Một người đàn ông đang đứng nhìn đám cháy rừng nghiêm trọng ở Hy Lạp. (Ảnh: AP)
“Mọi thứ chỉ bảo đảm rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Không có nơi nào để chạy, không có chỗ nào để trốn”, bà Linda Mearns, nhà khoa học khí hậu cấp cao tại Trung tâm quốc gia về khí quyển của Mỹ, nói.
Báo cáo của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) xác định biến đổi khí hậu do con người gây ra là một sự thật đã được chứng minh. Báo cáo đưa những dự báo mới nhất cho thế kỷ 21.
Tất cả 5 kịch bản của tương lai, dựa trên lượng khí thải carbon được cắt giảm, đều vượt qua ngưỡng được đặt ra trong thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Các lãnh đạo thế giới khi đó đồng ý giới hạn mức ấm lên toàn cầu là 1,5 độ C so với nhiệt độ cuối thế kỷ 19. Nhưng từ đó, khí hậu trái đất đã nóng lên gần 1,1 độ C.
Báo cáo nói rằng trong mỗi kịch bản, thế giới sẽ đều vượt mốc 1,5 độ C vào năm 2030, sớm hơn nhiều so với những dự đoán trước đây.
Trong 3 kịch bản, thế giới sẽ vượt mức tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, dẫn đến những trận sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt khủng khiếp hơn.
Khi các cuộc đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Scotland vào tháng 11 tới, các lãnh đạo thế giới nói rằng báo cáo này khiến họ phải nỗ lực hơn nữa để cắt giảm phát thải carbon. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi đây là “lời nhắc nhở quả quyết”.
Báo cáo dài 3.000 trang do 234 nhà khoa học biên soạn còn nói rằng tình trạng ấm lên đang khiến mực nước biển dâng lên và làm trầm trọng hơn những hiện tượng cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt và bão lớn. Những trận bão nhiệt đới trở nên mạnh hơn, trong khi băng ở Bắc cực đang giảm dần vào mùa hè và lớp băng vĩnh cửu cũng tan ra. Tất cả những xu hướng này sẽ ngày càng tồi tệ.
Một ví dụ là loại sóng nhiệt chỉ xảy ra với tần suất 50 năm một lần giờ xuất hiện mỗi thập kỷ. Và nếu thế giới ấm thêm 1 độ C nữa, sóng nhiệt sẽ xảy ra với tần suất 7 năm.
Khi trái đất ấm lên, nhiều nơi không chỉ chịu một mà nhiều loại thời tiết cực đoan cùng lúc, giống như những gì đang xảy ra ở miền tây nước Mỹ hiện nay, khi sóng nhiệt, hạn hán và cháy rừng xảy ra liên tiếp. Sóng nhiệt cực đoan cũng đang gây cháy rừng nghiêm trọng ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà khoa học nói rằng cảnh báo đã được đưa ra từ hơn 3 thập kỷ trước, nhưng thế giới không lắng nghe.