẻ hoàn toàn có thể nảy sinh cảm giác bất an, thậm chí còn trở nên u uất, trầm cảm.
Có thể nói, cách đối mặt với các sự việc trong cuộc sống của cha mẹ có ảnh hưởng hết sức quan trọng với cuộc đời con trẻ.
Cha mẹ có tính cách rộng rãi, con trẻ tự nhiên cũng được thừa hưởng sự phóng khoáng.
Ngược lại, nếu sống cùng phụ huynh có thái độ chán nản với cuộc đời, các bé sẽ thường xuyên bị đè nén tâm trạng, khiến tinh thần trở u ám.
Bởi vậy, các bậc phụ huynh nên duy trì sự lạc quan và giải quyết các vấn đề theo lối tích cực.
Điều này không chỉ giúp bạn khắc phục khó khăn một cách nhanh chóng mà còn trở thành bài học về nhân cách, đạo đức cho thế hệ sau của chúng ta.
2. Cách người lớn đối nhân xử thế
Những thiếu sót trong cách đối nhân xử thế của cha mẹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ. (Ảnh minh họa).
Gia đình hòa thuận là điều kiện quan trọng để con trẻ trưởng thành một cách tốt đẹp.
Nếu lớn lên trong một môi trường mà cha mẹ, họ hàng thường xuyên gây gổ, các bé sẽ khó có thể nhận đủ tình yêu thương.
Khuyết thiếu đi sự đùm bọc, yêu thương từ một mái ấm hạnh phúc sẽ khiến các em không có cảm giác an toàn, thậm chí trở thành bóng đen tâm lý. Sau này, những đứa trẻ ấy sẽ trở nên khó biểu đạt tình cảm, thậm chí đối xử với người khác một cách tiêu cực.
Bên cạnh các mối quan hệ gia đình, thái độ ứng xử của cha mẹ đối với người ngoài cũng dễ dàng lưu lại dấu ấn trong lòng con trẻ.
Nếu phụ huynh đối nhân xử thế bất bình đẳng, con cái của họ cũng sẽ nhìn người khác bằng thái độ "phân chia đẳng cấp" ngay từ khi còn nhỏ.
Nhưng nếu cha mẹ là người biết đối nhân xử thế, thế hệ sau của họ cũng sẽ học được cách đối xử hòa nhã, tử tế với mọi người.
3. Những thói quen trong cuộc sống hàng ngày của gia đình
Chỉ một vài thói quen nhỏ trong cuộc sống cũng có thể trở thành bài học làm người quý giá đối với thế hệ sau của chúng ta. (Ảnh minh họa).
Thói quen là thứ có thể làm thay đổi cuộc sống. Duy trì những thói quen tích cực không chỉ khiến cuộc sống thêm phần tốt đẹp mà còn giúp cho thế hệ sau của chúng ta có một tương lai tươi sáng hơn.
Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng, có không ít thói quen tưởng như nhỏ bé trong sinh hoạt hàng ngày lại đem tới sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong quá trình giáo dục con trẻ.
Nhiều thói quen tốt thể hiện ở nhiều chi tiết nhỏ như nghiêm túc làm việc, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, chuyên cần…
Duy trì những nếp sống tốt đẹp này sẽ cải thiện cuộc sống của gia đình bạn, đồng thời giúp con trẻ nhà bạn có cơ hội rèn luyện thêm nhiều đức tính.
4. Cách phụ huynh biểu đạt tình cảm với mọi người
Sinh ra trong các gia đình không hòa thuận, thiếu tình yêu thương là một thiệt thòi lớn cho con trẻ. (Ảnh minh họa).
Một gia đình mà vợ chồng không yêu thương nhau, người thân không đùm bọc nhau, ngay tới hàng xóm cũng đem lòng ghét bỏ thì muốn nuôi dưỡng nên đứa trẻ giàu lòng yêu thương là điều hết sức khó khăn, thậm chí có thể nói là khó thực hiện.
Nếu cha mẹ không dạy con cái cách quan tâm người khác ngay từ khi còn nhỏ, các bé sẽ mang tâm lý tự coi mình là trung tâm thế giới. Quan điểm lệch lạc này sẽ khiến các em trở nên thiếu thân thiện, không biết quan tâm tới người khác, lại càng không biết cách biểu đạt tình cảm.
Ngược lại, nếu cha mẹ dùng tâm tính thiện lương và tấm lòng yêu thương chân thành để đối đãi với mọi người, họ sẽ trở thành tấm gương mẫu mực cho con trẻ.
Hạt giống tình cảm sẽ đâm chồi nảy lộc trong lòng các bé, bồi dưỡng các em trở thành những con người nhân hậu và giàu lòng yêu thương.