35 triệu viên đạn "sát thủ" của A-10 Thunderbolt II bị loại bỏ
Quân đội Mỹ đang chuẩn bị xử lý hơn 35.000.000 viên đạn với lõi uranium nghèo (DU), đa phần là đạn 30 mm cho pháo tự động GAU-8/A Avenger mang tính biểu tượng trên máy bay cường kích nổi tiếng A-10 Thunderbolt II có tên lóng là Warthog (Lợn lòi).
Quá trình này xảy ra một năm sau khi Không quân Hoa Kỳ tuyên bố họ đang xem xét khả năng ngừng sử dụng vĩnh viễn loại đạn dược gây tranh cãi nói trên.
Ngày 17/9, Quân đội Hoa Kỳ đưa ra thông báo như sau: "Quân đội Hoa Kỳ đang quản lý việc "phi quân sự và vô hiệu hóa" loại đạn DU, bao gồm hàng trăm nghìn viên đạn xuyên giáp 105mm và 120mm".
Quân đội đã cung cấp cho các nhà thầu quân sự một danh sách chi tiết về các loại đạn và tổng số viên đạn của từng loại mà họ có thể được yêu cầu vô hiệu hóa. Số liệu cuối cùng cho thấy có tới 35.748.417 viên đạn đang được lưu trữ tại 8 kho vũ khí cần được xử lý.
Trong số đó 277.718 viên là đạn pháo 105 mm (M833, M900), đạn pháo 120 mm (M829A1 và M829A2). Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đã không còn trang bị các loại xe tăng với pháo chính M68 105 mm (các xe tăng M60A3 và M48A5 và các biến thể đầu tiên của M1 Abrams).
Xe tăng M1 Abrams thời kỳ đầu với pháo nòng xoắn M68 105 mm là pháo chính. Ở các biến thể hiện tại (A1-A2-A2SEP) nó đã được thay thế bằng pháo nòng trơn M256 120 mm.
Đạn M900 cũng chỉ sử dụng cho pháo nòng dài M68A1E2 105 mm được trang bị trên các biến thể xe tăng M1 và M1IP thời kỳ đầu. Các loại đạn 105 mm nói trên cũng không thể sử dụng cho pháo tự động M68A1E5 của Pháo tự hành M1128.
Đối với đạn pháo 120 mm, mặc dù được sử dụng cho các xe tăng M1 Abrams mới hơn (M1A1, M1A2,M1A2SEP), người Mỹ cũng đã thay thế đạn pháo M829A1 và A2 bằng các biến thể A3 và A4 cải tiến.
Đáng chú ý nhất là 35.470.699 viên đạn 30x173 mm dành cho pháo tự động GAU-8/A bao gồm PGU-14/B, PGU-14A/B và PGU-14B/B (đạn xuyên giáp uranium nghèo) và đạn nổ mạnh PGU-13/B và PGU-13-A/B được sắp xếp xen kẽ trong băng đạn.
Quân đội Mỹ có thể sẽ tìm cách thu hồi các viên đạn nổ mạnh để tái sử dụng vì thông báo không nói tới việc loại bỏ loại đạn này và PGU-13/B vẫn được quân đội Mỹ sử dụng bao gồm các máy bay cường kích AC -130W Stinger II và AC -130J Ghost Rider.
Pháo GAU-23A 30mm của AC -130J Ghost Rider có thể sử dụng đạn PGU-13/B của pháo GAU-8/A 30mm trên A-10.
Cấu tạo của đạn xuyên giáp uranium nghèo 30mm
Thông báo của Quân đội Mỹ đi kèm với một mô tả về thiết kế của PGU-14A/B để giúp các nhà thầu lên phương án tháo dỡ.
Đạn xuyên động năng dưới cỡ PGU-14A/B (API) là một loại đạn được sử dụng để chống lại các mục tiêu bọc thép.
PGU-14A/B có vỏ mềm nhẹ, chứa một lõi cứng xuyên thấu bằng uranium nghèo (DU). Ngoài khả năng xuyên giáp, DU là một vật liệu pyrophoric tự nhiên (tự bốc cháy khi tiếp xúc với không khí), giúp tăng cường các hiệu ứng gây cháy.
Loại đại này rất hiệu quả chống lại xe tăng và xe bọc thép. Đạn được tạo thành từ bốn phần: thân được làm bằng nhôm, dải xoay plastic được gia cố bằng sợi thủy tinh (để tăng khả năng xoay của viên đạn trong nòng pháo), lõi xuyên DU và chóp gió bằng nhôm.
Đạn xuyên động năng dưới cỡ PGU-14/B. "Heavy Metal Penetrator/Lõi xuyên kim loại nặng" ở đây là uranium nghèo (DU).
Đạn không có khả năng kích nổ, khả năng xuyên của nó phụ thuộc vào hình dạng của lõi xuyên thấu, động năng của viên đạn và góc tiếp xúc với mục tiêu.
Lõi DU của PGU-14/B có thể xuyên qua lớp giáp thép cán đồng nhất của xe tăng và xe bọc thép ở khoảng cách hơn 900 mét.
Các phi công A-10 thường lựa chọn tấn công xe tăng và các xe bọc thép của đối phương ở hai bên sườn và phía sau, khu vực bọc thép mỏng hơn và khiến loại đạn này đặc biệt hiệu quả trong việc chống tăng.
Các loạt đạn với tốc độ cao, động năng mạnh mẽ của A-10 đủ để xuyên qua các lớp giáp xe tăng bao gồm cả giáp phản ứng nổ. Ngay cả các hệ thống phòng thủ chủ động cũng không thể đánh bại chúng.
Một xe bọc thép M113 được các phi công A-10 đã sử dụng làm mục tiêu trên một thao trường.
Các viên đạn "quá tuổi"?
Thật không may, các viên đạn PGU-14/B đã được đưa vào trang bị từ những năm 1970 khi nhiệm vụ chính của A-10 là tập kích các đoàn xe tăng Liên Xô và khối quân sự Warsaw ở châu Âu, ngày càng trở nên thiếu an toàn khi sử dụng.
Tính đến tháng 5/2018, trung bình "tuổi" của các viên đạn PGU-14/B là 32. Vào thời điểm đó, Không quân Mỹ đã lo ngại về việc liệu các viên đạn có còn sử dụng bình thường hay không và đạn có ra khỏi nòng pháo GAU-8/A an toàn hay không.
A-10 hiện được lắp đặt một pháo tự động GAU-8/A "Avenger" , đây là pháo Gatling 7 nòng chạy bằng điện, có thể khai hỏa 70 viên đạn mỗi giây từ một "nguồn cấp đạn hai đầu".
Thiết kế pháo tự động GAU-8A Avenger và các loại đạn 30mm chính bao gồm PGU-14, PGU-13 và PGU-15 (đạn huấn luyện).
Nguồn cấp nói trên có nghĩa là các vỏ đạn cùng với dây đạn quay trở lại một hộp tiếp đạn lớn. Thiết kế này giúp tránh việc vỏ đạn rơi ra khỏi A-10, khiến chúng trở thành các "mảnh vỡ trên không" gây nguy hiểm cho máy bay.
Tuy nhiên do vận hành bằng động cơ điện, nếu một viên đạn sau khi khai hỏa không thoát khỏi nòng súng có thể sẽ dẫn đến một sự cố nghiêm trọng. Bob DuPont, thành viên của Phi đội thử nghiệm 780 tại Căn cứ Eglin ở Florida, bình luận với trang Military.com vào tháng 5/2018:
"Tôi có 4,5 mili giây kể từ khi khai hỏa đó để lấy viên đạn ra khỏi nòng, ngoài 6 mili giây là thảm họa đối với hệ thống này".
Kỹ thuật viên nạp đạn cho pháo tự động GAU-8/A Avenger của máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II.
Thay thế đạn lõi DU bằng đạn lõi Vonfram có thể đối đầu với cơ giới Nga - Trung?
Hiện tại có vẻ như Quân đội Mỹ đã quyết định đơn giản là loại bỏ hoàn toàn các viên đạn cũ. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu họ sẽ ngừng sử dụng hoàn toàn đạn DU trên những chiếc A-10 hay không?
DuPont nói tiếp: "Có rất nhiều cuộc thảo luận về việc có nên thay thế đạn có lõi DU bằng lõi vonfram hay không. Mặc dù trọng lượng vẫn như cũ, nhưng nhiều khả năng đạn sẽ xuyên kém hơm do mật độ của vật liệu, DU có mật độ cao hơn so với vonfram".
DU là sản phẩm phụ của quy trình sản xuất trong của các lò phản ứng hạt nhân nó hiệu quả hơn và rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm thay thế, chẳng hạn như vonfram. Quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng nó trong nhiều thập kỷ để chế tạo các loại đạn xuyên giáp, cũng như các lớp giáp xe tăng.
Một báo cáo so sánh khả năng xuyên của lõi đạn vonfram (tungsten) với lõi DU trên các mục tiêu thử nghiệm là xe cơ giới NATO.
Vấn đề của đạn DU là phóng xạ, mặc dù chỉ phát ra các hạt alpha mà quần áo và thậm chí da con người có thể chặn lại, thì các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng loại hạt này có khả năng gây ung thư.
Do đó, từ lâu đã có những lo ngại rằng các viên đạn DU bị vỡ và cháy khi va chạm, đã làm ô nhiễm đất và nước ở những khu vực sử dụng, như Iraq trong hai cuộc Chiến tranh vùng Vịnh.
DU cũng là một trong nhiều yếu tố của các căn bệnh xuất hiện với số lượng lớn trong số các cựu chiến binh Mỹ, được gọi là Hội chứng Chiến tranh vùng Vịnh.
Tuy nhiên, việc loại bỏ PGU-14/B có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng quân sự do các phương án khác (chẳng hạn như vonfram) thay thế cho DU có thể sẽ không có khả năng tương tự..
Mặc dù đạn DU có thể không cần thiết trong các cuộc xung đột cường độ thấp, ví dụ như Afghanistan, Iraq và Syria, sự thiếu "vũ khí sát thủ" này có thể sẽ là yếu điểm trong các cuộc chiến lớn hơn.
Nhìn chung, quân đội Hoa Kỳ đang phải thay đổi để chuẩn bị cho các cuộc chiến đặc biệt chống lại "các đối thủ lớn", như Nga và Trung Quốc. Các quốc gia này đang duy trì một số lượng lớn xe tăng và xe bọc thép hạng nặng.
Mặc dù không được trang bị lớp giáp DU như xe tăng M1 Abrams, tuy nhiên xe tăng Type 99A của Trung Quốc sử dụng hỗn hợp các lớp giáp phản ứng nổ (ERA) cùng với các tấm composite.
Tất nhiên, pháo GAU-8/A của A-10 chỉ là một mảnh ghép tương đối nhỏ trong việc đánh bại xe tăng và xe bọc thép đối phương trên chiến trường.
Đạn xuyên giáp 30 mm sử dụng lõi vonfram vẫn có thể rất hiệu quả đối với một loạt các mục tiêu, mặc dù với chi phí cao hơnnó có thể hạn chế việc sử dụng quá rộng rãi như với đạn DU hiện tại.
Đồng thời, năng lực tấn công chính xác của A-10 từ rocket 70mm dẫn đường bằng laser đến bom, bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) dẫn đường bằng GPS đồng nghĩa với việc A-10 sẽ không phải quá phụ thuộc vào pháo chính.
Máy bay cường kích A-10 Thunderbolt II sử dụng pháo GAU-8/A Avenger và bom JDAM.