3 điều trong diễn văn Davos hé lộ chính sách của ông Trump trong phần còn lại của nhiệm kỳ

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành tâm điểm của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) thường niên ở Davos, Thụy Sĩ, năm nay.

Nguyên do không có gì là khó hiểu khi sau 18 năm mới lại có một tổng thống đương nhiệm của Mỹ tới Thuỵ Sỹ tham dự WEF Davos, lại không phải là trong năm cầm quyền cuối cùng mà ngay trong năm đầu tiên nhiệm kỳ, và còn vì ông Trump và WEF Davos là biểu tượng và hiện thân cho những điều trái ngược nhau như nước và lửa. Do đó, bài phát biểu của ông Trump ở diễn đàn này được quan tâm để ý đến nhiều nhất.

Trong không đầy 16 phút phát biểu, ông Trump làm người nghe vừa không bị bất ngờ vừa có phần ngạc nhiên.

Cử tọa không bị bất ngờ gì bởi ông Trump phát biểu với khẩu khí và nội dung đặc trưng cho một thương gia nhiều hơn là chính khách, bởi lại thấy ông tự đề cao thành quả cầm quyền của mình và quảng bá cho khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết". Những điều này khiến họ cảm nhận rằng không có gì mới mẻ trong bài phát biểu của ông Trump.

Nhưng người nghe lại có phần ngạc nhiên khi ông Trump gần như chỉ đọc bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn từ telepromter, tức là từ màn hình hiện chữ ở phía trước, chứ không hùng biện theo ngẫu hứng. Họ có phần ngạc nhiên khi thấy ông gần như không đề cập gì đến chuyện chính trị thế giới, ngoài đả động chút ít đến Triều Tiên và Iran. Tông giọng của tổng thống Mỹ lại rất ôn hoà và chỉ tập trung vào việc kêu gọi thế giới bên ngoài đầu tư vào Mỹ.

3 điều trong diễn văn Davos hé lộ chính sách của ông Trump trong phần còn lại của nhiệm kỳ - Ảnh 1.

Quang cảnh một buổi tiệc trong khuôn khổ WEF 2018, mở đầu từ ngày 22/1/2018 (Ảnh: Reuters)

Thông điệp của ông Trump so với ông Tập

So với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở WEF Davos năm trước đó, thì ông Trump thể hiện sự khác biệt rất rõ nét và cơ bản về mục đích, phong cách và nội dung.

Về cơ bản, nội dung trình bày của tổng thống Trump ở WEF 2018 không khác nhiều so với nội dung bài phát biểu của ông ở Đà Nẵng nhân dịp hội nghị cấp cao APEC năm ngoái ở Việt Nam, ngoài sự quả quyết "Nước Mỹ trước hết không phải là nước Mỹ một mình", ngoài việc đề cập mập mờ đến khả năng Mỹ tham gia trở lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và ngoài chuyện ông quả quyết rằng Mỹ không phản đối mậu dịch tự do mà chỉ muốn mậu dịch tự do thật sự công bằng, có lợi cho tất cả chứ không thể để cho bên này được lợi mà gây hại cho bên kia. Ai cũng hiểu ông Trump ám chỉ Trung Quốc cho dù không nêu đích danh Trung Quốc.

Từ bài phát biểu tại Davos của ông Trump, có thể rút ra ba nhận thức giúp soi rọi quan điểm chính sách của ông trong những năm cầm quyền còn lại của nhiệm kỳ này.

Thứ nhất, ông Trump từng bước xác định nội hàm của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" cho từng lĩnh vực chính sách. Những nội hàm này nhiều khả năng linh hoạt và tương đối chứ không tuyệt đối và giáo điều như nghĩa đen của ngôn từ trong khẩu hiệu, được thường xuyên thích ứng hoá với bối cảnh chứ không phải bất biến.

Vì thế, bên ngoài nên lưu ý đến sự khác biệt giữa tác động đối nội của nó với hàm lượng thực chất của nó trong từng biện pháp chính sách cụ thể của ông Trump.

3 điều trong diễn văn Davos hé lộ chính sách của ông Trump trong phần còn lại của nhiệm kỳ - Ảnh 2.

Thứ hai, cho dù ông Trump hay cộng sự tỏ ra làm găng đến mấy với các đối tác thương mại hiện có xuất siêu trong trao đổi thương mại với Mỹ thì cũng sẽ không xảy ra chiến tranh thương mại.

Ở Davos, tổng thống Trump quả quyết "Nước Mỹ được tốt hơn thì thế giới được tốt hơn". Điều này không hẳn hoàn toàn sai, nhưng bao hàm trong đó cả ý bất kể ông Trump muốn hay không muốn công nhận là thế giới được tốt hơn thì nước Mỹ cũng được tốt hơn, hay "nước Mỹ không thể được tốt hơn nếu thế giới không được tốt hơn".

Ông Trump hiện không có ý định và cũng không dám đẩy nước Mỹ vào chiến tranh thương mại với các đối tác thương mại của mình.

Thứ ba, ông chủ Nhà Trắng có thể kiên định mong muốn và chủ ý cá nhân, nhưng không có nghĩa là luôn kiên định quan điểm chính sách cầm quyền.

Càng cầm quyền lâu hơn, tư duy chính trị bắt buộc của người cầm quyền sẽ càng lấn át tư duy kinh doanh của ông Trump. Điều này khiến các đối tác vừa dễ lại vừa khó trong quan hệ hợp tác với nước Mỹ dưới thời của ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại