Chuyến đi Washington của thân tín ông Tập "rối như canh hẹ" và choáng vì bị Mỹ phủ đầu

Hải Võ |

Phái đoàn Trung Quốc công du Mỹ hồi cuối tháng 2 do ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Tập Cận Bình, dẫn đầu dường như đã bị Washington "phủ đầu" - theo SCMP.

Phái đoàn bị cắt giảm, không tìm được đầu mối tiếp xúc

Các nguồn tin của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tiết lộ, ban đầu Trung Quốc có kế hoạch cử một phái đoàn quy mô lớn với 40 thành viên để tháp tùng Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng tiểu tổ lãnh đạo công tác tài chính kinh tế trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lưu Hạc trong chuyến công du Mỹ từ ngày 27/2 đến 2/3 vừa qua. Tuy nhiên, phía Mỹ phản đối và quy mô đoàn đại biểu Trung Quốc bị giảm xuống còn khoảng 10 người.

Ông Lưu Hạc, một trong những "cánh tay phải" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là cố vấn kinh tế thân cận nhất của ông Tập. Do đó, chuyến thăm Mỹ của ông Lưu được cho là để truyền đạt lập trường của ông Tập và đàm phán với chính quyền tổng thống Donald Trump, nhằm tránh rủi ro chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo SCMP, ông Lưu xuất phát từ Bắc Kinh với phái đoàn ít hơn dự kiến rất nhiều. Trong đoàn có Thứ trưởng thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, Thứ trưởng tài chính Chu Quang Diệu và Thứ trưởng ngoại giao Trịnh Trạch Quang.

Thậm chí, các nguồn tin còn hé lộ ông Lưu đến Mỹ trong tình trạng mơ hồ bởi những thay đổi nhân sự trong Nhà Trắng. Ông thậm chí không thể xác định "đồng cấp Mỹ" của mình sẽ là ai.

"Trung Quốc không biết họ có thể trao đổi với ai trong chính quyền Trump. Và cả chúng tôi cũng vậy," nguồn tin Mỹ nói với SCMP.

Trong 5 ngày ở Washington, Lưu Hạc đã gặp Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn - người vừa từ chức trong tuần này.

Theo nguồn tin trên, trước chuyến thăm của ông Lưu, Bắc Kinh đã tìm cách thiết lập nhiều liên hệ trong chính quyền Trump, bao gồm với con rể tổng thống Jared Kushner, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Mnuchin. Nhưng số phận Kushner trong Nhà Trắng không rõ ràng, Ross không thân cận tổng thống, còn ông Mnuchin chủ yếu xử lý các vấn đề nội địa.

"Trung Quốc không biết được ai thân cận với tổng thống ở Washington," một nguồn tin ngoại giao từ phía Trung Quốc tiết lộ. "Nhóm của ông Trump rất không ổn định, và chúng tôi không biết phải nói với ai."

Chuyến đi Washington của thân tín ông Tập rối như canh hẹ và choáng vì bị Mỹ phủ đầu - Ảnh 1.

Ông Dương Khiết Trì gặp ngoại trưởng Rex Tillerson trong chuyến thăm Mỹ đầu tháng 2/2018, cũng nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (Ảnh: Reuters)

Truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả kết quả chuyến công du năm ngày của Lưu Hạc là tích cực, nhưng việc Mỹ không tiếp nhận phái đoàn đông đảo ban đầu như ý Bắc Kinh cho thấy chính quyền Trump đang cứng rắn với Trung Quốc.

Ông Lưu là thành viên thứ hai trong Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc khóa 19 công du Mỹ trong tháng trước, sau Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì.

Cả hai chuyến thăm đều không mang lại kết quả đáng kể khi Bắc Kinh không thể thuyết phục Washington tái khởi động Đối thoại kinh tế toàn diện (CED) - kênh đàm phán quan trọng giữa hai nước mà Mỹ đình chỉ từ năm ngoái.

Thành quả duy nhất có thể nhận thấy - theo SCMP - từ chuyến đi của ông Lưu Hạc là thỏa thuận Mỹ-Trung về việc tổ chức đối thoại về những vấn đề kinh tế và thương mại "trong tương lai gần" ở Bắc Kinh. Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo đưa tin về thỏa thuận, nhưng không cung cấp chi tiết.

Nhưng hai nguồn tin từ Mỹ thân cận với cuộc thảo luận nói rằng Washington không vội vàng xúc tiến những kênh đối thoại trên.

"Đã có hạn chế trong việc cử các Bộ trưởng nội các tới Trung Quốc, bởi Mỹ đã đình chỉ CED từ năm ngoái," một nguồn tin nói với SCMP. Nguồn tin còn lại cho hay các quan chức "cấp thấp hơn", như thứ trưởng hoặc trợ lý bộ trưởng, có thể tới Bắc Kinh để tiến hành thương thảo.

Ông Trump có thể sắp hành động với Trung Quốc

Ngoài quan ngại từ tổng thống Trump vì thặng dư thương mại của Trung Quốc so với Mỹ, nhiều lời chỉ trích xuất phát từ Washington liên quan đến việc Bắc Kinh trì hoãn mở cửa thị trường hơn nữa, nhà nước trợ cấp lớn cho doanh nghiệp Trung Quốc và đòi hỏi chuyển giao công nghệ để được tiếp cận thị trường nước này.

"Thời của những hứa hẹn đã qua," một nguồn tin của SCMP nói, nhấn mạnh rằng các hành động thiết thực như nỗ lực đơn phương [từ phía Trung Quốc] - để mở cửa thị trường và nâng tầm sân chơi cho doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Trung Quốc - là cách duy nhất Bắc Kinh "chứng minh thiện chí" của họ.

Báo cáo chính phủ được thủ tướng Lý Khắc Cường đọc tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân (Nhân đại) Trung Quốc khóa 13 hôm 5/3 nhấn mạnh Bắc Kinh cam kết tiếp tục mở cửa, nhưng không nêu chi tiết hay các biện pháp mới được áp dụng "vượt trên mong đợi" - như ông Lưu Hạc hứa hẹn ở Diễn đàn kinh thế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ hồi tháng 1.

Chiến lược an ninh và quốc phòng mới nhất của Mỹ xếp Trung Quốc vào nhóm "đối thủ chiến lược" và kêu gọi phản ứng mạnh mẽ về kinh tế, quân sự, công nghệ để đối đầu Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về sáng kiến Vành đai và Con đường

Ông Arthur Kroeber, đồng sáng lập hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, đánh giá "những lo ngại về chiến lược [của Mỹ] đang dần được chuyển thành những chính sách thực tế".

Theo sau cuộc điều tra của Mỹ về các chính sách công nghiệp và tình trạng mua bán công nghệ, có nhiều dự đoán tổng thống Donald Trump sẽ nhanh chóng tập trung các hành động thương mại nhằm vào Bắc Kinh.

Kroeber cho rằng biện pháp cấm vận của Mỹ có thể bao gồm tăng thuế với nhiều mặt hàng Trung Quốc, trừng phạt trực tiếp các công ty Trung Quốc, hay hạn chế đầu tư từ Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ cũng như xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc.

"Chính sách cứng rắn song hành trong thương mại và an ninh đang đẩy Mỹ tiến tới một hình thái chiến tranh lạnh về kinh tế hoặc công nghệ với Trung Quốc - mà mục tiêu không phải là đàm phán tìm lợi ích chung, mà là để trừng phạt và hạ bệ đối thủ."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại