Trong văn hóa của các nước châu Á nói chung luôn đề cao giá trị của những bữa cơm gia đình và đặc biệt là cách ứng xử trên bàn ăn. Có câu nói cho rằng, chỉ cần nhìn vào cách một người ăn uống có thể nói lên rất nhiều thứ về sự giáo dục của gia đình cũng như tính cách của một con người.
Giáo sư Lý Mai Cẩn, nhà tâm lý học tội phạm rất nổi tiếng ở Trung Quốc đã tham gia nghiên cứu tâm lý vị thành niên nhiều năm liền. Sau khi đúc kết kinh nghiệm thực tế, bà cho biết: Hầu hết trẻ em có 3 hành vi này khi ăn thì khi chúng lớn lên rất khó để đạt được thành công trong sự nghiệp, chưa kể đến trong cuộc sống cũng thường khó có thể khẳng định được giá trị của bản thân.
Chọn đồ ngon ăn trước
Ngay từ khi còn nhỏ, gia đình luôn có sự ưu tiên đặc biệt đối với trẻ. Bố mẹ, ông bà thường sẽ nhường cho trẻ món ngon nhất, chỉ cần trẻ thích thì muốn ăn thế nào cũng được.
Lớn hơn một chút, cứ mỗi lần ngồi vào bàn ăn, trẻ không cần biết mọi người thế nào, chỉ chăm chăm đảo dĩa đồ ăn liên tục để lựa miếng ngon nhất cho mình ăn trước hoặc gắp đầy vào bát. Đây chính là hành vi ứng xử cực kỳ kém và là thái độ ích kỷ điển hình trên bàn ăn.
Khi ra ngoài xã hội đòi hỏi chúng ta không chỉ biết cách cư xử mà còn phải biết cách chia sẻ để hòa nhập với cộng đồng. Một người mang tính ích kỷ, thấy có lợi thì lao vào, không có lợi thì lảng tránh chỉ khiến cho mọi người cảm thấy chán ghét và thiếu tôn trọng. Trong một tập thể, những kẻ ích kỷ dần dà sẽ bị mọi người xa lánh, sống không có bạn bè, sự nghiệp cũng khó có đường thăng tiến.
Ăn uống nhồm nhoàm thô tục
Thói quen ăn nhóp nhép, nhai không khép miệng, gắp đồ ăn liên tục hoặc nói chuyện ồn ào là những hành vi cực kỳ xấu trên bàn ăn. Chúng không chỉ thể hiện văn hóa ứng xử kém mà còn khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy phản cảm, khó chịu, không ai muốn ngồi cùng.
Hành vi thô tục trên bàn ăn có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng hình ảnh của một người và sẽ trực tiếp gây tổn hại đến tương lai của người đó. Thói quen này cần phải được chỉnh ngay từ khi trẻ còn nhỏ vì khi đã trở thành tật xấu thì rất khó mà sửa chữa.
Mọi người chưa ăn đã tùy tiện động đũa
Từ xưa, ông bà ta thường dạy rằng, trong bữa ăn, một khi người lớn chưa ăn thì trẻ con cũng tuyệt đối cũng không được ăn. Tuy nhiên thời hiện đại ngày nay, quan niệm giáo dục này dần bị xóa bỏ bởi sự nuông chiều của gia đình đối với con cái. Nhiều nhà khi đến bữa ăn, trẻ con không cần phải mời người lớn, cũng chẳng cần phải đợi mọi người đông đủ vào bàn thì đã tùy tiện ăn uống. Thói quen này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn bố mẹ nghĩ.
Việc chờ người lớn ăn trước là một cách để dạy trẻ sự tôn trọng đối với mọi người, rèn cho trẻ phép lịch sự tối thiểu ngay trên bàn ăn và cũng là cách bồi dưỡng nâng cao tính tự chủ thông qua quá trình trì hoãn sự hài lòng.
Trong quá trình giao tiếp xã hội cũng như trong công việc, chỉ những ai có khả năng tự chủ tốt, biết cách ứng xử khéo léo thì mới tự tạo cho mình nhiều cơ hội và được mọi người quý mến.
Có thể nói, biết chia sẻ, biết làm việc nhóm, có tính tự chủ và tự giác cao, biết cách quan tâm đến người khác đều là những năng lực xã hội chủ chốt. Nếu không có khả năng giao tiếp xã hội thì trẻ cũng gặp khó khăn để tồn tại trong tập thể. Vì vậy, cho dù là thói quen trên bàn ăn rất nhỏ nhặt thường ngày, phụ huynh đừng nên xem thường mà hãy giúp con phát hiện ra khuyết điểm để sửa chữa nhé!