"3 báu vật từ ngàn dặm giúp quốc phòng ta tiến bộ 20 năm" - Người Trung Quốc đã lờ đi những gì?

Hoài Giang |

Công nghệ quốc phòng Trung Quốc nổi tiếng với những sản phẩm "copy" từ vũ khí của nước khác, chính người Trung Quốc cũng phải thừa nhận điều này.

"Nước xa ngàn dặm tặng 3 báu vật giúp quốc phòng Trung Quốc tiến bộ 20 năm"

Trong bài viết với tiêu đề nêu trên được Sohu (Trung Quốc) đăng tải ít giờ trước, tác giả đã nhấn mạnh:

"Sau khi quan hệ Trung Quốc - Liên Xô tan vỡ (còn gọi là Chia rẽ Trung-Xô kể từ những năm 1950) các dự án trên nhiều lĩnh vực của Trung Quốc trên rơi vào tình thế khó khăn và bế tắc - đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.

Tuy nhiên vào thời khắc quan trọng đó thì Romania - một quốc gia Đông Âu nhỏ bé cách xa hàng ngàn dặm - đã chìa tay ra giúp đỡ Trung Quốc.

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Romania tồn tại từ năm 1947 đến năm 1989.

Kể từ năm 1990 nước này có tên là Cộng hòa Romania. Cộng hòa Romania đã trở thành một thành viên của NATO vào năm 2004 và EU (Liên minh Châu Âu) vào năm 2007.

Khi đó, người Romania đã gửi 3 báu vật, những thứ trực tiếp giúp ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc rút ngắn khoảng cách 20 năm (với Phương Tây và Liên Xô) và cũng tránh cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khỏi hàng chục năm đi đường vòng."

3 báu vật từ ngàn dặm giúp quốc phòng ta tiến bộ 20 năm - Người Trung Quốc đã lờ đi những gì? - Ảnh 2.

SRBM DF-11 trong một cuộc duyệt binh.

Về báu vật đầu tiên, bài viết này cho biết, dù người Trung Quốc thường tỏ ra tự hào về cái mà họ coi là "năng lực vượt trội" của dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) Dongfeng (Đông Phong), nhưng trên thực tế, việc Trung Quốc phát triển thành công Dongfeng-11 (DF-11) là nhờ họ đã "mượn" nhiều thứ từ một vũ khí nhập khẩu của Romania - tên lửa "Scud C".

3 báu vật từ ngàn dặm giúp quốc phòng ta tiến bộ 20 năm - Người Trung Quốc đã lờ đi những gì? - Ảnh 3.

Hình minh họa.

Bài viết cũng cho biết: "ngoài ra, Romania còn cung cấp cho Trung Quốc những thông tin cơ bản và tính năng tương ứng về tiêm kích đánh chặn MiG-21.

Các tiêm kích quen thuộc như J-7 (Chengdu J-7), J-8 (Shenyang J-8), FC-1 Xiaolong (hay JF-17 Thunder), Guizhou JL-9 đã chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF).

Tất cả chúng đều dựa trên MiG-21.

Báu vật cuối cùng là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-72. T-72 là một trong những loại xe tăng ấn tượng nhất của Liên Xô, thứ từng khiến cả châu Âu phải khiếp sợ.

3 báu vật từ ngàn dặm giúp quốc phòng ta tiến bộ 20 năm - Người Trung Quốc đã lờ đi những gì? - Ảnh 4.

Một biến thể của T-72 được cho là xuất hiện trên đường phố Nội Mông, Trung Quốc vào đầu năm nay.

Vào những năm 1980, MBT của PLA vẫn là Type 59 (biến thể Trung Quốc của T-54A) và Type 69 (biến thể Trung Quốc của T-62).

Sự xuất hiện của T-72 có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, và MBT Type 99 đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ T-72".

3 báu vật từ ngàn dặm giúp quốc phòng ta tiến bộ 20 năm - Người Trung Quốc đã lờ đi những gì? - Ảnh 5.

T-72 (trên) và Type 99 (dưới).

Còn thiếu 3 "báu vật"?

Tuy nhiên có vẻ như cây viết trên Sohu vẫn còn kể thiếu 3 món "báu vật" khác. Theo một bài viết được Sina đăng tải vào năm 2019, đây cũng là các vũ khí nguyên mẫu Liên Xô khác đã tới tay Trung Quốc thông qua "các nước bạn bè" và cả... chính người Nga:

"Đầu tiên là pháo phòng không tự hành ZSU-57-2. Vào những năm 1980 và 1990, dù quy mô lớn nhưng phần lớn PLA là bộ binh hạng nhẹ hoặc bộ binh cơ giới và do thiếu vũ khí phòng không - họ phải dựa vào pháo phòng không xe kéo.

Khi đối mặt với mối đe dọa từ Hồng quân Liên Xô, vấn đề phòng không càng trở nên gay gắt.

Ngoài các loại tiêm kích - ném bom của Liên Xô, lượng lớn trực thăng vũ trang của họ chỉ đơn giản là "thiên địch" với bộ binh và cơ giới Trung Quốc.

3 báu vật từ ngàn dặm giúp quốc phòng ta tiến bộ 20 năm - Người Trung Quốc đã lờ đi những gì? - Ảnh 6.

Pháo phòng không tự hành Type 80 của Trung Quốc.

Vào lúc đó Trung Quốc có quan hệ tương đối tốt với Ai Cập và các nước Trung Đông khác - việc hợp tác quân sự không chỉ là xuất khẩu khí tài kỹ thuật mà còn là bán một lượng lớn vũ khí và đạn dược bao gồm tiêm kích J-6 (phiên bản Trung Quốc của MiG-19).

Và Trung Quốc đã mua được pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 do Liên Xô sản xuất qua Ai Cập để phát triển pháo phòng không tự hành Type 80.

Tiếp theo là tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) AT-3 Sagger, đây là nguyên mẫu của Hongjian-73 và phiên bản cải tiến của nó vẫn đang được trang bị trong PLA.

3 báu vật từ ngàn dặm giúp quốc phòng ta tiến bộ 20 năm - Người Trung Quốc đã lờ đi những gì? - Ảnh 7.

Hongjian-73.

Trung Quốc mua AT-3 vào năm 1971 từ Romania hoặc Nam Tư.

Do Chia rẽ Trung - Xô và việc Trung Quốc chưa từng có ATGM nên Hongjian-73 được hoàn thiện vào năm 1978 đã trở thành ATGM đầu tiên của PLA.

Cuối cùng là MBT T-80U.

Sau khi Liên Xô tan rã, một số lượng lớn MBT tiên tiến đã được xuất khẩu và thậm chí còn được tặng làm quà tặng.

Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để không chỉ mua thêm T-72 mà còn cả T-80U".

Một số thông tin không chính thức cho rằng vào năm 1993, phía Nga đã ký hợp đồng bán 200 MBT T-80U cho Trung Quốc nhưng chỉ có 50 chiếc được bàn giao.

Những chiếc T-80U này chỉ được Trung Quốc sử dụng cho mục đích thử nghiệm và tham khảo cho quá trình phát triển xe tăng nội địa.

3 báu vật từ ngàn dặm giúp quốc phòng ta tiến bộ 20 năm - Người Trung Quốc đã lờ đi những gì? - Ảnh 9.

Các quan chức Trung Quốc được cho là nghiên cứu một chiếc T-80U vào những năm 1990.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại