4 cấp tòa phán xử chuyện cô đơn của 1 cụ già

PHƯƠNG LOAN |

Trong một vụ kiện hành chính, tòa cấp huyện và cấp tỉnh thì bảo cụ già cô đơn, tòa cấp cao thì cho rằng cụ không cô đơn và tòa tối cao thì bảo cụ già đúng là cô đơn.

Bà cụ nhận con nuôi từ năm 1999. Đến năm 2016, một người cháu ruột kiện yêu cầu tòa hủy quyết định nhận nuôi con nuôi.

Cháu kiện đòi hủy quyết định nuôi con nuôi của cô

Theo hồ sơ, năm 1988, cụ Nguyễn Thị Huệ (SN 1928) gặp bà Lê Thị Bé Âu (SN 1968) khi làm công quả trong chùa. Một năm sau, cụ Huệ đưa bà Âu về ở chung với cụ ở phường 1, TP Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu. Cụ Huệ không chồng, không con nên nhận bà Âu làm con nuôi. Tháng 5-1999, UBND xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp (nơi bà Âu sống trước đó) ra quyết định công nhận việc nuôi con nuôi giữa cụ Huệ và bà Âu.

Tháng 7-1999, bà Âu nhập hộ khẩu vào nhà cụ Huệ. Đến tháng 8-2015 thì cụ Huệ mất.

Tháng 1-2016, một người cháu ruột của cụ đã khởi kiện vụ án hành chính về “khiếu kiện quyết định hành chính về nuôi con nuôi”, đề nghị TAND huyện Lai Vung hủy quyết định công nhận nuôi con nuôi của UBND xã Tân Hòa. Người cháu ruột của cụ Huệ cho rằng “tại thời điểm được nhận là con nuôi, bà Âu đã 31 tuổi, không phải trẻ em nhưng hồ sơ lại có những giấy tờ như giấy thỏa thuận về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi, còn cụ Huệ thì không phải người già cô đơn do không có xác nhận của địa phương”.

Cháu cụ Huệ cung cấp xác nhận của một cán bộ công an phường (đã nghỉ hưu) rằng từ năm 1999 đến 2001, khi ông làm cảnh sát khu vực thì hộ cụ Huệ có hai người em ruột của cụ tạm trú. Người khởi kiện cũng nộp một văn bản trả lời của UBND phường 1, TP Vũng Tàu cho biết năm 1999, cụ Huệ không có tên trong danh sách người già cô đơn tại phường.

Bên bị kiện - UBND xã Tân Hòa cho biết xã đã xét đơn xin nhận trẻ làm con nuôi và giấy thỏa thuận cho trẻ làm con nuôi để ra quyết định công nhận nuôi con nuôi. Dựa vào độ tuổi và hộ khẩu thì từ thời điểm năm 1999, trong gia đình cụ Huệ ở TP Vũng Tàu chỉ có cụ Huệ và bà Âu, ngoài ra không còn ai khác. Các giấy tờ, thủ tục liên quan để ra quyết định này đã qua nhiều năm nên bị thất lạc nhưng hiện vẫn còn sổ lưu đăng ký nhận nuôi con nuôi năm 1999 tại UBND xã.

4 cấp tòa phán xử chuyện cô đơn của 1 cụ già - Ảnh 2.

Bà Bé Âu vẫn giữ nghề làm bánh bò để nhớ mãi về cụ Nguyễn Thị Huệ. Ảnh: PL

Tòa huyện và tỉnh: Cụ Huệ là người già cô đơn

Sau đó, TAND huyện Lai Vung và TAND tỉnh Đồng Tháp đều chung nhận định: Yêu cầu hủy quyết định nuôi con nuôi của cháu cụ Huệ là không có căn cứ. Bởi lẽ từ năm 1998 đến nay, bà Âu vẫn sống tại nhà cụ Huệ, đang là người thờ cúng cụ Huệ. Từ thời điểm năm 1999, trong gia đình cụ Huệ chỉ có cụ Huệ và bà Âu, ngoài ra không còn ai.

Xác nhận của cựu cảnh sát khu vực không đảm bảo tính chính xác, không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh nên không thể làm căn cứ để giải quyết vụ án. Nếu hai người em có tạm trú tại nhà cụ Huệ cũng không xác định được cụ Huệ không phải là người già không cô đơn.

Xác nhận của phường về việc cụ Huệ không có tên trong danh sách người già cô đơn mục đích là quản lý và hỗ trợ chính sách người già ở địa phương, còn việc thực hiện các thủ tục hành chính để nhận nuôi con nuôi chưa có quy định ràng buộc là phải có tên trong danh sách hay không.

Việc nhận nuôi con nuôi, cụ Huệ trực tiếp ký tên vào sổ, xã còn lưu giữ. Hồ sơ tuy bị thất lạc nhưng phù hợp nguyện vọng của cụ Huệ. Thủ tục xã còn thiếu sót so với quy định nhưng phù hợp hoàn cảnh và đúng nguyện vọng, có sổ lưu để quản lý.

Từ đó, hai cấp tòa đã bác đơn khởi kiện của cháu cụ Huệ.

