"Kim Jong un thân thiện và táo bạo"
Theo The New York Times (NYT - Mỹ), kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chưa bao giờ công du nước ngoài và cho đến tuần này, trước khi gặp gỡ phái đoàn đặc sứ của Tổng thống Hàn Quốc, ông chỉ từng đối thoại với đại diện Trung Quốc, Cuba và Syria. Vì vậy, các quan chức Hàn Quốc bày tỏ sự lo lắng trước sự đón tiếp của Bình Nhưỡng trong những ngày họ công du nơi đây.
"Các đặc sứ Hàn Quốc không ngờ rằng trong 4 tiếng đồng hồ gặp mặt hôm thứ 2 vừa qua đã cho thấy một Kim Jong-un thân thiện và táo bạo", NYT dẫn lời quan chức Hàn Quốc và nhận định đây là cơ hội hiếm có để Seoul trực tiếp đề xuất lý do giải trừ vũ khí hạt nhân với ông Kim nhưng cũng là cơ hội quý giá để đánh giá về nhà lãnh đạo này.
Phái đoàn Hàn Quốc tọa đàm cùng lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Ban đầu, đại diện Hàn Quốc lo ngại lãnh đạo Triều Tiên sẽ đe dọa leo thang căng thẳng nếu Mỹ - Hàn tiếp tục các cuộc tập trận chung vào tháng tới bởi trước đây, Bình Nhưỡng thường tiến hành các vụ thử tên lửa quy mô lớn và dọa tấn công hạt nhân vào Mỹ khi Mỹ-Hàn tổ chức tập trận chung.
"Chúng tôi hy vọng Ngài lần nữa có thể đưa ra quyết định táo bạo, như vậy, chúng ta có thể khắc phục trở ngại này", đặc sứ của Tổng thống Hàn Quốc, Chung Eui-yong viết trong sổ ghi nhớ. Đài truyền hình Triều Tiên cũng phát đi hình ảnh này.
Theo NYT, ông Kim Jong-un không chỉ chấp nhận các cuộc diễn tập chung Mỹ-Hàn mà còn tuyên bố sẵn sàng khởi động đàm phán về việc ngừng kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân với Washington. Kim Jong-un còn nói với đoàn Hàn Quốc rằng, trong thời gian đàm phán, ông sẽ tạm dừng tất cả các cuộc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Đây cũng là sự thay đổi rất lớn của ông Kim Jong-un bởi cách đây mấy tháng, ông còn tiến hành chuỗi các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đảo xuyên lục địa khiến quốc tế lo ngại về tình hình leo thang căng thẳng trên bán đảo.
Lãnh đạo Triều Tiên và đại diện Hàn Quốc dự tiệc tối
Ông cũng phá vỡ một số thông lệ, khi lần đầu tiên mời các quan chức Hàn Quốc vào đàm phán trong văn phòng đảng Lao động Triều Tiên dưới trong bầu không khí thoải mái, thân thiện. Trong tiệc tối, vợ ông Ri Sol-ju - là đệ nhất phu nhân Triều Tiên đầu tiên được giới thiệu với quan khách Hàn Quốc.
Sau bốn tiếng đồng hồ hội đàm và dùng tiệc tối, khi quan khách rời đi, Kim Jong-un đã tiễn họ ra cửa, tươi cười và vẫy tay chào tạm biệt.
"Ông ấy là người rất khó đối phó", Kim Sung-han, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, hiện đang giảng dạy tại Đại học Hàn Quốc nói, "Ông ấy liều lĩnh nhưng cũng rất chú trọng chi tiết. Ông ấy rất tham vọng và mong muốn giành chiến thắng".
Nghi vấn của dư luận
NYT đánh giá, ông Kim Jong-un bắt đầu thể hiện hình ảnh của một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm bằng cách khoác lên mình bộ vest màu xám thay vì bộ trang phục kiểu Tôn Trung Sơn trong bài phát biểu thông điệp năm mới 2018 - bài thông điệp phát đi tín hiệu cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Động thái này đặt nền móng cho chuyến thăm Bình Nhưỡng vừa qua của Nhà Xanh và hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 tới tại làng phi quân sự Bành Môn Điếm.
Đặc sứ của Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA
Cựu Thống đốc bang New Mexico Bill Richardson, một phái viên ngoại giao kỳ cựu trong các đàm phán của Mỹ về Triều Tiên, cho biết chuyến thăm của đoàn Hàn Quốc đã mang lại nhiều điều quan trọng về lãnh đạo Triều Tiên.
"Tôi có thể nói ông Kim Jong-un đã bị đánh giá thấp", Richardson nói. "Ông ấy dường như đang phát triển thành một nhà tư duy chiến lược... Ông ấy đang thiết lập chương trình nghị sự nhằm giảm leo thang căng thẳng ".
Tuy nhiên chuyên gia Mỹ cũng đặt nghi vấn về việc "ông Kim Jong-un có thể đang lừa dối dư luận" khi áp dụng chiến lược ngoại giao mềm mỏng.
Lee Sung-yoon, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts nhận định: "Có thể những nụ cười và thông điệp mềm mỏng ông Kim dành cho Seoul là một cách câu giờ và củng cố tài chính nhằm hoàn thiện chương trình hạt nhân".
Trong khi Giáo sư nghiên cứu vấn đề Triều Tiên Koh Yu-hwan thuộc Đại học Dongguk Hàn Quốc đánh giá: "Kim Jong-un cho thấy sự tự tin vào mối đe dọa hạt nhân mà ông đang nắm trong tay và coi đó là ưu thế khi đàm phán với Washington và Seoul".
"Chúng ta có thể nhận thấy, ông ấy ngày càng tự tin hơn", Koh Yu-hwan nhấn mạnh. "Nếu nhìn vào những sự việc đã xảy ra trong vài tháng qua có thể thấy, Kim Jong-un là người nắm quyền chủ động trong những thời điểm quan trọng".
Ông Yang Moo-jin, Giáo sư Đại học nghiên cứu vấn đề Triều Tiên ở Seoup thì cho rằng, bên cạnh kế hoạch phát triển hạt nhân, lãnh đạo Triều Tiên còn muốn thúc đẩy nền kinh tế: "Ông ấy biết, nếu không cải thiện quan hệ với Hàn, Mỹ sẽ không thể khôi phục kinh tế".
Hiện Triều Tiên đang chịu nhiều lệnh trừng phạt từ Liên hợp quốc và các nước phương Tây. Một số điều tra cho thấy, những lệnh cấm vận này có thể khiến Bình Nhưỡng đứng trước nguy cơ khủng hoảng năm 2019.