Nhà giáo dục nổi tiếng Trung Quốc Doãn Kiến Lệ từng nói: "Cha mẹ là những người thầy tốt nhất, bàn ăn là bàn học tốt nhất, và nhà là ngôi trường xuất sắc nhất". Thành tựu tương lai của con trẻ có thể được nhìn thấy qua cách chúng cư xử tại bàn ăn.
Mỗi bữa ăn không chỉ để thỏa mãn cơn đói, mà còn phản ánh thái độ của chúng ta đối với cuộc sống. Giáo dục gia đình thực sự nằm ngay trên bàn ăn nhỏ bé, ẩn chứa trong những bữa cơm hằng ngày. Và cách cư xử trên bàn ăn luôn ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Qua cách trẻ ăn uống, ta có thể thấy rõ dấu vết của sự giáo dưỡng và quá trình trưởng thành của chúng.
1. Hiểu lễ nghĩa, tuân thủ quy tắc
Một cư dân mạng từng chia sẻ câu chuyện như sau: "Cách đây không lâu, tôi tham gia một buổi họp mặt gia đình. Một người bạn dẫn theo cô con gái 8 tuổi, trông rất sạch sẽ và mặc trang phục rất đẹp. Nhưng điều tôi không ngờ là cô bé lại cư xử rất bất lịch sự trên bàn ăn.
Vì không với tới các món ăn, cô bé đứng thẳng trên ghế và dùng đũa lật tung các món trong đĩa, làm cho bàn ăn trở nên lộn xộn.
Trong suốt bữa ăn, cô bé còn không ngừng gõ bát và giục người lớn gắp món ăn yêu thích cho mình, thậm chí còn ném lại những món mình đã cắn vào đĩa chung. Người mẹ dường như không để ý, chỉ liên tục gắp thức ăn cho cô bé, như thể làm vậy sẽ che giấu được mọi điều không ổn.
Hành vi của mẹ con họ khiến không khí trên bàn ăn trở nên gượng gạo và nặng nề. Bạn bè nhìn nhau đầy khó xử, dù có không hài lòng cũng không tiện nói ra".
Lại có một đoạn video từng gây bão mạng xã hội. Trong đoạn video, một gia đình cùng nhau dùng bữa, cô chắt gái 19 tuổi ngồi cạnh ông cố, suốt bữa ăn luôn chăm sóc ông. Trong bữa ăn, cô không ngừng gắp thức ăn cho ông, hình ảnh ấm áp và cảm động.
Một người dùng mạng bình luận: "Tình yêu là sự tương tác qua lại, trẻ kính già, già yêu trẻ, đó mới là vẻ đẹp thực sự của một gia đình".
Bàn ăn tuy nhỏ, nhưng lại chứa đựng lễ nghĩa và giáo dục gia đình. Một bậc cha mẹ có tầm nhìn xa sẽ không làm ngơ trước hành vi thiếu lịch sự của con trẻ, cũng không nuông chiều chúng, mà sẽ sớm thiết lập các quy tắc trên bàn ăn, dạy con cách cư xử đúng mực.
Cha mẹ nên dạy con tôn trọng và yêu thương người lớn tuổi, mời người lớn ngồi trước, và không được ăn trước khi người lớn chưa động đũa.
Dù ăn ở nhà hay ở ngoài, đừng để trẻ cảm thấy mình có đặc quyền trên bàn ăn, chỉ khi người lớn bắt đầu ăn thì trẻ mới được ăn. Trong bữa ăn, không được nhai chóp chép hoặc phát ra tiếng động kỳ lạ; khi gắp thức ăn, chỉ gắp phần phía trước mặt mình.
Món đã gắp vào bát rồi thì không được trả lại đĩa. Không được dùng đũa riêng để gắp thức ăn, lục lọi món ăn. Tay trái giữ lễ, tay phải giữ nết. Bàn ăn nhỏ chứa đựng sự ấm áp của gia đình, đồng thời cũng là một chiếc kính lúp phản ánh sự giáo dưỡng của một gia đình.
2. Biết cảm ơn, không lãng phí
Có 2 đứa trẻ, tạm gọi là A và B, là đôi bạn tốt, thường xuyên cười đùa và chơi bóng cùng nhau trong giờ ra chơi. Tuy nhiên, có một chuyện xảy ra trong căng tin của trường đã khiến A thay đổi cách nhìn về B.
Hôm đó, khi lấy thức ăn, dù biết mình không thể ăn hết, nhưng B vẫn lãng phí, lấy rất nhiều thức ăn. A liền nhắc khéo bạn: "Trường mình đang khuyến khích phong trào "dọn sạch đĩa", cậu quên à?"
B thờ ơ. Sau bữa ăn, cậu ấy đổ hết những món ăn không thích và chưa ăn hết vào thùng rác. Không chỉ thế, A còn thấy B vứt cả cơm mẹ cậu đã vất vả mang tới vào thùng rác. B nói: "Đó không phải là món cậu ấy thích ăn."
Việc B không trân trọng thức ăn và không biết ơn cha mẹ đã khiến A rất thất vọng.
Hãy nhớ rằng, từng hạt gạo đều kết tinh từ công sức và mồ hôi của rất nhiều người.
Một nhà ẩm thực nổi tiếng từng nói: "Một người khi ăn hết sạch thức ăn mà không lãng phí, thì may mắn sẽ tự nhiên tìm đến họ, vì đó là một loại phúc đức". Khi ai đó chỉ biết kén cá chọn canh và lãng phí thức ăn một cách tùy tiện, họ thường không nhận được sự tôn trọng từ người khác.
Một người mẹ có con gái 5 tuổi, rất hiểu chuyện và thích chia sẻ. Mỗi lần mẹ nấu ăn xong, cô bé luôn khen mẹ nấu ăn ngon, rồi mời mẹ ăn trước. Khi ăn, cô bé chỉ lấy đủ phần mình ăn, trong bát không bao giờ có thức ăn thừa, và cũng không kén chọn.
Có lần, mẹ đưa cô bé đến nhà bạn ăn cơm, một người dì đã nhiệt tình gắp cho bé một món mà bé không thích ăn lắm. Nhưng dưới sự kiên nhẫn hướng dẫn và giáo dục của mẹ, cô bé đã học cách vui vẻ thử những món ăn không hợp khẩu vị và vẫn không để lãng phí.
Những đứa trẻ như vậy chắc chắn là một tấm gương cho sự thành công của giáo dục gia đình.
Qua từng bữa cơm nhỏ nhặt, cô bé đã hình thành những phẩm chất tốt đẹp và thói quen hành xử, đi đến đâu cũng được yêu mến. Từ nhỏ cô bé đã hiểu được sự vất vả của cha mẹ, sau này chắc chắn sẽ biết cách đền đáp công ơn dưỡng dục.
Và phúc lớn nhất của cha mẹ không phải là đòi hỏi con cái phải học giỏi, mà là dạy con biết cách trân trọng từng bữa ăn trong đời. Ăn hết sạch thức ăn, không lãng phí lương thực, thể hiện lòng biết ơn đối với thức ăn và những người lao động, và hơn hết là tôn trọng sự sống.
3. Yêu thích việc dọn dẹp, chăm chỉ lau chùi
Trong chương trình "Thiếu niên nói" của Trung Quốc, có một cậu học sinh từng lên sân khấu, khó chịu chất vấn mẹ: "Con phải rửa bát, lau nhà, nhặt rau, con chỉ là một đứa trẻ mà".
Nhưng dưới khán đài, mẹ cậu lớn tiếng nói: "Việc nhà là một phần của cuộc sống, nó rèn luyện kỹ năng thực hành của con, khiến con biết cảm ơn, có lòng kiên nhẫn và yêu thương. Là một cậu con trai, nếu sau này con có thể đảm đương, có trách nhiệm, thì tương lai của con nhất định sẽ hạnh phúc. Người bên cạnh con cũng sẽ hạnh phúc".
Những công việc dọn dẹp nhỏ nhặt như dọn bát đũa sau khi ăn,... thực chất là đang củng cố những kiến thức mà trẻ học được từ sách vở và âm thầm thấm sâu vào não trẻ.
Từng có một trường hợp như sau: Một người mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, cô đã dành tất cả thời gian để dạy con những kỹ năng sinh tồn, như giặt giũ, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa.
Khi đó, con gái cô chỉ mới 3-4 tuổi, bắt đầu học từ việc giặt tất, và đến năm 6-7 tuổi đã có thể nấu cơm, xào rau, dọn dẹp phòng.
Cô bé sớm trở thành một cô gái độc lập và giỏi giang. Sau khi mẹ qua đời, cô không chỉ tự chăm sóc bản thân mà còn chăm lo cho cha.
Khi trẻ có khả năng tự lập trong cuộc sống, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển bản thân mà còn trở thành nền tảng cho sự sinh tồn của trẻ trong xã hội sau này.
Khi cha mẹ làm quá nhiều, trẻ sẽ trở nên dựa dẫm và khả năng tự lập càng ngày càng kém, lớn lên sẽ không có tinh thần trách nhiệm. Những việc gì trẻ có thể làm trong khả năng của mình, cha mẹ nên để trẻ tự làm. Hãy để trẻ học cách tự lập, chịu khó từ những công việc nhà, và biết trân trọng sự đóng góp của cha mẹ và gia đình.
Thực tế, những chi tiết và hành vi của trẻ khi ăn uống thường phản ánh tính cách và sự phát triển tương lai của chúng. Bàn ăn nhỏ bé là nơi cha mẹ dạy dỗ con cái quan trọng nhất, cũng là nơi trẻ học hỏi cách đối nhân xử thế quan trọng nhất.
- Trẻ biết lễ nghĩa, tuân thủ quy tắc trên bàn ăn sẽ trở nên trưởng thành, vững vàng trong cuộc sống.
- Trẻ không lãng phí thực phẩm, biết ơn sẽ nhận được nhiều phúc lộc và thành công trong tương lai.
- Trẻ yêu thích dọn dẹp, biết làm việc nhà sẽ trở thành người độc lập, có trách nhiệm và tinh thần đảm đương.
Giữa những bữa ăn, chúng ta âm thầm dạy trẻ khả năng yêu thương và biết ơn, đó mới chính là "tấm vé thông hành" trên con đường đời. Mong rằng mọi bậc cha mẹ đều có thể giáo dục con mình tốt qua bàn ăn, nuôi dạy những đứa trẻ thông minh khiến cha mẹ và xã hội yên tâm.