Tòa cấp cao : Cụ Huệ không cô đơn

Tháng 12-2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo hướng hủy cả hai bản án này để xét xử lại. Tháng 3-2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị với lý do: Quyết định nhận nuôi con nuôi của UBND xã Tân Hòa có nhiều sai sót về hình thức, thủ tục ban hành, đồng thời không đúng quy định của pháp luật về nhận nuôi con nuôi. Đó là số quyết định đặt không đúng vị trí, số CMND trên quyết định có dấu hiệu cạo sửa, phó chủ tịch xã ký thay chủ tịch mà thiếu chữ “KT” (ký thay).

Mặt khác, thẩm quyền đăng ký nhận nuôi con nuôi thuộc UBND cấp xã nơi cư trú của người xin nhận nuôi con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi. Nơi thường trú, tạm trú của cụ Huệ và bà Âu đều là phường 1, TP Vũng Tàu nhưng UBND xã Tân Hòa, huyện Lai Vung lại ban hành quyết định nhận nuôi con nuôi là không đúng.

Ngoài ra, năm 1999, khi được nhận làm con nuôi thì bà Âu đã 31 tuổi. Theo Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình 1986, cụ Huệ được nhận bà Âu làm con nuôi trong trường hợp cụ là người già yếu, cô đơn. Tuy nhiên, cụ lại không có tên trong danh sách người già cô đơn…

Chánh án Tối cao đồng tình với án sơ, phúc thẩm

Tháng 5-2019, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Theo TAND Tối cao, thứ nhất,Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 quy định “người từ đủ 15 tuổi trở xuống mới được nhận làm con nuôi. Trường hợp làm con nuôi người già yếu, cô đơn thì con nuôi có thể trên 15 tuổi”.

Nơi cư trú thường xuyên của cụ Huệ là tại số 55 đường Trần Hưng Đạo, phường 1, TP Vũng Tàu. Xác nhận của Công an TP Vũng Tàu và sổ hộ khẩu cũng thể hiện nội dung từ ngày 22-1-1992, nhà chỉ có mình cụ Huệ sinh sống. Đến ngày 5-7-1999, bà Bé Âu nhập hộ khẩu và sinh sống cùng cụ Huệ cho đến khi cụ mất. Khi nhận nuôi con nuôi, cụ Huệ 71 tuổi, bà Bé Âu 31 tuổi. Căn cứ vào độ tuổi và sổ hộ khẩu cũng như xác nhận của công an thì có cơ sở xác định cụ Huệ đã già yếu và cô đơn.

Thứ hai,theo Điều 36 Nghị định 83/1998, “Trường hợp người xin nhận con nuôi già yếu, cô đơn thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú về hoàn cảnh đặc biệt đó”. UBND xã Tân Hòa có xác nhận đã nhận đủ hồ sơ hợp lệ xin nhận con nuôi và vì lý do khách quan nên hồ sơ đã bị thất lạc, nay chỉ còn lưu trữ sổ đăng ký nhận nuôi con nuôi năm 1999. Đối chiếu Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 và Nghị định 83/1998 thì không có quy định bắt buộc người già cô đơn phải có tên trong danh sách thuộc đối tượng này tại địa phương… Vì vậy, có cơ sở xác định cụ Huệ đủ điều kiện nhận bà Bé Âu làm con nuôi và bà Bé Âu cũng đủ điều kiện được nhận làm con nuôi của cụ Huệ…

Theo chánh án TAND Tối cao, nhận định của TAND Cấp cao tại TP.HCM trong quyết định giám đốc thẩm là không hợp tình, hợp lý và thiếu cơ sở. Từ đó, chánh án TAND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM, đồng thời giữ nguyên hai bản án sơ và phúc thẩm.

Lập luận có lý, có tình của chánh án TAND Tối cao

Trong quyết định kháng nghị, chánh án TAND Tối cao nhận định: Thực tế bà Âu đã sống, làm công nhà cụ Huệ từ năm 1988, chính thức làm con nuôi cụ Huệ từ năm 1999, sinh sống cùng cụ Huệ đến khi cụ chết. Quá trình chung sống, hai mẹ con không mâu thuẫn, hành hạ hay ngược đãi lẫn nhau, hai bên cũng không có yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Cụ Huệ nhận bà Bé Âu làm con nuôi trên tinh thần tự nguyện, thể hiện ở việc cụ Huệ đã tự nguyện ký tên dưới mục "Mẹ nuôi" trong sổ đăng ký nhận nuôi con nuôi hiện được lưu giữ tại UBND xã Tân Hòa; sổ hộ khẩu cũng thể hiện bà Bé Âu là con nuôi chủ hộ (cụ Huệ); sơ yếu lý lịch cụ Huệ khai bà Bé Âu là con nuôi. Khi cụ Huệ chết, bà Bé Âu là người đi khai tử và giấy chứng tử cũng thể hiện bà Bé Âu là con nuôi.

Do đó có cơ sở xác định UBND xã Tân Hòa ban hành quyết định công nhận nuôi con nuôi là đúng về nội dung. Mặc dù sai sót không ghi "KT" chủ tịch UBND xã nhưng không làm thay đổi bản chất của nội dung quyết định. Do vậy, việc tòa sơ thẩm và phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của cháu cụ Huệ là có căn cứ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại